a. Khái niệm KSCLKT tại kiểm toán độc lập
KSCLKT đã được tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao INTOSAI thừa nhận như một định chế bắt buộc và là trách nhiệm pháp lý
được quy định rõ trong các tuyên bố chung, cũng như trong các chuẩn mực của mình. Chuẩn mực kiểm toán INTOSAI khẳng định: “ Công việc kiểm
toán viên ở mỗi bước, mỗi giai đoạn kiểm toán đều phải kiểm tra và soát xét lại chất lượng một cách đầy đủ, đúng đắn và kịp thời. ( INTOSAI 2004, guidelines on Audit Quality).
Như vậy, KSCLKT được thừa nhận như một tiền đề quyết định chất lượng hoạt động kiểm toán.
Ở Việt Nam, cơ quan kiểm toán nhà nước đã ban hành chuẩn mực kiểm toán số 10 “ Kiểm tra và soát xét chất lượng kiểm toán” và khẳng định đây là yêu cầu tất yếu khách quan, là một quy phạm bắt buộc đối với hoạt động kiểm toán ở mọi khâu và mọi lúc. Như vậy, KSCLKT đã trở thành một định chế ở
Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế, với chuẩn mực kiểm toán của INTOSAI.
Thông qua sự phân tích ở trên có thể đi đến khái niệm về KSCL của kiểm toán độc lập như sau:
Có nhiều định nghĩa khác nhau về KSCL hoạt động kiểm toán độc lập nhưng có thể nói đó là việc kiểm soát của các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp và các công ty kiểm toán đối với các hoạt động kiểm toán nhằm không ngừng nâng cao chất lượng nghề nghiệp. Nói cách khác, KSCL hoạt động kiểm toán
độc lập là cách thức cung cấp và đảm bảo rằng các KTV độc lập đạt được các tiêu chuẩn nghề nghiệp khi họ thực hiện các dịch vụ kế toán, kiểm toán.
Tất cả các nước đều có chung một mục tiêu khi thiết lập chương trình KSCL hoạt động kiểm toán độc lập, đó là:
- Gia tăng độ tin cậy về nghề nghiệp.
- Đảm bảo chất lượng tối thiểu trong việc tuân thủ các chuẩn mực nghề
nghiệp.
- Thúc đẩy hoạt động đào tạo và sửa chữa.
b. Ý nghĩa của KSCLKT tại kiểm toán độc lập
+ Trước hết đối với người sử dụng kết quả kiểm toán, ý kiến kiểm toán là cơ sở để họ tin tưởng và sử dụng các thông tin mà họ được cung cấp. Mọi sự không phù hợp nào trong việc đưa ra ý kiến của kiểm toán viên và công ty kiểm toán đều làm ảnh hưởng đến quyết định của những người sử dụng kết quả kiểm toán và có thể gây ra các thiệt hại về kinh tế đối với họ.
+ Đối với kiểm toán viên và công ty kiểm toán sự không phù hợp trong ý kiến kiểm toán cũng như không làm thoả mãn sự hài lòng của khách hàng về dịch vụ cũng có nghĩa là công ty gặp rủi ro kiểm toán, mất uy tín và có nguy cơ mất thị trường khách hàng. Trong điều kiện nền kinh tế phát triển, các lĩnh vực hoạt động đa dạng, phức tạp, các chính sách kinh tế thay đổi cùng với nhận thức và yêu cầu về chất lượng của khách hàng ngày càng cao. Vì vậy, việc cung cấp các thông tin phản hồi cho các kiểm toán viên về chất lượng công việc kiểm toán để từng kiểm toán viên biết được hoạt động của mình, từ đó rút kinh nghiệm và có biện pháp phấn đấu, nâng cao trình độ
chuyên môn, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp bảo đảm hoàn thành công việc kiểm toán đạt chất lượng cao.
Do vậy vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý chất lượng kiểm toán là phải đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán. Đảm bảo chất lượng kiểm toán là tập hợp các biện pháp có kế hoạch và hệ thống cần thiết để đảm bảo rằng kết quả kiểm toán hoàn toàn phù hợp với các yêu cầu về chất lượng đã
đề ra. Và nâng cao chất lượng đòi hỏi các hoạt động quản lý cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và ở mọi cấp độ quản lý nhằm không những duy trì chất lượng mà phải nâng cao hơn nữa chất lượng, nhằm thoả mãn tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong các điều kiện thay đổi của nền kinh tế.
Tuy nhiên, ngay cả môt hệ thống KSCL tốt nhất cũng không thể đảm bảo chắc chắn không có bất kỳ một sai phạm nào xảy ra, bởi vì con người khi thực hiện kiểm toán, kiểm soát vẫn có thể vô tình hoặc cố ý những sai sót, sai
phạm khi làm việc. Do vậy hệ thống KSCLKT được lập ra nhằm giảm đến mức tối thiểu những rủi ro của các sai phạm không chủ ư và hầu như khó có thể ngăn ngừa các sai phạm cố tình hoặc những hoạt động gian lận.
c. Mục tiêu của KSCL kiểm toán
+ Mục tiêu chung của kiểm soát chất lượng kiểm toán
Mục tiêu chung của kiểm soát chất lượng kiểm toán là bảo đảm cho kiểm toán viên của công ty kiểm toán tuân thủ đúng các chuẩn mực nghề
nghiệp hiện hành và các chuẩn mực chất lượng theo quy định đặt ra, nhằm tạo ra những sản phẩm kiểm toán đạt tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các đối tượng sử dụng kết quả kiểm toán.
+ Các mục tiêu cụ thể của kiểm soát chất lượng kiểm toán
- Việc kiểm toán được thực hiện phù hợp với các chuẩn mực kiểm toán, quy trình kiểm toán, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán và các quy chế, quy định khác trong hoạt động kiểm toán, các thành viên của
đoàn kiểm toán hiểu rõ và nhất quán về kế hoạch kiểm toán, tổ chức thực hiện kiểm toán, lập báo cáo kết quả kiểm toán.
- Các ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán có đầy
đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, phù hợp với các chuẩn mực đã được quy
định. Tất cả các lỗi, thiếu sót và các vấn đề không bình thường phải được nhận biết, ghi lại bằng văn bản và giải quyết đúng đắn hoặc báo cáo cho người có thẩm quyền cao hơn xem xét, xử lý.
- Đạt được các mục tiêu kiểm toán đã đặt ra, báo cáo kiểm toán phải bao gồm đầy đủ các ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán liên quan đến cuộc kiểm toán, rút ra những kinh nghiệm nhằm cải thiện hoạt động kiểm toán trong tương lai. Những kinh nghiệm đó cần phải được nhận biết, ghi chép và phải được đưa vào kế hoạch kiểm toán kỳ sau và trong các hoạt động phát triển nhân sự.
Như vậy, kiểm soát chất lượng kiểm toán đã được thừa nhận như một chức năng của quản lý hoạt động kiểm toán, là trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm chuyên môn nghề nghiệp của mọi cơ quan KTNN và các công ty kiểm toán, là một trong những chuẩn mực kiểm toán quan trọng trong hoạt động kiểm toán. Do vậy, việc thiết lập và duy trì một hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán là một trong những nhiệm vụ không thể thiếu được của các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, của các công ty Kiểm toán tại Việt Nam.
d. Các khía cạnh kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán
* Xét theo gốc độ các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán
Kiểm soát chất lượng kiểm toán theo hướng này chủ yếu dựa trên chính sách về tuân thủ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghề nghiệp và cách thức kiểm soát thông qua giao việc, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra và tham khảo ý kiến chuyên gia. Theo chuẩn mực kiểm toán số 220 - Kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán có nêu:
- Công ty kiểm toán phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra tính đầy đủ
và tính hiệu quả trong quá trình thực hiện các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán của công ty.
- Công việc kiểm toán phải được hướng dẫn, giám sát thực hiện đầy đủ ở tất cả các cấp cán bộ, nhân viên nhằm đảm bảo là công việc kiểm toán đã
được thực hiện phù hợp với chuẩn mực kiểm toán và các quy định có liên quan.
- Kiểm toán viên có trách nhiệm xem xét năng lực chuyên môn của những trợ lý kiểm toán đang thực hiện công việc được giao để hướng dẫn, giám sát và kiểm tra công việc cho phù hợp với từng trợ lý kiểm toán.
- Khi cần thiết, kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải tham khảo ý kiến tư vấn của chuyên gia trong công ty hoặc ngoài công ty.
Như vậy, khi giao công việc cho trợ lý kiểm toán, phải đảm bảo là công việc được giao cho người có đầy đủ năng lực chuyên môn cần thiết và phải luôn đảm bảo sự kiểm tra, giám sát để công việc diễn ra đúng chương trình kiểm toán một cách đầy đủ và nghiêm túc, và khi gặp vướng mắc thì trưởng
đoàn có trách nhiệm phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía các chuyên gia. + Tiếp cận theo hướng này là kiểm soát về:
- Tư chất đạo đức, nguyên tắc làm việc và chuyên môn của mỗi nhân viên.
- Năng lực của trưởng nhóm trong cách thức làm việc và kiểm soát để đảm bảo cho công việc kiểm toán hiệu quả.
- Hướng dẫn, giám sát và kiểm tra trong suốt quá trình kiểm toán.
* Xét theo góc độ các yếu tố của kiểm toán
Các yếu tố cần thiết phải kể đến ở đây là: Nguồn nhân lực, phương tiện làm việc và nguồn thông tin khách hàng.
+ Kiểm soát theo hướng này chủ yếu là kiếm soát về:
- Nhân lực: Hoạt động kiểm toán dựa trên lao động trí óc là chủ yếu, vì thế yếu tố con người luôn được các công ty kiểm toán đưa lên hàng đầu. Yêu cầu đối với một kiểm toán viên vì thế mà phải cao. Kiểm toán viên phải là người có chuyên môn và tư chất thích hợp. Việc đào tạo nhân lực đối với các công ty kiểm toán thường được thực hiện rất cẩn thận. Các kiểm toán viên phải thường xuyên duy trì và nâng cao kiến thức để hoàn thành tốt công việc của mình. Đồng thời các cán bộ lãnh đạo phải nắm bắt được trình độ chuyên môn của mỗi nhân viên nhằm đảm bảo giao việc phù hợp với từng hợp đồng kiểm toán.
- Phương tiện làm việc: Là những công cụ hỗ trợ cho kiểm toán viên trong quá trình làm việc như văn phòng, giấy tờ làm việc, máy tính cá nhân, laptop v…v… Khi được trang bị đầy đủ phương tiên làm việc, kiểm toán viên
sẽ thực hiện việc kiểm toán nhanh chóng và chính xác hơn.
- Nguồn thông tin khách hàng: Đây là điều thật sự cần thiết khi thực hiện một hợp đồng kiểm toán vì mỗi khách hàng có một đặc điểm khác nhau, nếu chúng ta nắm bắt được thì việc hạn chế rủi ro và hiệu quả làm việc sẽ được nâng cao hơn.
* Xét theo góc độ quy trình kiểm toán
Việc tiếp cận theo quy trình kiểm toán yêu cầu ban quản lý phải có những chính sách, thủ tục, hay công cụđể soát xét chất lượng hoạt động kiểm toán thông qua quy trình kiểm toán được thực hiện bởi kiểm toán viên
Quy trình kiểm toán được chia làm 3 giai đoạn: - Chuẩn bị kiểm toán
- Thực hiện kiểm toán - Hoàn thành kiểm toán
Rõ ràng, kiểm soát chất lượng cần phải thực hiện đồng bộ trên cả 3 hướng tiếp cận. Trong phạm vi đề tài nghiên cứu, tác giả sẽ tập trung lấy việc kiểm soát theo quy trình kiểm toán làm trọng tâm, trong đó vẫn xoay quanh theo các hướng tiếp cận về các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán, theo các yếu tố của kiểm toán để đảm bảo kiểm soát chất lượng trong một cuộc kiểm toán được toàn diện và sâu sắc nhất.
1.2. KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG THEO QUY TRÌNH KIỂM TOÁN CỦA CÁC CÔNG TY KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP