1.3.2.1. Vị trí
Luật giáo dục Việt Nam 2005, Điều 54, chương III quy định: “Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của nhà trường, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận”. “Hiệu trưởng các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân phải được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý trường học” [36].
Hiệu trưởng trường THCS là người quản lý trường học và lãnh đạo nhà trường, đại diện cho nhà trường về mặt pháp lý, có trách nhiệm và có thẩm quyền cao nhất trước cơ quan cấp trên là phòng GD&ĐT và UBND cấp
huyện về quản lý toàn bộ hoạt động của nhà trường. 1.3.2.2. Nhiệm vụ và quyền hạn
Trong Điều lệ trường trung học (Ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TTBGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo), Điều 19 mục 1 đã quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệu trưởng như sau:
- Xây dựng, tổ chức bộ máy nhà trường.
- Xây dựng quy hoạch phát triển nhà trường; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học; báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước Hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền.
- Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng tư vấn trong nhà trường; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó; đề xuất các thành viên của Hội đồng trường trình cấp có thẩm quyền quyết định.
- Quản lý GV, nhân viên; quản lý chuyên môn; phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại GV, nhân viên; thực hiện công tác khen thưởng, kỉ luật đối với GV, nhân viên; thực hiện việc tuyển dụng GV, nhân viên; ký hợp đồng lao động; tiếp nhận, điều động GV, nhân viên theo quy định của Nhà nước.
- Quản lý HS và các hoạt động của HS do nhà trường tổ chức; xét duyệt kết quả đánh giá, xếp loại HS, ký xác nhận học bạ, ký xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học cho HS tiểu học (nếu có) của trường phổ thông có nhiều cấp học và quyết định khen thưởng, kỷ luật HS.
- Quản lý tài chính, tài sản của nhà trường.
- Thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước đối với GV, nhân viên, HS; tổ chức thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường; thực hiện công tác xã hội hoá giáo dục của nhà trường.
- Chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành; thực hiện công khai đối với nhà trường.
- Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Như vậy để thực tốt nhiệm vụ của mình đòi hỏi người Hiệu trưởng phải luôn học hỏi, phấn đấu và rèn luyện bản thân về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức tác phong mẫu mực, có năng lực và đặc biệt là luôn giữ vững được uy tín trước tập thể và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong sự nghiệp phát triển giáo dục.