7. Kết cấu luận văn
2.3.2. Khát vọng hạnh phúc ái ân
Tình yêu thực sự là sự hài hòa cả tâm hồn và thể xác. Sự gần gũi nhau về thể xác có thể nói là không thể thiếu trong mối quan hệ vợ chồng. Chế độ phong kiến xem quan hệ giới tính ấy là điều đáng xấu hổ, phải che đậy. Những truyện thơ Nôm viết về tình yêu đã cất tiếng nói đích thực cho quyền sống đúng như bản năng của con người. Tình yêu theo đó không chỉ là những rung động của tình cảm mà là cả những cảm xúc thật của thể xác, là những khao khát ái ân chân chính của con người đặc biệt là người phụ nữ. Ta thấy trong tác phẩm xuất hiện hình ảnh người phụ nữ cất tiếng đòi quyền lợi giới tính, sự quan tâm về mặt thể xác như người cần được hít thở khí trời. Họ trò chuyện trao đổi về chuyện phòng the, ngỏ lời ái ân, tưởng nhớ cảnh ân ái, giở
lần kỷ vật ấp ủ nó như ấp ủ hơi ấm người chồng…Đó là biểu hiện khát vọng hạnh phúc trần tục và rất người của mỗi con người.
Từ thế kỉ XVI, trong tập thiên cổ kỳ bút Truyền kỳ mạn lục, Nguyễn Dữ đã không ít lần tỏ ra táo bạo và phóng túng khi thể hiện quan hệ yêu đương không lành mạnh giữa Trình Trung Ngộ và Nhị Khanh (Truyện cây gạo), giữa Hà Nhân và hai nàng Đào, Liễu (Truyện kỳ ngộ ở Trại Tây), giữa sư Vô Kỷ và Đào Hàn Than (Truyện nghiệp oan của Đào thị)… Tác giả tả cảnh nam nữ giao tình, nhân vật nói chuyện yêu đương cũng rất thẳng thắn, không rào trước đón sau. Đây là một đoạn trong Truyện kỳ ngộ ở Trại Tây: “Sinh rủ rê hai ả đến chơi chỗ trọ của mình, chuyện trò đằm thắm. Chàng lả lơi cợt ghẹo, hai ả thẹn thò nói rằng: “Chúng em việc xuân chưa trải, nhụy thắm còn phong, chỉ e mưa gió nặng nề, hoặc không kham nổi cho những tấm thân hoa mềm yếu”. Sinh khuyên lơn dịu ngọt rồi cùng tắt đèn đi nằm, lửa đượm hương nồng, ân ái mười phần thỏa nguyện”. Nguyễn Dữ không ngại ngần để nhân vật, đặc biệt lại là nhân vật nữ, nói lên quan niệm được sống cho thỏa nguyện: “Nghĩ đời người ta, thật chẳng khác gì giấc chiêm bao. Chi bằng trời để sống ngày nào, nên tìm lấy những thú vui. Kẻo một sớm chết đi, sẽ thành người của suối vàng, dù có muốn tìm cuộc hoan lạc ái ân, cũng không thể được nữa” (Truyện cây gạo).
Trong những sáng tác truyện thơ Nôm viết về tình yêu đôi lứa, những hạnh phúc trần tục của lứa đôi yêu nhau được đề cập thật đẹp, tự nhiên và ý nhị. Viên Thị trong
Lâm Tuyền kỳ ngộ vốn là nàng tiên giáng thế hóa thành vượn trắng, quy y tại cửa chùa. Một ngày nọ, nàng xin xuống núi. Lòng Viên Thị luôn khao khát yêu đương và hạnh phúc lứa đôi, nàng luôn mong ngóng một người chồng:
Cửa động những mong người mối lái Bên người luống đợi khách tìm hương
Kìa ai xe chỉ trong cung nguyệt Chỉ để hồng nhan phận lỡ làng (Lâm Tuyền kỳ ngộ, Khuyết danh)
Nàng Thi Nhi trong Hồng hoan lương sử cũng bày tỏ khao khát gần gũi người yêu là Phiếu Sinh:
Khát khao bể ái nguồn ân, Ngẩn ngơ dạ thiếp dư trăm thế tình.
Rắp, mong trọn chữ gia đình, Bể Đông tát cạn bất bình cũng hay. (Hồng hoan lương sử, Khuyết danh)
Truyện Phạm Tải - Ngọc Hoa tái hiện lại những giây phút hai vợ chồng chung sống hạnh phúc:
Vào lạy nguyệt lão tơ hồng Ái ân vợ chồng giao kết nhân duyên
Từ ngày chăn ấm chiếu êm Sự đẹp ong bướm ai cầm lòng xuân (Phạm Tải - Ngọc Hoa, Khuyết danh)
Hay trong Bạch Viên tân truyện, nàng Bạch Viên và chàng Tôn Sinh say sưa trong nguồn ân bể ái:
Tiệc thôi vào chốn màn đào chơi riêng Động phòng hoa chúc ngã nghiêng Tả sao cho hết lửa hương mặn nồng
Người yểu điệu kẻ nho phong Tình cờ đâu biết vợ chồng trời xui
Trúc mai loan phượng ánh đôi Mây mưa đầm ấm mọc chồi quế Yên (Bạch Viên tân truyện, Khuyết danh)
Niềm hạnh phúc ân ái ấy cũng hơn một lần được ghi lại trong Phù dung tân truyện: Từ ngày an phận vu quy
Đem câu "giai lão" tạc ghi giải đồng Sân siu cá nước mây rồng , Đã đêm chăn gối, lại nồng lửa hương.
(Phù dung tân truyện, Trúc Lâm Cư Sĩ )
Hay trong Nữ tú tài:
Chàng liền cởi áo cầm bào,
Thuyền quên sánh với anh hào giao hoan Trướng loan nghiêng ngửa gối loan Thắm duyên Thần nữ, phỉ nguyền Tương quân
Vui vầy bể ái nguồn ân,
Mưa trên đỉnh Sở mây vần ngàn Tương (Nữ tú tài, Khuyết danh)
Một trong những tác phẩm dám cất tiếng nói mạnh mẽ nhất cho khao khát gần gũi, âu yếm là Song tinh bất dạ. Song Tinh ôm mối tương tư mà sinh trọng bệnh, biếng nhác học hành, hồn xiêu phách tán. Nhưng không chỉ chàng mà ngay cả những người con gái trong tác phẩm cũng cất tiếng nói rất mạnh mẽ về khát khao ái ân hạnh phúc. Một người con gái, thoát thai từ bối cảnh không gian văn hóa đầu thế kỉ XVIII lại dám đưa ra phương thuốc “đem người mà chữa cho người mới yên”, thì có lẽ chẳng mấy ai táo bạo hơn nàng Thể Vân của Song Tinh bất dạ. Và vào thời buổi mà quan niệm “nam đáo nữ phòng nam tắc loạn, nữ đáo nam phòng nữ tắc dâm” đã thấm nhuần, một nàng tiểu thư khuê các thông hiểu tam cương ngũ thường, am tường công, dung, ngôn, hạnh lại vì sự tương tư nên sinh trọng bệnh của người trong mộng mà tự ý hẹn hò, thề thốt chuyện trăm năm với tâm niệm “trong cơn nguy hiểm chi nề tiết danh”’thì nàng quả là đã gây ra một cú sốc không nhỏ.
Tình yêu trong truyện thơ Nôm không phải chỉ bằng tình cảm, tinh thần đơn thuần, mà còn là thứ tình yêu bằng da, bằng thịt, bằng xúc cảm nhục dục. Không phải chung chung mà là hạnh phúc cụ thể, bao gồm cả sự thỏa mãn xác thịt. Các tác giả đã say sưa miêu tả cuộc ân ái của những cặp vợ chồng hạnh phúc.
Tác giả còn để cho nhân vật hỏi nhau, trò chuyện với nhau về những điều khép lại sau cánh màn. Cũng có lúc, nhân vật là một cặp vợ chồng mà người vợ thấm thía nỗi tủi niềm thương trong đêm động phòng lạnh lẽo. Và cũng chính người vợ ấy, lại
chủ động lân la gợi, nhắc nhở chồng mình, thậm chí dường như van nài ân ái trong nghẹn ngào:
Vân rằng: “Hoa chúc tới kì Mưa xuân ướt rưới gặp thì khoe tươi
Hay đâu ong bướm bặt hơi Ngàn vàng một khắc để qua sao đành
Phu thê dầu chẳng xứng tình
Cũng xin đoái thiếp trăng hoa thẹn thùng” (Song Tinh bất dạ, Nguyễn Hữu Hào)
Thế mà chồng chẳng đoái hoài, cô gái chỉ còn biết cay đắng:
Vân rằng: “To chỉ nhỏ mồi
Cá khôn linh tính lội xuôi chẳng trừng” (Song Tinh bất dạ, Nguyễn Hữu Hào)
Khao khát ái ân trong tình yêu là điều rất nhân bản, bởi lẽ yêu nhau vì rungđộng của trái tim là phần hồn thì say đắm nhau bởi cảm giác ái ân chính là phần xác. Vạn vật trong vũ trụ cũng luôn giao hòa tình tự với nhau huống chi là con người vốn là loài đa sầu đa cảm. Ca dao ta cũng từng nói:
Ao thu nước gợn trong veo
Gió thu khêu dục, gợi người tình chung Buồn tênh cái tiếng thu chung Đêm thu ta biết vui cùng với ai
Thờ ơ trúc muốn ghẹo mai Vô tình nên phải miệt mài đêm thu
(Ca dao)
Táo bạo hơn, văn học dân gian còn cất lên tiếng nói của cô gái xuân thì:
Bao giờ lão móm chầu trời Thì tôi lại kiếm một chàng trai tơ
Hay như câu ca dao tỏ tình đầy nồng nhiệt của chàng trai khao khát được gần gũi người yêu. Với chàng, được kề cận người yêu là điều hạnh phúc nhất:
Đêm nằm gối gấm không êm Gối lụa không mềm bằng gối tay em
(Ca dao)
Niềm ao ước của những người yêu nhau còn là ao ước gần nhau về thể xác:
-Ước gì anh hóa ra hoa Để em nâng lấy rồi mà cài khăn
-Ước gì anh hóa ra chăn Để cho em đắp , em lăn cùng giường
(Ca dao)
Quan hệ giới tính được thể hiện đậm nét và tươi mát khi nói đến quan hệ thể xác của vợ chồng Song Tinh trong đêm tân hôn:
Xuân sang hoa cỏ gặp thì
Nhị đào mởn tuyết cánh quỳ đượm sương Mây vần dập dập đài dương
Chưa thôi nắn nguyệt lại sang chày kình Đảo chày đả trướng lại bình
Má đào quen phấn mày xanh bóng cài (Song Tinh bất dạ, Nguyễn Hữu Hào)
Sự khao khát hạnh phúc ái ân trong tình yêu thổn thức, vang vọng trong thơ văn. Ta còn nghe văng cẳng tiếng thét căm phẫn của Hồ Xuân Hương trước kiếp lấy chồng chung :
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
(Làm lẽ, Hồ Xuân Hương)
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc Một suốt đâm ngang thích thích nhau
(Dệt cửi, Hồ Xuân Hương)
Hay những vần thơ tái hiện niềm vui say mê đắm đuối trong đêm tân hôn của nàng cung nữ trong Cung oán ngâmcủa Nguyễn Gia Thiều :
Cái đêm hôm ấy đêm gì
Bóng dương lồng bóng đồ mi chập trùng (Cung oán ngâm, Nguyễn Gia Thiều)
Hay phút ngây ngất của sự thăng hoa :
Càng đàn càng địch càng mê Càng gay gắt điệu, càng tê tái lòng (Cung oán ngâm, Nguyễn Gia Thiều)
Trở lại với Song Tinh bất dạ, cũng có lúc, nhân vật lại là hai cô gái, táo bạo hết sức, tinh nghịch hết sức khi hỏi về chuyện phòng kín lứa đôi song không hề gợi lên ở người đọc một chút cảm giác nào về sự vô duyên. Bởi lời họ hỏi nhau trong buổi đầu gặp lại thật ý nhị:
Nàng rằng: Ngày đẹp hoa phòng Đào thơ gặp trận gió dông thế nào?
Vân rằng: “Khát đứng bờ ao Đói ăn bánh vẽ, chiêm bao thấy vàng.”
(Song Tinh bất dạ, Nguyễn Hữu Hào)
Cách trả lời của cô gái thật tự nhiên nhưng chứa đựng biết bao chua xót. Thể Vân rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười của một cô gái làm vợ hờ trên danh nghĩa, ở bên chồng nhưng không hề được chồng gần gũi, phải chịu cảnh buồng không, chiếu trống:
Thức xuân kia khéo não người Khuấy duyên nỡ khiến đêm dài ý chi? (Song Tinh bất dạ, Nguyễn Hữu Hào)
Nhìn chung, trong các truyện thơ Nôm về tình yêu đôi lứa, hạnh phúc ái ân đều được đề cập đến với các mức độ khác nhau. Ở đó, ta thấy được tiếng nói bênh vực cho quyền sống đúng với bản năng con người, cho khao khát hạnh phúc lứa đôi, cho sự hòa hợp không chỉ tâm hồn mà còn cả thể xác. Quan niệm về con người cá nhân, sự luyến ái từ trái tim đến cả hình thể đã làm đảo lộn các quy củ của phong kiến: đánh mạnh vào cái ý thức hệ gia giáo khô khan, bóp nghẹt con người trong giáo điều, làm cuộc đột phá về vấn đề giải phóng con người.
Qua các truyện thơ Nôm viết về tình yêu, ta có thể thấy tình yêu đôi lứa thật đẹp, tự nhiên vàkhỏe khoắn. Sau mỗi câu chuyện, người đọc rút ra cho mình thật nhiều bài học ý nghĩa về tình yêu, đặc biệt là đối với các bạn trẻ đang tuổi cặp kê. Trong bối cảnh xã hội ngày nay, vấn đề tự do yêu đương được xã hội đồng tình ủng hộ ở hầu hết các quốc gia, các dân tộc, các bạn trẻ có cơ hội để tự tìm cho mình người bạn trăm năm. Tuy nhiên, ta cũng nhận thấy rằng, rất nhiều những bạn trẻ ngày nay rơi vào những cuộc tình chóng vánh, thậm chí có những mối tình để lại những hậu quả, những mất mát quá lớn mà không đáng có. Chính vì thế, bài học về tình yêu tự do nhưng không đi quá giới hạn cho phép, không dễ dãi để đánh mất chính mình, bài học về tình yêu không phù phiếm, không bị những toan tính tiền bạc chi phối, về tình yêu đẹp, cùng đồng sức đồng lòng vượt qua mọi nguy biến để giữ vững hạnh phúc của chính mình luôn cần thiết và chứa đầy giá trị.
Tình yêu là một đề tài không mới nhưng luôn có sức hút mãnh liệt với cả người sáng tác lẫn người đọc. Cảm hứng về tình yêu vì thế luôn thấm đượm trong từng trang viết. Trong các truyện thơ Nôm viết về tình yêu, nhiệt tình ngợi ca tình yêu tự do, bênh vực tình yêu chân chính, đấu tranh chống lại các thế lực chà đạp lên tình yêu chính là những biểu hiện rất rõ của cảm hứng về tình yêu lứa đôi trong các truyện thơ Nôm.
CHƯƠNG 3: CẢM HỨNG VỀ TÌNH YÊU LỨA ĐÔI TRONG TRUYỆN THƠ NÔM NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT