Nhóm giải pháp hỗ trợ để phát triển nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực tại công ty cổ phần đầu tư hợp tác kinh tế VIệt lào (Trang 91)

3.2.4.1. Hoàn thiện chính sách thu hút và duy trì lao động

Để hoàn thiện công tác phát triển nguồn nhân lực Công ty cần thu hút người tài bằng chính sách cung cấp cho họ cơ hội học tập và tạo cho họ cơ hội phát triển. Phải mạnh dạn đầu tư đào tạo cho nhân viên giỏi, tạo ra môi trường cho họ ứng dụng những điều đã học vào nơi làm việc và tạo con đường phát triển nghề nghiệp cho họ lâu dài hơn là chỉ đơn thuần ràng buộc về vấn đề tài chính giữa công ty và nhân viên về chi phí đào tạo.

Ngoài ra, để có nhân viên giỏi, công ty cần thực hiện thu hút ứng viên từ nhiều nguồn và phải luôn tuyển dụng, không được dễ dãi trong tiêu chuẩn tuyển dụng và đòi hỏi phải theo đúng quy trình tuyển dụng. Đồng thời, công ty cần sáng tạo khi công nhận và thưởng nhân viên, tìm những phương thức dễ áp dụng: ví dụ như khen ngợi họ trước toàn thể công ty; thưởng khoản tiền lớn khi họ có sáng kiến kinh nghiệm giúp ích cho hoạt động của công ty hoặc hoàn thành suất sắc mục tiêu được giao; để nhân viên làm việc theo một lịch trình linh hoạt vì việc mang đến cho mọi người tinh thần làm chủ là điều rất quan trọng, nhân viên giỏi sẽ thấy công ty như một gia đình, trong đó có “bóng dáng” của mình.

3.2.4.2. Hoàn thiện chế độ động viên, khuyến khích về vật chất và tinh thần

a. Đổi mới về chính sách tiền lương

Để khuyến khích các nhân viên sau khi được đào tạo vận dụng các kiến thức mình đã học vào việc rèn luyện để phát triển các năng lực cần thiết cho công ty, công ty cần phải có chế độ đãi ngộ phù hợp hơn như: bổ sung lương theo các năng lực mà nhân viên đạt được. Muốn vậy công ty phải bổ sung vào tiêu chuẩn đánh giá nhân viên các năng lực quan trọng cho công ty.

Hiện nay chế độ tăng lương của công ty mỗi năm còn thấp, hầu như chia đều cho mọi người, nhưng đảm bảo công việc ổn định lâu dài cho mọi nhân viên, điều này đã không khuyến khích nhân viên có nhiều đóng góp cho công ty. Do đó, công ty nên xây dựng chế độ lương bổng dựa theo thành tích đạt được của nhân viên. Khi đó nhân viên sẽ tích cực và sáng tạo hơn trong công việc, đồng thời họ sẽ hết lòng đào tạo và hỗ trợ cấp dưới hoàn thành mục tiêu chung của công ty.

Tiền thưởng quý, cuối năm được công ty thưởng cho nhân viên là như nhau cho mọi năm theo đúng qui định của nhà nước kể cả khi công ty đạt được lợi nhuận cao hơn nên nhân viên cảm thấy lợi nhuận của công ty chưa gắn liền với lợi ích của họ. Vì vậy, trong thời gian tới công ty nên áp dụng nguyên tắc: tiền thưởng tỉ lệ thuận với lợi nhuận công ty đạt được.

b. Đổi mới về công tác đánh giá

Việc đánh giá thực hiện công việc của cấp trên đối với nhân viên cần đảm bảo sẽ giúp ích trong việc nâng cao chất lượng công việc của họ. Vì vậy những người làm công tác đánh giá nhân viên cần tham gia các khóa học về kỹ năng đánh giá nhân viên, công ty cũng có thể mời chuyên gia hướng dẫn vấn đề này. Làm được như vậy sẽ góp phần đưa công tác đánh giá nhân viên ngày một khách quan, khoa học và công bằng hơn.

Công ty nên tiến hành thảo luận với nhân viên về kết quả đánh giá, vạch ra được phương hướng, cách thức cải tiến thực hiện công việc sao cho tốt hơn, kích thích nhân viên tự nỗ lực phấn đấu, thông báo các khả năng phát triển nghề nghiệp của họ.

c. Tổ chức tốt việc cung cấp thông tin phản hồi cho nhân viên

Cung cấp thông tin phản hồi cho nhân viên là một việc làm rất cần thiết nhằm:

- Cung cấp những sai sót để kịp thời khắc phục.

- Khuyến khích nhân viên khẳng định những thành tích mà họ đạt được. - Nhờ cung cấp thông tin phản hồi cho họ mà ta có thể bổ sung vào các dự án đào tạo nhân viên.

- Việc cung cấp thông tin phản hồi làm cho nhân viên hiểu rõ yêu cầu của công ty để từ đó họ có những định hướng rõ ràng trong công việc của mình để phù hợp với đường lối chung của công ty.

d. Đổi mới chính sách đề bạt, điều động nhân viên

Công ty cần xây dựng tiêu chuẩn cho từng chức danh, công khai tiêu chuẩn; xây dựng sơ đồ thuyên chuyển nhân viên và thực hiện thêm các chế độ như thiết lập các mục tiêu nghề nghiệp; làm giàu công việc; mở rộng công việc; luân chuyển công việc; ủy quyền công việc và bố trí công việc phức tạp hơn cho nhân viên.

3.2.4.3. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, khuyến khích học tập nâng cao trình độ nguồn nhân lực

Như ta đã biết, bất kỳ doanh nghiệp nào khi bước vào kinh doanh cũng muốn có trong tay những nhân viên làm việc hiệu quả, luôn hết mình với công việc và trung thành với doanh nghiệp. Tuy nhiên, do những yếu điểm của mình như cơ sở vật chất, điều kiện địa hình kinh doanh, lương bổng, phúc lợi không bằng đơn vị khác nên khó thu hút lao động có trình độ và có tỷ lệ luân chuyển lao động sang doanh nghiệp khác cao. Chính vì vậy, công ty cần quan tâm tạo nên văn hóa doanh nghiệp đặc thù Việt Nam, với những nét riêng có tính tiêu biểu cho truyền thống tốt đẹp, độc đáo của văn hóa Việt Nam để mọi người gắn kết nhau hơn, mọi nhân viên thoải mái và yêu thích công việc, gắn bó và làm việc cho công ty lâu dài hơn.

Nhân viên làm việc ở công ty cổ phần đầu tư hợp tác kinh tế Việt Lào trước hết cần hiểu rõ công ty, công việc, được trao đổi và cung cấp thông tin. Sau đó môi trường làm việc tích cực, khích lệ sáng tạo phải tiếp tục được duy trì. Vì vậy, nội dung của giải pháp là:

- Trong chương trình đào tạo cho nhân viên mới cần đề cập nội dung định hướng để họ hiểu rõ về định hướng phát triển, chiến lược, truyền thống của công ty. - Xây dựng văn hóa ứng xử bằng các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao… sẽ làm cho nhân viên thân thiện nhau hơn, nhờ đó năng lực giao tiếp của nhân viên sẽ được nâng lên.

- Tổ chức các cuộc hội thảo, họp định kỳ sẽ giúp nhân viên có điều kiện đào tạo cho nhau, trao đổi kinh nghiệm với nhau.

- Xây dựng phòng truyền thống với bảng vàng ghi lại những thành tích cá nhân, tập thể các thành quả của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động nhằm làm cho tất cả cán bộ nhân viên đều cảm thấy tự hào với đóng góp của mình.

- Gắn đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên với xây dựng môi trường, hoàn thiện tác phong lao động chuyên nghiệp và phát triển văn hóa trong môi trường làm việc thân thiện, hài hòa. Đây là điều kiện quyết định tạo động cơ giúp nhân viên gắn bó với vị trí công tác và tự học tập để hoàn thiện năng lực bản thân.

Văn hóa công ty cổ phần đầu tư hợp tác kinh tế Việt Lào, bên cạnh việc duy trì và nâng cao văn hóa hành vi ứng xử trong nội bộ để mọi người quan tâm đến nhau, tôn trọng lẫn nhau thì việc xây dựng văn hóa hành vi ứng xử với bên ngoài cũng có tác dụng nâng cao hình ảnh của công ty trên thương trường. Ứng xử với bên ngoài công ty đòi hỏi nhân viên phải dựa trên lợi ích chung và thể hiện bản sắc của đơn vị, tránh các mâu thuẫn giữa lợi ích cá nhân và trách nhiệm trong công việc. Để làm được điều này, công ty phát huy tinh thần làm việc nhóm trong đó mọi người hợp tác, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trên một môi trường giao tiếp cởi mở, không chỉ trích, không phê phán hay áp đặt tính cá nhân vào công việc.

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực tại công ty cổ phần đầu tư hợp tác kinh tế VIệt lào (Trang 91)