6. Quan điểm và phương pháp nghiên cứu
2.1.1. Lịch sử hình thành tỉnh Hậu Giang
Là tỉnh nằm ở khu vực trung tâm của ĐBSCL, tỉnh Hậu Giang nói chung và thành phố Vị Thanh nói riêng có một quá trình hình thành phát triển lâu dài với sự thay đổi liên tục về phạm vi hành chính, diện mạo cũng như tên gọi.
Thời phong kiến – Pháp thuộc
Vào năm 1698, khi Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược, toàn bộ vùng đất mới phương Nam chính thức trở thành một đơn vị hành chính mang tên Gia Định phủ. Từ thế kỉ XVI, XVII và đến cuối thế kỉ XVIII cùng với các đoàn lưu dân kéo đến khai khẩn, Mạc Cửu đến lập nghiệp, đã quy tụ cư dân góp công sức phát triển miền đất mới.
Sau thời Mạc Cửu đến thời Mạc Thiên Tứ (Thế kỷ XVIII) và mãi đến những đợt khai thác sau này thì một phần lớn vùng đất thuộc tỉnh Hậu Giang hôm nay mới thực sự chuyển mình.
Vùng đất xưa của tỉnh Hậu Giang chủ yếu là quận Long Mỹ (tỉnh Rạch Giá) và quận Phụng Hiệp (tỉnh Cần Thơ), địa giới hành chính vẫn còn giữ cho đến suốt thời kỳ chống Pháp.
Sau Hiệp định Geneve 1954, Mỹ lập chế độ Ngô Đình Diệm, thì vùng đất Long Mỹ - Phụng Hiệp lại có nhiều thay đổi. Khoảng năm 1960, quận Long Mỹ được tách ra, thành lập một quận mới tên Đức Long, hai quận đều trực thuộc tỉnh Phong Dinh.
Ngày 21/12/1961, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh thành lập tỉnh Chương Thiện. Gồm 5 quận: Long Mỹ, Đức Long, Kiến Hưng, Kiến Thiện.
Bên cạnh đó hệ thống chính quyền cách mạng vẫn duy trì tên tỉnh Cần Thơ, địa giới có thay đổi một phần. Trong thời điểm này tỉnh Cần Thơ có thị xã Cần Thơ,
huyện Ô Môn, Thốt Nốt, Châu Thành A, Châu Thành B, Kế Sách, Phụng Hiệp, Long Mỹ. Năm 1966, hình thành thị xã Vị Thanh trực thuộc tỉnh. Năm 1969, tách thị xã Cần Thơ ra khỏi tỉnh Cần Thơ nhưng trực thuộc khu Tây Nam bộ.
Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hệ thống hành chính cũ bị hủy bỏ, vào năm 1976, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập tỉnh Hậu Giang bao gồm TP Cần Thơ, thị xã Sóc Trăng và 12 huyện.
Ngày 1/12/1991, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ra quyết nghị tách tỉnh Hậu Giang thành 2 tỉnh là tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh Cần Thơ gồm: Thành phố Cần Thơ và 6 huyện, với diện tích tự nhiên là 2964km2, dân số 1.696.347 người (năm 1991).
Thực hiện Nghị định số 05/2004/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ, tỉnh Cần Thơ được chia tách làm hai đơn vị hành chính: TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang.
Tỉnh Hậu Giang chính thức đi vào hoạt động từ tháng 01/2004 với 6 đơn vị hành chính là thị xã Vị Thanh và các huyện: Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Long Mỹ và Vị Thuỷ.
Tháng 9 năm 2010, thực hiện Nghị quyết số 34/NQ- của Chính phủ, thị xã Vị Thanh trở thành TP Vị Thanh trực thuộc tỉnh Hậu Giang.
2.1.2.Vị trí địa lý
- Điểm cực Bắc: vĩ độ 10019'17''B, thuộc ấp Trường Hưng, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A.
- Điểm cực Nam: vĩ độ 9030'35''B, thuộc ấp 6, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ.
- Điểm cực Đông: kinh độ 106017'57''Đ, thuộc ấp Phú Thạnh, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành.
- Điểm cực Tây: kinh độ 105014'03''Đ, thuộc ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh.
Hậu Giang là tỉnh ở trung tâm ĐBSCL, phía Bắc giáp Thành phố Cần Thơ, phía Nam giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang, phía Đông giáp tỉnh Sóc Trăng, phía Đông Bắc giáp sông Hậu và tỉnh Vĩnh Long.
Hậu Giang có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển kinh tế. Nằm trên đường trung chuyển, luân chuyển và giao lưu kinh tế của TP Hồ Chí Minh và tiểu vùng Tây Nam bộ, các tỉnh Tây Nam Bộ và Bắc bán đảo Cà Mau về các lĩnh vực: vận tải hàng hóa, tư liệu sản xuất, nguyên nhiên liệu… Do đó, tỉnh có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển nhanh chóng, sánh vai cùng các ĐT tỉnh lỵ khác ở vùng ĐBSCL và cả nước.
Là đầu mối quan trọng trong mối quan hệ liên vùng giữa TP Cần Thơ - Kiên Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu, là địa bàn giao lưu trung chuyển của khu vực nên dễ dàng giao lưu kinh tế với các tỉnh như: Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang…đặc biệt là TP Cần Thơ tạo động lực phát triển KT – XH cho tỉnh.
Hậu Giang nằm hoàn toàn trong khu vực nội chí tuyến của Bắc bán cầu, gần xích đạo nên có lượng nhiệt và ẩm lớn, ít bị ảnh hưởng của bão.
Hậu Giang nằm bên bờ hữu ngạn sông Hậu, thuộc khu vực bồi tụ phù sa của châu thổ sông Cửu Long, đất đai màu mỡ, lại có nguồn nước ngọt hầu như quanh năm, nên rất thuận lợi đối với sản xuất nông nghiệp.
Hình 2.1: Bản đồ hành chính tỉnh Hậu Giang
Tuy nhiên, do địa hình thấp và ảnh hưởng của gió mùa, khí hậu có sự phân mùa rõ rệt: mùa mưa thường bị ngập lụt gây thiệt hại cho mùa màng, mùa khô gây ra tình trạng thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất. Mạng lưới kênh rạch chằng chịt thuận lợi cho giao thông đường thủy và phát triển kinh tế, đặc biệt là nông, lâm, ngư nghiêp, nhưng khó khăn và tốn kém khi xây dựng mạng lưới giao thông đường bộ.
Do các trục giao thông thuỷ bộ chính như Quốc lộ 1A, sông Hậu, kênh Xà No chỉ nằm ở vùng rìa phía Bắc và phía Tây của tỉnh, đồng thời phần Quốc lộ 1A và sông Hậu đi qua địa bàn tỉnh rất ngắn nên sự phát triển KT – XH không đồng đều trên toàn lãnh thổ.