Yêu nhau theo tiếng nói trái tim

Một phần của tài liệu cảm hứng về tình yêu lứa đôi trong truyện thơ nôm (Trang 44)

7. Kết cấu luận văn

2.1.3. Yêu nhau theo tiếng nói trái tim

Chế độ phong kiến ước định hôn nhân của đôi lứa phải môn đăng hộ đối. Đôi lứa yêu nhau trong những câu chuyện tình yêu của chúng ta lại yêu nhau bất chấp hoàn cảnh giàu nghèo hay sang hèn. Họ yêu nhau theo tiếng nói của trái tim, từ tình cảm, rung động thực sự, không màng mảy may tới vật chất, đẳng cấp. Đó là một tình yêu chân thành mà không một sự cách biệt nào có thể ngăn trở.

Yêu nhau theo tiếng nói trái tim còn thể hiện ở sự đồng điệu của hai tâm hồn. Họ hiểu nhau, trân trọng nhau. Dường như đôi lứa sinh ra để cho nhau vì thế chỉ họ chứ không phải là ai khác có thể hiểu được những suy nghĩ, hiểu được tấm lòng, hiểu được cái tài của nhau.

Nàng Cúc Hoa trong Phạm Công - Cúc Hoa yêu thương Phạm Công bằng tình yêu không phân biệt giàu nghèo. Phạm Công vốn là con của một gia đình tiều phu ở Phủ Quỳnh Vân. Năm mười ba tuổi,cha chết,chàng phải lo chôn cất cha và dắt mẹ đi ăn xin. Gặp một ông già xin ăn, chàng không ngần ngại nhường lại nắm cơm mà mình xin được. Hai mẹ con dắt nhau đến trường thầy Quỷ Cốc xin học. Bạn học thấy chàng nghèo tỏ ra khinh bỉ, nhưng Cúc Hoa, người bạn cùng học thấy chàng hiếu thảo, tốt bụng và đem lòng lưu luyến. Cúc Hoa thương và yêu mến chàng bởi lẽ:

Lâu dần lại thấy vấn vương trong lòng (Phạm Công - Cúc Hoa, Khuyết danh)

Với nàng Cúc Hoa, tình yêu không đo đếm bằng sang hèn hay địa vị xã hội mà bởi tấm lòng con người với nhau, trân trọng nhau ở phẩm giá, ở vẻ đẹp tâm hồn. Nàng yêu bởi nàng cảm nhận được Phạm Công là con người nhân nghĩa vẹn toàn. Tình yêu của nàng xuất phát từ trái tim.

Tình yêu của Lương Sinh và Dao Tiên trong Truyện Hoa tiên cũng thật chân thành. Tuy không có sự khác biệt nhiều về địa vị xã hội, nhưng tình yêu giữa họ lại là minh chứng cho sự đồng điệu của hai tâm hồn về cái tình và cái tài của nhau. Có thể nói Lương Sinh đã yêu mến Dao Tiên vì vẻ đẹp nàng ngay từ cái nhìn đầu tiên nhưng tình yêu của họ lại được vun đắp sâu đậm hơn khi họ cảm mến cái tài của nhau. Ấy là khi Lương Sinh đọc bài thơ “trì liễu” của Dao Tiên dán bên đình và cảm phục sự thông minh của nàng. Ấy cũng là khi Dao Tiên biết chuyện chàng họa lại bài thơ của mình đầy tài hoa và được cha mình là Dương công xem xong, khen hay, truyền đem dán bên bài thơ của Dao Tiên. Từ đó, nàng sinh lòng cảm mến.

Tình yêu của nàng Cúc Hoa dành cho Tống Trân trong Tống Trân Cúc Hoa

cũng vấp phải những trở ngại do cách biệt giàu nghèo. Lên ba tuổi, cha Tống Trân đã mất, hai mẹ con Tống Trân phải dắt nhau đi ăn mày. Một hôm, mẹ con vào xin ăn nhà trưởng giả. Con gái trưởng giả là Cúc Hoa thương hại, lấy một đấu gạo đem cho. Không ngờ, trưởng giả về bắt gặp, nổi giận, bắt Cúc Hoa lấy Tống Trân làm chồng và đuổi ra khỏi nhà. Cuộc sống của cô hoàn toàn thay đổi, nàng từ địa vị một tiểu thư khuê các phải cố sức nuôi nấng mẹ chồng, giúp chồng ăn học. Mặc dù cuộc sống nghèo khó nhưng nàng chẳng quản. Nàng thương chồng và mẹ chồng, chỉ mong được sống hạnh phúc trọn đời với Tống Trân:

Ngày nay mới lấy nhau về, Đói no thiếp cũng yên bề cho xong. (Tống Trân - Cúc Hoa, Khuyết danh)

Thạch Sanh tân truyện là bản tình ca đẹp tuyệt vời, ca ngợi tình yêu lứa đôi trong sáng, thủy chung. Một chàng tiều phu cùng khổ,“mình trần khố có một manh”

lại sánh đôi với nàng công chúa ngọc ngà. Nàng chủ động việc hôn nhân và giữ vững mối tình son sắt qua mọi thử thách. Đó là một tình yêu lý tưởng, thật cao đẹp và cũng thật lãng mạn trong khuôn khổ của lễ giáo phong kiến. Với công chúa, tình yêu ấy xuất phát từ trái tim chân thành, không chê người nghèo khó mà trọng người có nghĩa cử cao đẹp, biết cứu giúp người khác và thật thà, dũng cảm, trọng tình nghĩa anh em. Nàng yêu Thạch Sanh cũng bởi tài năng của chàng. Với Thạch Sanh, chàng yêu công chúa không phải vì ham mê chức vị phò mã, bởi chính chàng đã thẳng thắn từ chối lời ngỏ ý kết duyên của công chúa khi còn dưới hang sâu. Chàng đến với nàng bởi lẽ cảm động tấm lòng thủy chung son sắt của nàng khi trong những ngày cách xa, nàng đã vì Thạch Sanh mà hóa câm.

Chàng Tô và nàng Hồng Ngọc trong Truyện Ngọc Kiều Lê yêu thương nhau bởi họ cảm mến nhau về cả tài lẫn sắc. Chàng yêu mến nàng bởi dung nhan xinh đẹp và còn bởi nàng có thể hiểu được cái tình của chàng trong từng vần thơ. Nàng cũng yêu mến chàng bởi nét thanh lịch và tài hoa. Hai bên trước là mến sắc, sau là trọng tài, để rồi yêu thương, gắn kết, ngầm hẹn ước với nhau:

Thuyền quyên đã gặp anh hùng, Lòng nào mà nỡ dứt lòng cho đang.

…Đá vàng đá tạc một lời,

Cầm bằng đá nát vàng phai cũng liều. (Truyện Ngọc Kiều Lê, Lý Văn Phức)

Nàng Kiều trong Truyện Kiều là một người chơi đàn như một nghệ sĩ tài hoa. Nhưng để hiểu được tiếng đàn của nàng thì thử hỏi có mấy người như chàng Kim Trọng. Chỉ một Tử Kỳ hiểu được tiếng đàn của Bá Nha thì cũng chỉ một Kim Trọng hiểu được tiếng đàn của Thúy Kiều. Khi Kiều:

So dần dây vũ dây văn

Bốn dây to nhỏ gieo vần cung thương (Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Thì cũng chỉ có chàng Kim mới:

Khi vò chín khúc khi chau đôi mày (Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Chỉ có tấm lòng và tâm hồn chàng Kim mới hiểu được những tâm sự mà Thúy Kiều gửi gắm qua từng bản đàn, mới hiểu được những uẩn khúc trong lòng nàng. Lưu luyến nhau vì sắc, yêu mến nhau bởi tài, gắn kết nhau bởi tình yêu là vậy.

Nàng Thôi Oanh Oanh và chàng Trương Sinh trong Truyện Tây Sương cũng mang một mối tình sắt son như thế. Đôi trai tài gái sắc Trương Sinh và Thôi tiểu thư từ ngày gặp nhau ở đàn chay đã đem lòng thầm thương trộm nhớ. Oanh Oanh và Trương Sinh mến mộ nhau, dùng tiếng đàn để liên lạc trong những ngày tháng bị Thôi phu nhân tìm cách chia rẽ. Nghe vần thơ, nghe tiếng đàn Trương Sinh, Oanh Oanh hiểu được tình cảm chân thành của chàng:

Dám đâu cải tác trăng hoa, Song khi lĩnh ý ắt là tận tâm.

Vả nghe chàng sẵn túi cầm, Tiểu thư là kẻ tri âm khác thường . (Truyện Tây Sương, Lý Văn Phức)

Nếu như những giây phút ban đầu, nàng đã cố ép mình nghe theo lời mẹ, tránh né Trương Sinh, thì tới lúc này nàng đã quyết liều mình mà vượt qua mọi rào cản để tìm đến nơi hò hẹn cùng chàng.

Chuyện tình Thoại Khanh và Châu Tuấn lại là tình yêu nảy sinh từ trong những ngày tháng nghèo khó. Thoại Khanh, Châu Tuấn đều quê ở phủ Bình Hoa, nước Tống. Thoại Khanh vốn là con gái quan Thừa tướng, do cha mẹ mất sớm, cửa nhà sa sút, nàng phải đi làm thuê kiếm ăn. Châu Tuấn là chàng trai nghèo, học giỏi, mồ côi cha từ nhỏ, chàng ở với mẹ già. Họ cùng hiểu được nỗi vất vả cơ cực trong cuộc sống của nhau, lại thêm tình yêu thương nhau vì tính hạnh hiếu nghĩa. Thoại Khanh gặp Châu Tuấn, hai người yêu nhau rồi đi đến kết hôn. Họ đã vượt qua mọi cám dỗ của danh lợi để giữ trọn tình yêu: Châu Tuấn từ chối kết duyênvới công chúa, Thoại Khanh từ chối kết duyên với thái thú. Bởi lẽ với họ, tình yêu là tình cảm chân thành

của trái tim chứ không thể mua được bằng vật chất và cũng vì thế không có bất cứ danh lợi nào có thể đánh đổi được tình yêu ấy.

Trong Mã Phụng - Xuân Hương, bà Mã Ô thương ông Mã bởi thấy ông hiền lành, chân chất. Mã Phụng thương Xuân Hương cũng vì nàng hiếu thuận với cha già. Xuân Hương yêu chàng cũng vì tấm lòng chàng nhân hậu biết giúp đỡ người nghèo khó lại thêm tấm lòng chân tình chờ đợi nàng bao năm, sẵn sàng từ bỏ hôn ước với công chúa, từ chối danh lợi và địa vị để được đến với Xuân Hương.

Trong Hoàng Trừu, hoàng tử sau bao năm tìm kiếm người ý hợp tâm đầu đã đem lòng yêu mến công chúa nước Nam bởi nàng không chỉ xinh đẹp mà còn bởi tính nết nàng khoan hòa.

Tình yêu khởi đầu từ cái nhìn bên ngoài khi gặp gỡ nhau nhưng lại kết chặt với nhau bởi sức hút của trái tim. Chỉ có tình yêu chân thành từ trái tim mới có thể đơm hoa kết trái, mới có thể trường tồn và vượt qua mọi khó khăn trở ngại. Tình yêu trong truyện thơ Nôm mang một vẻ đẹp như thế. Nó không bị lung lay bởi danh lợi, hay bị chia cắt bởi địa vị sang hèn. Nó kết chặt bởi rung động của trái tim. Cũng bởi vậy nên ca ngợi tình yêu tự do trở thành cảm hứng chủ đạo trong các sáng tác truyện thơ Nôm viết về tình yêu trong văn học trung đại.

2.2. Đấu tranh bảo vệ tình yêu, hạnh phúc 2.2.1. Những biến cố xảy ra

Một phần của tài liệu cảm hứng về tình yêu lứa đôi trong truyện thơ nôm (Trang 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)