7. CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN
2.1. Khái quát về thị trường lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh
Gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam thâm nhập nhiều hơn vào nền kinh tế thế giới. Thực tế này mang tính hai mặt, vừa hợp tác, vừa đấu tranh trên nhiều phương diện. Sự cạnh tranh kinh tế với các quốc gia ngày càng quyết liệt, đòi hỏi phải tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng hàng hoá và đổi mới công nghệ một cách nhanh chóng… Cơ hội và thách thức đan xen nhau không chỉ về mặt kinh tế mà cả về văn hoá, xã hội. Thực chất đó là cơ hội và thách thức về yếu tố con người và về nguồn lực, đặc biệt về năng lực trí tuệ sáng tạo và ý chí vươn lên bền vững của con người, của cộng đồng và của toàn xã hội.
Song song với sự phát triển về kinh tế là xã hội phải ngày càng ổn định, các giá trị truyền thống của dân tộc được bảo vệ. Đời sống nhân dân được cải thiện, nhu cầu học tập phát triển. Việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội có những chuyển biến tốt: Trong 5 năm, đã giải quyết được việc làm cho trên 8 triệu lao động, tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm còn dưới 4,5%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng, năm 2010 đạt 40% tổng số lao động đang làm việc.
Định hướng phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2015: (Nguồn: Dữ liệu trong trang web Thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ www.hochiminhcity.gov.vn)
- Duy trì tốc độ tăng trưởng của thành phố cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung của cả nước và phát triển một cách toàn diện, cân đối và bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội. Tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố bình quân phấn đấu đạt 12%/năm.
- Phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh gắn liền với tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả
nước; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ; phát triển kinh tế hướng mạnh về xuất khẩu.
- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng và hiệu quả của từng ngành và toàn bộ nền kinh tế nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong tiến trình hội nhập, chiếm lĩnh thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng các ngành công nghiệp hiện có, từng bước phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, hoàn chỉnh các khu công nghiệp tập trung.
- Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với bảo đảm dân sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, công bằng xã hội. Chuẩn bị tốt nguồn nhân lực; lựa chọn phát triển các công nghệ “mũi nhọn”, đồng thời mở rộng nghiên cứu ứng dụng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa; tạo nhiều việc làm cho người lao động.
- Hạn chế tăng dân số và phân bố lại hợp lý dân cư trong vùng và trên địa bàn thành phố. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bao gồm học vấn, nghề nghiệp, đạo đức và thể chất.
- Phát triển đồng bộ và đi trước một bước hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông đô thị, tiến tới xây dựng một đô thị văn minh hiện đại.
- Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực điều hành quản lý nhà nước ở các cấp chính quyền thành phố.
- Phát triển kinh tế, kết hợp với giữ vững an ninh chính trị, trật tự công cộng, an toàn xã hội, đóng góp tích cực cho công tác bảo đảm an ninh - quốc phòng khu vực phía Nam và đất nước.
Lĩnh vực giáo dục tiếp tục nhận được sự quan tâm của mỗi người dân, đặc biệt là những thay đổi về chương trình đào tạo, về thi cử…. Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7/2005 đang phát huy tác dụng trong đời sống xã hội. Đề án đổi mới giáo dục đại học Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt, giáo dục đại học nước ta đang đứng trước những thách thức gay gắt: đó là khoảng cách ngày càng xa so với nền giáo dục đại học của các nước tiên tiến; là sự thiếu nhạy bén, thiếu năng
động của giáo dục đại học để đáp ứng những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những cuộc cải cách đổi mới giáo dục đại học ở các nước trên quy mô toàn cầu được coi là cơ hội tốt để giáo dục đại học Việt Nam có thể tiếp cận nhanh chóng với những xu thế mới, ý tưởng và tri thức mới, đúc kết những kinh nghiệm tốt của giáo dục đại học thế giới để vận dụng sáng tạo vào thực tiễn nước ta.
Cấu trúc lực lượng lao động của Thành phố Hồ Chí Minh
Theo định hướng phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015, GDP của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng 12% nên nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng tăng lên đáp ứng nhu cầu phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Riêng năm 2011, qua khảo sát và phân tích, thành phố sẽ cần 265.000 lao động, trong đó, lao động phổ thông chiếm trên 45%, lao động có trình độ đại học, cao đẳng khoảng 20%. Chỉ tính riêng lao động có trình độ từ sơ cấp nghề đến trung cấp chiếm khoảng 35%. Tổng hợp nhu cầu của trên 6.000 doanh nghiệp cho thấy những ngành có nhu cầu tuyển nhiều trong năm 2011 là cơ khí, điện, điện tử, chế biến thực phẩm, nhựa - bao bì, cơ khí, mộc - mỹ nghệ, trang trí nội thất, xây dựng, chế biến thực phẩm, bán hàng...
Theo thống kê của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trong số trên 252.000 lao động đang làm việc tại 1.034 doanh nghiệp hoạt động trong 14 khu chế xuất – khu công nghiệp tại thành phố, chỉ gần 7% được đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng và có đến 84% lao động có trình độ từ trung học phổ thông trở xuống. Ban Quản lý các KCX-KCN Thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA) cho biết một trong những nguyên nhân khiến lao động vừa thiếu, vừa kém chất lượng như trên là do khâu đào tạo của các trường chưa phù hợp với dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp, nên doanh nghiệp phải tuyển lao động phổ thông để tự đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng theo nhu cầu. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp tuyển dụng và đào tạo thì cũng chỉ đáp ứng ở từng khâu sản xuất nhất định. Thế nên, cho dù có trong tay cả 10 năm kinh nghiệm song khi chuyển việc mới có yêu cầu cao hơn (dù cùng ngành nghề) thì lao động gần như cũng phải đào tạo lại từ đầu. Hiện nay, các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp chỉ đáp ứng
được 15% nhu cầu của thị trường lao động, còn lại các doanh nghiệp tự xoay sở tìm nguồn nhân lực cho mình. Các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tuyển lao động lành nghề, lao động quản lý, hầu hết doanh nghiệp đều tự tổ chức đào tạo tại chỗ hoặc liên kết đào tạo với các trường chuyên nghiệp để nâng cao tay nghề cho người lao động hoặc đưa công nhân đi đào tạo ở nước ngoài...
Từ những phân tích trên cho thấy sự hội nhập quốc tế của Việt Nam và thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối đầu với nhiều thách thức của thời đại, trong đó thách thức về chất lượng nguồn nhân lực là điều có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần được quan tâm đúng mức. Việc thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế là một chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, đòi hỏi cả nước phải ra sức phấn đấu để vượt qua tình trạng lạc hậu và đuổi kịp trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các nước trong khu vực và trên thế giới. Muốn vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao là điều kiện tiên quyết, đây là trọng trách của ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, cao đẳng.