Lí thuyết lực hút lực đẩy

Một phần của tài liệu di dân ở tỉnh bình dương và những ảnh hưởng của nó đến sự phát triển kinh tế xã hội (Trang 26)

6. Cấu trúc của đề tài

1.3.1.Lí thuyết lực hút lực đẩy

Trên cơ sở quan sát các hiện tượng di dân, nhiều lí thuyết di dân đã được khái quát, trong đó phải kể đến lí thuyết "lực đẩy - lực hút" do Ravenstein (1889) là người đầu tiên đưa ra. Khi phân tích các dòng di dân ở nước Anh, ông cho rằng các yếu tố "lực hút" quan trọng hơn các yếu tố "lực đẩy". Theo ông: "Các luật lệ tồi hoặc ngột ngạt, thuế khóa nặng nề, khí hậu không thuận hòa, môi trường xã hội xung quanh không cởi mở, thậm chí có sự cưỡng bức (trong buôn bán, vận chuyển nô lệ),…tất cả những điều đó đã và đang tạo ra các hình thức di dân, tuy nhiên không có loại hình di dân nào có thể so sánh với khát vọng tiềm ẩn trong mỗi người đàn ông vươn lên làm tốt hơn cho cuộc sống của chính họ về phương diện vật chất". Rõ ràng Ravenstein cho rằng khát vọng vươn lên phía trước, tới điều kiện sống tốt hơn, mạnh mẽ hơn, mong muốn trốn tránh hoàn cảnh không thuận lợi. Và đó cũng chính là thực chất động cơ di dân của phần lớn dân cư. Cũng cần nhấn mạnh rằng, thường thì người di dân, đặc biệt là người nghèo khổ tham gia di dân đều chịu tác động đồng thời của cả “lực đẩy” và “lực hút” [35].

Ngoài ra, quá trình di dân còn được thúc đẩy bởi sự tiến bộ của công nghệ, sự phát triển kinh tế và giao thông vận tải. Các yếu tố thuộc về sức đẩy là: Thiếu đất đai canh tác, thiếu việc làm có thu nhập cao, không có cơ hội phát triển kinh tế, cuộc sống buồn tẻ, thiếu cơ hội giao lưu xã hội, chiến tranh và thiên tai, bệnh dịch.

Các yếu tố thuộc về sức hút: Kinh tế phát triển, giao thông thuận tiện, cơ hội việc làm có thu nhập cao, cơ hội học tập đào tạo nâng cao trình độ học vấn, cơ hội giao lưu…

Theo phân tích của Todaro về vai trò của các nhân tố kinh tế trong di dân nông thôn – thành thị, tác giả chỉ ra rằng giữa nông thôn và thành thị luôn có những chênh lệch về tiền lương. Chính sự khác biệt này đóng vai trò thúc đẩy sự di dân. Để có thể tham gia vào thị trường lao động ở thành thị, người lao động chấp nhận tất cả các công việc có thể làm được dù là nặng nhọc, ngắn hạn, không ổn định. Những người di dân tiềm năng sẽ tính toán và tiếp tục di dân khi mà tiền lương của họ mong đợi ở thành thị vượt quá thu nhập cơ bản của nông nghiệp.

Một số tác giả khác như Asfaha và Jooste (2006)và Nanavati (2004) cũng đồng tình với quan điểm của Todaro, đồng thời nhấn mạnh rằng hiện tượng dư thừa lao động hoặc thất nghiệp tạm thời ở khu vực nông thôn trong giai đoạn chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp hóa là phổ biến. Các tác giả này chứng minh rằng quá trình chuyển đổi này có liên hệ chặt chẽ với sự chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, nơi có năng suất trên mỗi đơn vị lao động cao hơn, có nghĩa là tiền lương nhận được cũng cao hơn. Xu hướng di dân từ nông thôn ra thành thị được xem là một quá trình tự nhiên, trong đó lực lượng lao động dôi dư ở nông thôn được dùng để bù vào sự thiếu hụt lao động trong khu vực công nghiệp, đô thị trong quá trình phát triển công nghiệp [17].

Một phần của tài liệu di dân ở tỉnh bình dương và những ảnh hưởng của nó đến sự phát triển kinh tế xã hội (Trang 26)