Hi sinh vì tình yêu

Một phần của tài liệu cảm hứng về tình yêu lứa đôi trong truyện thơ nôm (Trang 56)

7. Kết cấu luận văn

2.2.2. Hi sinh vì tình yêu

Đứng trước những biến cố xảy ra, để bảo vệ hạnh phúc của mình và gìn giữ tình yêu chung thủy, các cô gái chàng trai phải trải qua rất nhiều sự hi sinh. Có thể nói rằng, những hy sinh trong tình yêu là nét đẹp đáng trân trọng ở họ, bởi lẽ chỉ trong tình yêu thực sự và chân chính, con người mới dám vì tình yêu và vì người mình yêu để đối diện với gian khổ.

Trong xã hội khắc nghiệt chà đạp quyền được sống, chà đạp lên quyền được yêu và hạnh phúc con người, các thế lực đại diện giai cấp phong kiến thống trị không từ thủ đoạn nào để ép bức con người, giết chết tình yêu. Những nỗi đau mà đôi lứa yêu nhau phải trải qua thật không sao kể xiết. Trước những thử thách trong tình yêu xuất phát từ sai lầm cá nhân, nhân vật thường tìm cách khuyên nhủ người mình thương để gìn giữ hạnh phúc gia đình, nhưng trước những cản trở từ thế lực phong kiến, nhân vật phải gánh chịu cả nỗi đau thể xác lẫn tâm hồn: những đòn roi đánh đập không thương xót, những đọa đày biệt ly, những cực hình tàn nhẫn….và cả cái chết.

Nàng Cúc Hoa trong Tống Trân - Cúc Hoa chẳng quản khó nhọc nuôi chồng ăn học. Chồng nàng vì không màng danh vị, từ chối kết duyên với công chúa để một lòng thủy chung với vợ lại bị công chúa đem lòng hãm hại, bắt lưu đày. Nàng ở nhà vừa thương chồng xa cách, vừa yêu thương, chăm sóc mẹ chồng già, vừa bị cha bức ép tái hôn. Quyết một lòng thủ tiết đợi chồng, nàng bị cha đánh đập tàn nhẫn :

Đóng ba lần cửa kín thay, Hãm con trong ấy áo rầy cởi ra.

Roi song liền để trong nhà, Cơm ăn chẳng được ngày ba trận đòn.

(Tống Trân - Cúc Hoa, Khuyết danh) Mặc dù vậy, Cúc Hoa chịu đựng tất cả:

Lấy chồng cơm tấm vải dày,

Sống thời chăn gối, thác rày thủy chung. (Tống Trân - Cúc Hoa, Khuyết danh)

Công chúa trong truyện Lý Công vì thương chàng Lý nghèo khó, nàng bị vua cha bắt thả bè trôi sông sang đất khách quê người. Sang đến đất Hung Nô, vua Hung

Nô bắt ép công chúa phải lấy hắn. Nàng tìm mọi cách để từ chối. Cưỡng bức công chúa không được, vua Hung Nô đọa đày:

Đóng vào cũi sắt cho ta,

Đem bỏ công chúa giang hà mênh mông (Lý Công, Khuyết danh)

Được vua Thủy Tề cứu, nàng thoát nạn, nhưng vua Hung Nô tàn ác không buông tha nàng, hắn ra lệnh dùng cực hình đày đọa:

Tóc dài cắt vắn ủ ê má hồng Mũi tai cắt hết não nùng,

Chân tay cắt cả không mong giữ giàng Mày đà trọn đạo tào khang,

Sai chúng đem nàng bỏ chợ Thanh Dương (Lý Công, Khuyết danh)

Chồng nàng là Lý Công vì một dạ thủy chung với công chúa, không chịu nghe lời dụ dỗ của vua đổi nàng lấy chức trọng quyền cao, vì vậy cũng bị nanh vuốt của bè lũ vua quan Hung Nô hãm hại hết lần này đến lần khác hòng giết chồng ép duyên vợ:

Vua quan đưa thuốc độc nay. Lý Công uống lấy phát rầy hào quang

Hung Nô xem thấy chẳng đang. Cầm gươm bước xuống hại chàng Lý Công

(Lý Công, Khuyết danh)

Chàng Phạm Công trong Phạm Công - Cúc Hoa cũng là tấm gương sáng cho tình yêu chung thủy và đức hy sinh của người con trai dành cho người mình yêu. Phạm Công đỗ trạng nguyên, vua ép gả công chúa, chàng không chịu:

Thoắt thôi vua phán bãi chầu Phạm Công từ giã công hầu dời chân

Đi kèm có mấy tên quân Giải người tù tội bước lần nẻo xa (Phạm Công - Cúc Hoa, Khuyết danh)

Bị đày tới đất Hung Nô, chàng lại thi và đỗ cao.Một lần nữa, chàng bị ép gả công chúa. Phạm Công chung thủy với vợ, cương quyết chối từ, chàng chịu bao cực hình tàn ác:

Quân vâng hiệu lệnh chặt tay Khoét hai con mắt rứt mày xẻo tai

Đục cả hai hàm răng nhai

Phạm Công đau đớn rên hoài khôn nguôi (Phạm Công - Cúc Hoa, Khuyết danh)

Sau bao gian khổ, gia đình sum họp chưa được bao lâu thì Cúc Hoa mất, chàng đau đớn vô cùng. Cảm động nhất chính là lúc chàng một thân mình mang theo xác vợ và hai con xông pha chiến trường giết giặc rồi từ quan xuống âm ty tìm vợ. Có thể nói, thật hiếm thấy hình ảnh người chồng nào trong văn học của ta từ xưa tới nay lại nặng tình với vợ như chàng.

Không chỉ phải vượt qua những nỗi đau tâm hồn khi phải xa rời người yêu hay gánh chịu những đau đớn thể xác của cực hình, đôi lứa yêu nhau còn sẵn sàng hi sinh cả tính mạng để giữ gìn tình yêu chung thủy của mình.

Về phía nhà họ Lưu trong Truyện Hoa Tiên, khi nàng Ngọc Khanh (người vợ được cha mẹ đính ước của Lương Sinh) nghe tin Lương Sinh bị chết trận, cùng thành phục lễ tang. Lưu phu nhân thấy con gái mình còn trẻ mà phải góa chồng mới toan bài cải giá, quyết gả cho một nhà họ Lam giàu có.Ngọc Khanh bèn bỏ nhà ra đi, gieo mình xuống sông thủ tiết.May thay có quan Đề học họ Long vào kinh đi thuyền qua đó mà vớt được.

Cuộc tình giữa Phạm Kim và Trương Quỳnh Nương trong Sơ kính tân trang

cũng đang mặn nồng thắm thiết. Oái ăm thay, một vị đô đốc quyền thế đến nhà họ Trương xin hỏi cưới Quỳnh Nương. Quỳnh Nương biết khó tránh khỏi sự bức hôn nên nhắn tin cho Phạm Kim tới để được gặp mặt, từ biệt người yêu rồi uống thuốc độc tự tử. Nàng chấp nhận từ bỏ mạng sống của mình để gìn giữ tình yêu của mình dành cho Phạm Kim được nguyện vẹn. Phạm Kim, sau cái chết của Quỳnh Nương, buồn bã vô cùng mới đem thân nương cửa Phật để cố làm dịu vết thương lòng.

Vân Trung Nguyệt kính tân truyện cũng sáng ngời đức hi sinh vì tình yêu. Trung Nhạn và Thủy Nguyệt yêu thương và cùng nhau thề nguyền lại thêmmối nhân duyên đã được mẹ cha đồng ý, những tưởng khi chàng thi đỗ trạng nguyên hạnh phúc hai người sẽ vẹn toàn. Không ngờ, Trung Nhạn thi đỗ trạng nguyên. Nhưng chàng chưa kịp làm lễ cưới Thủy Nguyệt thì giặc Man ập tới. Chúa Man ép Thủy Nguyệt làm hoàng hậu. Nàng vờ nhận lời rồi tìm cách tự thắt cổ chết, giữ tiết với chồng :

Nghĩ mình cửa các phòng khuê Dám đâu lỗi đạo phu thê bấy thầy

Âu đành muôn kiếp từ đây Lấy tay rút chặt một dây hiến tình

(Vân Trung Nguyệt kính tân truyện, Khuyết danh)

Dù chết, nàng vẫn nghĩ cho người nàng yêu, vẫn mong chàngcông danh vinh hiển. Tấm lòng nàng thật đáng trọng. Hi sinh cho người mình yêu không hề toan tính, dù cho phải chịu biết bao đau khổ nhưng chỉ cần người mình yêu hạnh phúc thì cam lòng, mỉm cười :

Xin chàng quan đái thong dong Lại xin được kẻ trợ trong thảo hiền

Công danh hai chữ vẹn tuyền Thiếp đành chín suối cũng yên tấm lòng (Vân Trung Nguyệt kính tân truyện, Khuyết danh)

Thủy Nguyệt là vậy. Người phụ nữ Việt Nam là vậy. Nàng là hiện thân của đức hi sinh trong tình yêu đôi lứa.

Câu chuyện tình Phạm Tải - Ngọc Hoa cũng xiết bao cảm động. Ngọc Hoa vì thương chồng cố tình làm xấu mình đi để né tránh tai mắt lũ vua quan Trang Vương háo sắc:

Tóc mai ủ rối mực bôi má đào Trút hài chân để gói vào Áo thì xộc xệch giọt cao giọt dài

Rời chân mới bước ra ngoài một khi (Phạm Tải - Ngọc Hoa, Khuyết danh)

Nàng tình nguyện đi bộ cùng chồng, lặn lội từ nhà vào chốn kinh kì, lời nàng bày tỏ mới sâu tình đậm nghĩa xiết bao:

Chồng tôi đi bộ bên ngoài Tôi mà lên kiệu nỡ hoài tao khang (Phạm Tải - Ngọc Hoa, Khuyết danh)

Phạm Tải - chồng nàng - cũng không màng danh lợi, chàng từ chối mọi quyền cao chức trọng mà Trang Vương đem tới để dụ dỗ chàng từ bỏ Ngọc Hoa:

Dầu tôi mộ đạo Khổng Nho Thời vua lại có tên cho bảng rồng

Như ai mà chửa nên công Vua phong chức cả như không có gì (Phạm Tải - Ngọc Hoa, Khuyết danh) Ngọc Hoa quyết không lấy Trang Vương, nàng toan tự vẫn:

Lấy uy mà ức hiếp lòng Thời tôi tự vẫn cam lòng cho phu (Phạm Tải - Ngọc Hoa, Khuyết danh)

Vua Trang Vương vì không bức được nàng bèn lập kế giết chồng nàng. Đau đớn vô cùng trước cái chết của chồng, nàng xin được thủ tiết ba năm để tang cho vẹn tình phu thê. Trong những tháng ngày ấy, nàng, ngày thì chăm lo hương khói cho Phạm Tải, đêm lại mở nắp quan tài ôm xác chồng như thuở còn sống bên nhau. Tình cảnh ấy thật thương và kính thay. Hết tang, Ngọc Hoa tự sát để theo chồng:

Khăng khăng nàng quyết một lòng Cầm dao lá trúc xuyên thông ngang hầu

(Phạm Tải - Ngọc Hoa, Khuyết danh)

Đức hi sinh trong tình yêu, trong đạo vợ tình chồng là một nét đẹp trong truyền thống đạo lý sống nghĩa tình của người Việt Nam. Trong tình yêu đôi lứa, ta cũng thấy ông cha mình son sắt, bất chấp nghèo khó:

Chồng em áo rách em thương

Chồng người áo gấm xông hương mặc người (Ca dao)

Bất chấp lời lẽ thiên hạ, làm theo tiếng nói con tim:

Tay em nắm lấy tay anh, Dù ai nói quẩn nói quanh mặc lòng.

Tay ấy đáng vợ, đáng chồng, Duyên trời đã định tơ hồng đã xe.

(Ca dao)

Bất chấp lời cấm cản mẹ cha:

Ví dầu cha đánh, mẹ treo Đứt dây té xuống, em theo đến cùng.

Dẫu mà đan rọ thả sông

Trôi lên trôi xuống, em không bỏ chàng. (Ca dao)

Về đức hi sinh trong tình yêu, ta được chứng kiến biết bao tấm gương trung trinh tiết liệt của những người phụ nữ. Chính họ, bằng tiếng nói và bằng cả hành động của mình, họ đã chống lại các thế lực cản trở tình yêu. Hình ảnh của các nàng được các tác giả tái hiện rất mạnh mẽ, táo bạo và cũng thật đẹp. Nó là minh chứng hùng hồn cho thái độ ca ngợi sự chủ động trong tình yêu, cho cảm hứng tranh đấu vì tình yêu trong các truyện thơ Nôm. Đức hi sinh của các nàng, từ việc bất chấp những đày đọa thể xác đến việc sẵn sàng đối diện với cái chết, lấy cái chết để giữ được chung thủy với người yêu, ta có thể thấy được phẩm chất đáng trân trọng của người phụ nữ. Không những thế, ngay trong các tác phẩm, ta còn thấy các nhân vật nam cũng đã đấu tranh không ngừng để bảo vệ tình yêu của họ. Họ cũng đã bất chấp những cực hình đau đớn, bất chấp cả cái chết, sẵn sàng từ chối lệnh vua quan để bảo vệ tình yêu với người họ yêu thương. Việc làm của họ đã góp phần đả phá quan niệm đàn ông chỉ lo học hành, lập công danh, trả nghĩa vua, việc tình ái không được phép xem trọng. Đồng thời, qua những nỗi đau mà các nhân vật chịu đựng, ta cũng thấy hiện lên thật

rõ bộ mặt tàn ác của các thế lực phong kiến. Chúng đã không từ bất cứ thủ đoạn nào để chia rẽ hạnh phúc người khác và đạt lấy mục đích, thậm chí là đẩy con người ta vào chỗ chết. Phải nói rằng, qua các trang viết về tình yêu lứa đôi, tiếng nói phản phong kiến được bật lên rất rõ.

Những truyện thơ Nôm viết về tình yêu đôi lứa đã ca ngợi đức hi sinh của con người trong tình yêu cũng như trong cuộc sống gia đình. Tất cả điều đó đều hướng về làm rõ cảm hứng ngợi ca tình yêu, đấu tranh vì tình yêu.

Một phần của tài liệu cảm hứng về tình yêu lứa đôi trong truyện thơ nôm (Trang 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)