Trong thơ đi sứ thời Nguyễn còn có một thế giới riêng của những tâm hồn tha phương. Ngày xưa đi sứ phương Bắc, đường xa vạn dặm, hạn kỳ nhanh chậm phải tới đôi năm như: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh đi sứ 3 năm (từ năm 1802 đến năm 1805); Lê Quang Định, Nguyễn Gia Cát đi sứ 2 năm (từ năm 1803 đến năm 1805); Bùi Dị đi sứ 2 năm (từ năm 1876 đế năm 1878) … Ở nơi đất khách quê người, nỗi niềm thương nước nhớ nhà sớm chiều da diết. Tình điệu này trở thành điệp khúc miên man vang vọng mãi trong thơ đi sứ thời Nguyễn, tạo nên bao thi tứ đẹp.
Đi sứ thời xưa là gì? Là rơi vào đơn độc, là xa gia đình và môi trường quen thuộc hàng năm liền, là cắt đứt mọi giao thiệp cảm tính hằng ngày để phải đóng vai người đại diện cho đất nước ở một xứ sở xa lạ… Có nhớ lại hoàn cảnh địa lý và phương tiện đi lại, nhớ lại tình trạng tâm lý phổ biến của
con người hai trăm năm trước, mới hiểu tại sao với người xưa, việc đi sứ lại trở nên đáng sợ như vậy. Nhưng với những con người đã tự khẳng định thì đây là một cơ hội tốt. Cơ hội để dứt bỏ cái những cái bình thường, đơn giản hàng ngày.Cơ hội lùi ra xa để nhìn mọi chuyện. Cơ hội để vượt lên cái đời sống đời thường ai cũng thấy, để sống với một đời sống bao quát hơn mà cũng là tinh túy hơn.
Dịp đi sứ cũng là lúc các sứ thần – nhà thơ thời Nguyễn được sống trong không gian, thế giới của chính mình. Đối diện với chính mình nên tứ thơ nói về đất nước với nỗi nhớ, niềm thương, nỗi buồn cất lên một cách chân thành, nhuần nhị. Người đi sứ gánh trên vai mình biết bao khó khăn, song có lẽ khó khăn lớn nhất đối với họ là cảnh cô đơn nơi đất khách. Họ cũng chẳng dễ dàng tìm được bạn tri âm trong hàng ngũ áo mũ cân đai của thiên triều. Cho nên, một điều khó tránh khỏi trong tâm tư của sứ giả là tình cảm nhớ nước, nhớ nhà, nỗi buồn day dứt trong những ngày nơi đất khách, trong những đêm trăng lạnh gối chiếc chăn đơn:
Giai tiết khủng khiên ly biệt huống, Thả bằng khi trẩm mộng trung qui…
(Nghi Câu khách trung thất tịch – Lê Quang Định) (E rằng tiết lành kéo dài thêm cảnh ly biệt,/ Hãy mượn gối trở về quê hương trong giấc mộng.)
Yêu quê hương đất nước là tình cảm ai cũng có, song thường chỉ khi nào xa nhà, xa nước, tình cảm ấy mới dấy lên mạnh mẽ, nung nấu ruột gan, đốt lên thành nỗi nhớ nhung. Đối với các sứ giả thời Nguyễn, tình yêu đó đã trở thành sức mạnh chiến đấu, là điểm tựa nâng đỡ họ theo suốt cuộc hành trình đến phương Bắc. Ngay từ những bước chân vừa đến ải Nam Quan, tình yêu ấy tuy chưa thành con sóng bạc đầu nhưng đã là con sóng dưới lòng sâu âm thầm nhưng sâu sắc:
Cửu chuyển hồi tràng tự khúc giang, Quan sơn thiều đệ biệt Nam bang.
(Nhâm Tuất niên mạnh đông… , kỳ I – Ngô Nhân Tĩnh) (Ruột vò chín khúc như con sông quanh co,/ Từ biệt nước Nam ra đi, quan san dằng dặc.)
Rồi có những lúc dừng chân nghỉ lại, người đi sứ không thể tránh khỏi những đêm dài thao thức để cảm nhận tất cả cái hoang lương ở một thành lẻ miền biên giới, hoặc một trạm nghỉ chân đâu đó:
Thiềm lựu thanh thanh thiên đáo chẩm, Mộng hồn vị cập Nhị Hà nha.
(Khách để thư hoài – Nguyễn Gia Cát) (Giọt mưa dưới mái hiên cứ thánh thót dồn đến bên gối nằm,/ Mà hồn mộng vẫn chưa về tới bên sông Nhị Hà.)
Dọc suốt trên đường hoa, hình ảnh quê hương đất nước luôn đồng hành với người đi sứ. Quê hương đất nước chính vì vậy bao giờ cũng đem lại cho họ niềm an ủi, tự hào. Dẫu biết khi đi xa, có cái mất nhưng cũng có cái được. Được hiểu biết, được thu vào tầm mắt thế giới xung quanh mình. Điều đó đâu dễ ai cũng có được. Cho nên, chúng ta không lấy làm lạ tại sao khi nhìn ra ngoài, các nhà thơ cố nhìn cho hết tầm mắt:
Mục đoạn diệt quy hồng.
(Hà Nam đạo trung khốc thử – Nguyễn Du) (Nhìn hết tầm mắt mất bóng chim hồng.)
Đó là biểu hiện của sự khao khát muốn khám phá hiểu biết. Nhưng xa quê hương vẫn là đều gì đó ghê gớm đối với người đi xa. Bằng chứng là trên đường đi, các nhà thơ thường hay quay đầu nhìn lại. Nhìn trước, nhìn sau là đều bình thường nhưng động tác của các nhà thơ thì rõ ràng, dứt khoát hơn: quay đầu lại. Ắt hẳn, có một điều gì đó đó đang tồn tại ở quê nhà khiến cho
người đi xa lưu luyến không nỡ bước:
Hồi đầu dĩ cách vạn trùng nhai
(Vọng Quan Âm miếu – Nguyễn Du) (Ngoảnh lại đã xa cách muôn trùng non nước.)
Con người khi đi xa thường cảm thấy thiếu vắng bàn tay chăm sóc của quê hương. Các nhà thơ đi sứ thời Nguyễn nhớ da diết, nhớ đến chết người từ khi mới bắt đầu ra đi chứ không phải đi lâu rồi mới nhớ:
Kinh tuần khứ quốc tâm như tử.
(Mạc phủ tức sự –Nguyễn Du) (Xa nước mấy tuần lòng như chết.)
Vì thế, dù cho chiều tà cùng gió rét, lá phong cùng cát bụi bay như mưa mà lòng lữ khách vẫn hướng về phương Nam.
Phong thụ lâm trung diệp loan phi, Kinh sa tác vũ thướng chinh y. …. Ba ba bạch phát hồng trần lộ, Nhật mộ đặng cao bi mạc bi
(Tổ Sơn đạo trung – Nguyễn Du) (Trong rừng phong, lá bay loạn xạ./ Cát tung lên như mưa, rơi vào áo khách đi đường./ … Giữa đám bụi hồng, làn tóc trắng phau,/ Chiều rồi, leo núi, không gì buồn bằng.)
Khi qua Yên Kinh, Nguyễn Du có qua lầu Nhạc Dương. Nhà thơ không nói rõ thời điểm lên lầu nhưng trong cảm nhận của người đọc có lẽ là quãng xế chiều. Bởi vào thời khắc ấy, tấm lòng kẻ tha phương thường trĩu nặng u buồn. Ai xa quê cũng thấy sợ buổi chiều. Chiều là thời điểm của sự trở về đoàn tụ. Nguyễn Du từng nói: “Gió thu, chiều tà ai cũng tưởng nhớ quê hương”. Chiều, đàn chim bay về tổ, thủy triều về với biển. Tất cả đều tìm về nơi trú ngụ, tổ ấm của mình. Bởi vậy, cảm giác lẻ loi, bơ vơ, cô độc nơi đất
khách quê người cứ đeo đẳng tâm hồn lữ thứ và như thế nỗi buồn như càng thấm sâu:
Vãng sự truyền tam túy, Cố hương không nhất nhai. Tay phong ỷ cô hạm, Hồng nhạn hữu dư ai.
(Đăng Nhạc Dương lâu – Nguyễn Du) (Việc cũ còn truyền lại ba lần say ở lầu này,/ Quê hương một góc trời trống không./ Trước ngọn gió tây, một mình đứng tựa lan can,/ Vẳng tiếng chim hồng, chim nhạn bay qua thêm buồn.)
Trên đường lữ thứ, tất cả đều xa lạ chỉ có âm thanh và cảnh vật thiên nhiên là quen thuộc, dễ bầu bạn. Dù ở quê nhà hay nơi xứ lạ cũng chỉ là những âm thanh ấy. Thế cho nên khi những âm thanh ấy vang lên lòng sứ giả như gặp lại người quen mà sinh ra nỗi nhớ. Đó là tâm tình hết sức tự nhiên. Nó luôn tiềm ẩn trong tâm thức và chỉ cần tiếng động nhỏ đủ gọi dậy vô vàn kỷ niệm. Nỗi nhớ quê nhà từ đó mà dấy lên trong lòng người đi sứ. Từ đó ta dễ hiểu được vì sao trong thơ hoa trình dày đặc những âm thanh quen thuộc của thơ cổ: tiếng mưa rơi, tiếng lá rụng, tiếng chim hót, tiếng chuông ngân, tiếng mõ cầm canh… Tất cả tạo nên chất xúc tác trong lòng sứ giả nỗi nhớ thương quê hương quay quắt mênh mông. Và tâm trạng “hương sầu”, “hương tâm”, “hương tứ”, “tư hương”… thường trực trong ý thức và cả trong tiềm thức, có chiều rộng lẫn chiều sâu.
Biệt phố phân tân sắc, Dao không thất cố hương.
(Tương Giang dạ bạc – Nguyễn Du) (Bến biệt nhau đã chia màu sắc mới,/ Vời trông phía trời xa chẳng thấy quê hương.)
Đi sứ thì xe ngựa dập dìu, giao tiếp ồn ả. Thế nhưng trong con người Phan Huy Chú, những năm tháng công cán ấy, nhà ngoại giao không lấn át nhà thơ. Ông vẫn có những giây phút tĩnh lặng và vẫn nắm bắt rất nhạy bén những gì ở ngoại cảnh có khả năng khơi gợi cái thế giới tình hoài sâu lắng trong ông. Cái tình hoài da diết bộc lộ đậm đặc nhất trong hai tập thơ đi sứ của ông (Hoa thiều ngâm lục, Hoa trình tục ngâm) là tình yêu, nỗi nhớ nước nhớ nhà. Không phải ngẫu nhiên mà trong thơ ông có nhiều trận mưa và cơn mưa, nhiều cảnh đêm và chiều tà như Tân Ninh dạ bạc (Đêm dừng thuyền ở Tân Ninh), Hành Châu vũ dạ văn chung (Ở Hành Châu đêm mưa nghe tiếng chuông), Để Trường Sa vãn bạc (Đến phủ Trường Sa đêm cắm thuyền ngủ),
Nguyệt dạ cảm hoài (Đêm trăng ngẫu nhiên cảm hoài), Bạch Tuyết dương
cảm hứng (Cảm hứng buổi chiều ở bờ đê Bạch Tuyết). Đây là nỗi lòng của nhà thơ khi nghe tiếng chuông trong đêm mưa ở Hành Châu:
Hành Tương thiên lý phiếm chinh bồng, Thiều đệ Nam Quan cách kỷ trùng. Hồi Nhạn phong tiền lưu vũ dạ,
Hương tâm tiêu khởi sổ thanh chung.
(Hành Châu vũ dạ văn chung) (Buông con thuyền nghìn dặm trên sông Tương ở Hành Châu,/ Ải Nam Quan vời vợi cách trở mấy trùng./ Trước ngọn núi Hồi Nhạn, trong đêm mưa mát mẻ,/ Lòng quê chợt dấy lên theo mấy tiếng chuông.)
Những âm thanh huyên náo của nghi lễ ngoại giao không đủ sức làm khuây lãng âm thanh u trầm của thương nhớ trong lòng ông phó sứ họ Phan. Một tiếng chuông đêm ở Hành Châu cũng khơi gơi nỗi nhớ quê nhà. Một ngọn gió sớm trên sông Tương cũng thổi giấc chiêm bao về phương Nam:
Nguyên thấp kinh niên mộng,
Hương quan ngũ dạ tình.
(Việc vất vả, bao năm từng rộn chiêm bao,/Nỗi nhớ quê năm canh vấn vương dạ.)
Lại có nhà thơ chỉ cần một tiếng lá rụng cũng bâng khuâng da diết. Đây là một trong những câu thơ đẹp cả tình lẫn ý trong thơ đi sứ thời Nguyễn:
Hồng diệp lạc tiêu đầu ngạn khứ, Bất tri lưu đáo Việt Nam vô?
(Tân Ninh châu thành tức sự - Trương Hảo Hiệp) (Đêm qua những chiếc lá đỏ rụng xuống bờ sông,/ Chẳng biết có trôi về đến nước Việt Nam ta không?)
Tiếng ve kêu rền rĩ từ bụi cỏ bên hồ Đặng Lạc hay trên lối vắng bên đê Lão Phụ cũng khiến bao lữ khách chạnh lòng nhớ quê hương:
Tráng du nhân khởi ky hương niệm,
Duy yến thiên thanh cách thảo ngâm.
(Đặng Lạc đường tảo phiếm – Trương Hảo Hiệp) (Cuộc tráng du khiến khách chạnh niềm nhớ quê hương,/Ngán nỗi tiếng ve cách bụi cỏ cứ kêu rền rĩ.)
Đến thời khắc nào đó, tâm trạng “tư hương” trong thơ Trương Hảo Hiệp không còn biên giới nữa. Nó lấn át cái khoảnh khắc tiếng rơi của mưa lá, tiếng kêu của ve của chim. Nó vượt qua cái không gian nhỏ hẹp của chiều tà, đêm khuya để hòa tan vào bốn phương của đất trời:
Lộ phân nam, bắc dữ tây, đông Hoài cổ, tư hương, xứ xứ đồng.
(Chính Định lữ dạ – Trương Hảo Hiệp) (Đường chia nhiều ngã nam, bắc, đông, tây,/ Đi đến đâu cũng một niềm hoài cổ và nhớ quê nhà.)
Ngoài những âm thanh, hình ảnh vốn mang tính ước lệ, cổ điển thường thấy trong thơ cổ, thơ đi sứ thời Nguyễn còn vang vọng ngọt ngào những âm
thanh, hình ảnh mang hồn dân tộc, phong vị dân tộc.
Trong thơ của người đi sứ thời Nguyễn, hoa cúc, cành mai trở thành “hương tín” gói gọn trong đó tất cả tình yêu và nỗi nhớ. Nó là chiếc cầu nối rút ngắn khoảng không gian vạn dặm:
Xuân quy thượng tấc tha hương khách,
Hương tín bằng thùy ký dịch mai.
(Cửu khách Chân Lạp – Trịnh Hoài Đức) (Xuân về, còn làm khách nơi quê người,/ Biết nhờ ai gởi cành mai báo tin đẹp.)
Tuy có lúc nhà thơ cũng ngất ngây bởi màu sắc lạ nơi xứ người:
Hồn đối ngư đăng đào thổ nhị, Thanh liên nho phục thảo trừu điều.
(Nguyên nhật khách Cao Miên quốc – Trịnh Hoài Đức) (Đào phô nhị, ánh hồng sánh với ánh đèn làng chài,/ Cỏ đâm chồi, màu xanh lẫn với màu áo nhà nho.)
Cùng với:
Vân đạm nga mi tế, Hồ quang thỏ phách tề.
(Hà Nam lộ trung lập thu – Trịnh Hoài Đức) (Làn mây nhạt tựa nét mày ngài nhỏ,/ Mặt hồ sáng lòa cùng bóng thỏ một màu.)
Trong thơ đi sứ thời Nguyễn tràn ngập sắc vàng của mai gợi lên cảm xúc bồi hồi, xốn xang, rạo rực khi mùa xuân sang:
Giang thủy lưu cùng du tử lệ, Lĩnh mai khai tận cố viên tâm.
(Nhâm Tuất niên mạnh đông… , kỳ VI – Ngô Nhân Tĩnh) (Nước sông chảy hoài dòng lệ du tử,/ Mai núi nở hết lòng nhớ vườn quê.)
Người kín đáo thâm trầm như Nguyễn Tư Giản cũng dậy lên rạo rực niềm nhớ nước thương nhà. Trong bốn mươi năm làm quan suốt mấy triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… , nhà thơ đã gắn bó máu thịt với kinh thành Phú Xuân. Khúc hát “Khoan khoan hồ hải” đã trở nên thân thuộc với ông quan cả đời theo đuổi việc “trị sinh”. Vì vậy, nghe tiếng hát chèo đò trên sông, lòng ông bâng khuâng ngỡ tiếng hò ấy của quê nhà mà ước mơ:
Thanh sơn vạn diệp phiếm phàm khai, Kích thải tân ca nhật kỷ hồi.
Nguyệt dạ “khoan khoan hồ hải” khúc, Tùy phong an đắc mộng trung lai.
(Văn trạo ca hữu cảm) (Non xanh trùng điệp, một lá buồm giương,/ Điệu mới đò đưa ngày nghe mấy bận./ Dưới trăng vẳng khúc “khoan lới hò khoan”,/ Ước gì trong mơ gió đưa đến.)
Khi đi xa, quê hương đất nước còn là bến đợi để người ra đi trở về khi đã hát xong bài ca Hoàng Hoa. Hướng về Nam, ở đó đâu chỉ có “tiếng nhạc quân thiều”, “bệ rồng thềm hoa” mà còn có nhà, có tiếng chày đập vải, có những tiếng nói thân thương, cuộc sống yên bình. Ở đó, còn có biết bao người đang ngóng trông mòn mỏi bước chân sứ giả trở về và ở đây lòng người cầm cờ tiết cũng đang mòn mỏi ngóng trông. Con người khi xa quê hương, gia đình luôn mong mỏi tin tức là điều tự nhiên. Vì thế, hình ảnh “chim nhạn” như là điểm nhấn trong thơ đi sứ thời Nguyễn lột tả được lòng nhớ nước, thương nhà chín ruột chín gan của người đi sứ:
Quan san nguyệt lãnh, nhạn nam phi.
(Nghi Câu khách trung thất tịch – Lê Quang Định) (Chốn quan san trăng lạnh, nhạn bay về nam.)
Gia thư bằng lữ nhạn,
Tiên phó Việt Nam tê.
(Hà Nam lộ trung lập thu – Trịnh Hoài Đức) (Thư nhà nhờ chim nhạn nơi đất khách,/ Hãy đưa trước về cõi Việt Nam.) Lòng nhà thơ Nguyễn Tư Giản cũng dõi theo cánh nhạn mà ước mơ:
An đắc Hành Dương nhạn,
Tùy phong cánh thướng nam.
(Thường cam – Nguyễn Tư Giản) (Ước gì đàn nhạn núi Hành Dương,/ Thuận gió bay về phương nam.)
Dù đứng trước kinh đô thiên triều có nhiều uy nghi, trước cảnh non sông tráng lệ của Trung Quốc nhưng các sứ giả thời Nguyễn dẫu có rung động thật lòng cũng ý thức rất rõ ràng nơi ấy, cảnh ấy thật là đẹp nhưng không phải là đất nước mình.
Trong những ngày xa nước, sứ mệnh bang giao bận rộn nhưng tình cảm quê hương vẫn canh cánh trong lòng sứ giả Ngô Nhân Tĩnh. Nhân dịp sứ bộ đi đường thủy đến Quảng Tây vào tháng 10 năm Nhâm Tuất (1802), ông viết bài thơ này để họa lại Trịnh Hoài Đức với ý thơ dạt dào sâu sắc:
Sổ trước tranh tiên kỳ cục thắng, Ngũ canh sát thoái thụy ma hàng. Hốt văn sương lý Mai hoa khúc, Tưởng thị sơn thành cố quốc xoang.
(Nhâm Tuất niên mạnh đông…, kỳ I) (Giành trước được vài nước, cuộc cờ nên thắng,/ Xua đuổi suốt năm canh, ma ngủ phải hàng./ Bỗng nghe khúc Mai hoa trong sương mờ,/ Ngỡ khúc đàn cố quốc ở tòa thành núi.)
Ở cung bậc khác, lòng yêu nước của ông được nâng lên như một lời thề tâm huyết qua bài Đối kính:
Báo quốc, đan tâm tận, Tư hương bạch phát tân.
(Báo nước, hết lòng son,/ Nhớ quê, thêm tóc bạc!)
Nỗi lòng của Lý Văn Phức thì ngổn ngang, ngậm ngùi. Vào một đêm yên tĩnh, ánh trăng vào tận phòng len vào ghế ngồi, ông cảm nhận được cái lạnh của sóng trên sông, ánh trăng tàn lờ mờ và tiếng chày đập vải, mới hay nhà thơ trong trạng thái mơ màng, chập chờn:
Bách niên tu mấn kinh tương bán, Ngũ dạ hương quan mộng bất thành.
(Dạ)
(Cuộc đời trăm năm, giật mình đã non một nửa;/ Năm canh nỗi niềm quê hương, chiêm bao chẳng thành.)
Đọc thơ đi sứ thời Nguyễn, có nhiều điều khiến ta đáng nhớ. Hình ảnh đọng lại thật sâu gây nhiều ấn tượng là mái đầu bạc:
Chỉnh dung thiểm vọng hư linh giám,
Sương mấn sầu thôi kính lý doanh.
(Khách ngộ húy nhật cảm tác – Lê Quang Định) (Sửa nét mặt xa vọng hồn linh chứng giám,/Trong gương đã hiện mái tóc sầu rụng điểm sương.)
Hoặc:
Phong sương tố thị nhân thần tiết, Kính lý ninh giao lưỡng mấn tinh.
(Tín Dương hiểu hành – Lê Quang Định) (Mây đưa lòng quê trong núi vừa đùn ra,/Soi gương chớ ngại hai mái đầu điểm bạc.)
Hồng Lĩnh cách niên hư túc mộng,
Bạch đầu thiên lý tẩu thu phong.
(Hơn một năm qua chỉ mộng mị suông về dãy non Hồng,/ Mái đầu bạc vẫn