Sự dịch chuyển điểm nhìn

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nguyễn khải giai đoạn sau 1975 (Trang 49)

8. Cấu trúc khóa luận

2.3.Sự dịch chuyển điểm nhìn

Nói về cái nhìn nghệ thuật, M.B.Khrapchencô nhận xét: “Chân lí cuộc

sống trong sáng tác nghệ thuật không tồn tại bên ngoài cái nhìn nghệ thuật có tính cá nhân đối với thế giới, vốn có ở từng nghệ sĩ thực thụ”. Còn nhà văn Pháp M.Proust đã nói: “Đối với nhà văn cũng như đối với nhà họa sĩ. Phong

cách không phải là vấn đề kĩ thuật, mà là vấn đề cái nhìn”. Do vậy, sự lựa chọn điểm nhìn là vấn đề quan trọng trong sáng tác văn chương.

Cùng với quá trình đổi mới văn học, các nhà văn đương đại đã bắt đầu nói về hiện thực với cái nhìn nhiều phía. Nhiều tác phẩm thành công bởi nghệ thuật trần thuật đa tuyến tạo nên tính đối thoại cởi mở giữa các tư tưởng khác biệt, thậm chí đối lập nhau. Nhà văn viết về cuộc sống, con người không phải từ một điểm nhìn mà từ nhiều điểm nhìn, nhiều cách tiếp cận khác nhau. Theo đó, văn bản nghệ thuật trở thành một cấu trúc đa tầng, có khả năng phá vỡ tính đơn âm và cùng lúc vang lên nhiều tiếng nói khác nhau trong cùng một tác phẩm. Sự dịch chuyển điểm nhìn trần thuật chính là một trong những biểu hiện rõ nét của quá trình đổi mới văn học Việt Nam giai đoạn sau 1975.

Hòa nhịp với sự đổi mới ấy, truyện ngắn Nguyễn Khải giai đoạn sau

1975 đã tiến đến sự đa dạng hóa điểm nhìn cùng với sự dịch chuyển điểm nhìn linh hoạt. Chính sự đổi mới điểm nhìn đã giúp ông thực hiện được quan niệm: “Nghệ thuật là cuộc tìm kiếm mãi mãi” [12,tr.35]. Bởi trong suốt hành trình sáng tạo nghệ thuật nhà văn không ngừng tìm tòi và khám phá cái mới, cái bí ẩn của đời sống con người.

Trong văn học Việt Nam giai đoạn sau 1975, nhân vật không chỉ được nhìn từ phía người kể chuyện mà được soi chiếu từ nhiều góc độ, nhiều điểm nhìn. Điểm nhìn trần thuật trong tác phẩm văn học có nhiều xáo trộn. Điểm nhìn của người kể chuyện giấu mặt truyền thống liên tục được dịch chuyển cho các nhân vật khác trong truyện. Với sự thay đổi di chuyển điểm nhìn, tác phẩm đã tạo được nhiều cách nhìn đối với cuộc sống nhằm đem lại sự phức điệu đa âm. Qua đây có thể thấy sự vận động của điểm nhìn trước hết là điểm nhìn nghệ thuật - một trong những biểu hiện rõ nét của quá trình đổi mới văn xuôi Việt Nam đương đại.

Dịch chuyển điểm nhìn là điểm nhìn không ở một vị trí bất biến, cố định mà có sự thay đổi, chuyển dịch. Dịch chuyển điểm nhìn có thể được thực hiện bằng một số cách như: Dịch chuyển từ điểm nhìn bên ngoài sang điểm nhìn bên trong; dịch chuyển điểm nhìn theo không gian, thời gian; dịch chuyển điểm nhìn từ tác giả sang nhân vật, từ nhân vật này sang nhân vật khác… Trong truyện ngắn Nguyễn Khải giai đoạn sau 1975, sự dịch chuyển điểm nhìn được thực hiện ở một số phương diện sau.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nguyễn khải giai đoạn sau 1975 (Trang 49)