Điểm nhìn nhân vật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nguyễn khải giai đoạn sau 1975 (Trang 44)

8. Cấu trúc khóa luận

2.2.Điểm nhìn nhân vật

Trần thuật là một yếu tố quan trọng tạo nên hình thức của tác phẩm văn học. Việc tổ chức điểm nhìn trần thuật ở mỗi tác phẩm mang tính sáng tạo cao độ. Với văn học Việt Nam hiện đại, khi ý thức tạo dựng nhiều góc nhìn thì điểm nhìn trần thuât thực sự trở thành một phạm trù quan trọng của thi pháp học hiện đại. Trong điểm nhìn trần thuật, điểm nhìn nhân vật góp phần quan trọng tạo nên phong cách văn chương của tác giả.

Tìm hiểu về văn xuôi Nguyễn Khải, Nguyễn Thị Bình cho rằng

Nguyễn Khải là người “Biết nhìn ra vấn đề ở nơi người khác không thể thấy”,

rằng đây là điều làm cho ông trở nên “khác người và hơn người”.

Truyện ngắn Nguyễn Khải giai đoạn sau 1975 sử dụng đậm đặc và linh hoạt điểm nhìn nhân vật. Điểm nhìn nhân vật xuất hiện hầu hết trong các sáng tác của ông giai đoạn này. Nhưng xuất hiện đậm đặc nhất là trong các truyện:

Nếp nhà, Một người Hà Nội, Chút phấn của đời, Mẹ và các con, Anh hùng bĩ vận, Hai ông già ở Đồng Tháp Mười, Lạc thời…

Có thể thấy rằng, truyện ngắn Nguyễn Khải giai đoạn này xuất hiện rất nhiều nhân vật là nữ, họ là những bà, những mẹ, những chị… Ở họ có cách nhìn, sự thể hiện tư tưởng tình cảm rất riêng. Như trong Một người Hà Nội, đây là truyện ngắn của Nguyễn Khải được xây dựng theo lối trần thuật chủ

quan với vai trò người trần thuật ở ngôi thứ nhất xưng Tôi. Theo lối kể này, nhân vật Tôi vừa là nhân vật trong truyện vừa có mối quan hệ với các nhân vật khác trong câu truyện. Ở truyện ngắn này xuất hiện nhân vật bà Hiền - một hạt bụi vàng của Hà Nội và cũng là nhân vật trung tâm của truyện. Được soi ngắm trong cái nhìn thế sự mà điểm quy chiếu là văn hóa ứng xử và đạo đức sinh hoạt, nhân vật bà Hiền của Nguyễn Khải thật gần gũi và sống động vô cùng. Thế giới nội tâm với những phức hợp giằng xé, những suy nghĩ thực của nhân vật thực được phô bày rõ mồn một không uốn nắn đẽo gọt. Điểm nhìn của nhân vật bà Hiền thể hiện trong cách hành xử của bà với công việc, cuộc sống hàng ngày. Với điểm nhìn của một người mẹ, một bà mẹ biết tự trọng và là một công dân khi đứa con đầu đi lính bà đã nói: “Tao đau đớn mà

bằng lòng vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng” và khi đứa con thứ hai xin đi lính, “Cô trả lời buồn bã: “ Tao không khuyến khích cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó””.

[29, tr.192]. Người mẹ ấy chấp nhận cho con đi lính vì lí do không muốn con sống đớn hèn. Xuất phát từ điểm nhìn của một người mẹ, bà cũng không dấu nỗi lo lắng và đau lòng, không vui vẻ bởi bà biết con ra đi chốn bom đạn thì làm sao hẹn ngày trở về. Nỗi niềm và tâm sự rất đời thường nhưng cũng rất nhân bản ấy minh định cho cách khám phá, tạo dựng con người đa chiều của nhà văn.

Cũng từ điểm nhìn nhân vật là một người đàn bà. Điểm nhìn của nhân vật bà cô trong Nếp nhà, một người biết cầm lái con thuyền của gia đình

vững vàng qua bao thử thách sóng gió của cuộc đời. Con người ấy là sự kiên định của một giá trị, một lối sống. Giữa thời buổi thiên hạ nháo nhác kiếm tiền, tôn vinh giá trị của đồng tiền thì bà lại quan niệm: “Thời bây giờ có được vài trăm cây vàng không phải là khó, cũng không phải là lâu, nhưng có được một gia đình hạnh phúc cũng phải mất vài đời người, phải được giáo dục vài đời. Hạnh phúc không phải là một món quà tặng bất ngờ, không thể đi tìm mà cũng không nên cầu xin. Nó là cách sống quan niệm sống, là nếp nhà, ở trong tay mình nhưng nhận được ra nó, có ý thức vun trồng nó, lại hoàn toàn không dễ” ( Nếp nhà). Điểm nhìn của nhân vật bà cô cũng thật sâu

sắc khi nói đến mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu: “Bà bảo, con dâu là

vàng trời cho, mình không có công đẻ nó ra, cũng không nuôi nó ăn học ngày nào, bỗng dưng nó nhận mình là mẹ, sinh con đẻ cái cho dòng họ, cáng đáng mọi việc từ trẻ đến già, không lễ sống nó thì thôi còn hoạnh họe nỗi gì” [28,

tr.230]. Cách nhìn của bà, điểm nhìn của bà là của một người giữ được “nếp nhà”, giữ được văn hóa gia đình.

Nguyễn Khải luôn đi sâu vào những giá trị tinh thần của cuộc sống để

khám phá và đưa ra nhận xét. Cũng là điểm nhìn của người phụ nữ, điểm nhìn nhân vật bà Mão trong Mẹ và các con lại là một cách nhìn khác về cuộc sống. Điểm nhìn của bà Mão là điểm nhìn nhân bản của một người mẹ suốt đời hi

sinh cho con cháu, vì con cháu và để con cháu được sống hạnh phúc. Bởi quan niệm của bà: “Con cái có thể quên mẹ, bỏ mặc mẹ nhưng không có mẹ nào bỏ con cả, có phải dóc thịt nuôi con cũng chẳng từ. Chứ mẹ chỉ biết lo cho cái thân mẹ chả hóa ra nước chảy ngược à?” [29, tr.502].

Trong truyện ngắn Nguyễn Khải, điểm nhìn nhân vật không chỉ ở

những người phụ nữ mà còn xuất hiện ở những người “lạc thời”, những người bất hạnh chịu nhiều thua thiệt trong cuộc sống. Chính những điểm nhìn đó giúp thấy được những giá trị của cuộc đời.

Điểm nhìn nhân vật ông Hai trong Hai ông già ở Đồng Tháp Mười lại là một cách nhìn khác. Ông Hai trải qua những bi quan tuyệt vọng đã có lúc nghĩ tới cái chết nhưng nhờ có tình cảm đùm bọc, yêu thương của con người, cuộc sống của ông dần dần hồi sinh lại. Chính cái hoàn cảnh, sự từng trải của ông đã tạo cho ông một điểm nhìn, một cách nhìn riêng với cuộc sống. Đứng ở vị trí của ông, điểm nhìn của nhân vật ông Hai là một con người “Từng biết

cái mặn chát của một kiếp người” nay đã phải ứa nước mắt “Vì cái khắc nghiệt của đời cũng có mà cái bao dung của đời cũng có”. Còn điểm nhìn của

nhân vật ông Ba Quốc Hội lại khác. Điểm nhìn của ông xuất phát từ một người có tiềm lực tinh thần mạnh mẽ, một người cứ “rẽ sóng rẽ gió” mà đi thì cách nghĩ của ông về cuộc sống lại khác. Ở đó là niềm tin của ông Ba Quốc Hội về công lao của mình dù được công nhận hay không, ông không cần nói ra, miễn sao khi gặp mọi người lương tâm ông được thanh thản “không phải

ngượng nghịu, xấu hổ” là được. Ở tác phẩm này ta thấy điểm nhìn của tác giả

cũng chính là điểm nhìn của nhân vật kể chuyện xuyên suốt toàn tác phẩm, nó tạo ra một giọng điệu riêng cho tác phẩm, điểm nhìn nhân vật xuất hiện xen kẽ và có lúc chi phối tới điểm nhìn của tác phẩm. Điều này phù hợp với nhận định: “Điểm nhìn nghệ thuật có thể nhận biết qua sự nhận biết của người đọc”.

Trong truyện ngắn của Nguyễn Khải, chúng tôi còn thấy xuất hiện một kiểu điểm nhìn nhân vật nữa. Đó chính là điểm nhìn nội tâm nhân vật. Điểm nhìn này xuất phát từ điểm nhìn khách quan bên ngoài chuyển vào nội tâm nhân vật, buộc nhân vật phải nói lên ý nghĩ của mình. Đặt điểm nhìn từ bên trong nội tâm nhân vật, Nguyễn Khải đã tái hiện lại dòng ý thức của ông Trắc (Lạc thời). Cái cảm giác bị “bỏ quên” cứ xoáy sâu vào lòng ông Trắc. Và đặt cho ông Trắc điểm nhìn này là dụng ý của tác giả. Ở điểm nhìn của ông mới thấy được vấn đề nhức nhối trong đời sống nhân sinh. Chính ông băn khoăn tự hỏi: Vì sao: Những người hôm qua còn là bạn bè, còn có tình thân nay lại coi nhau như người xa lạ? Xuất phát từ điểm nhìn của một người có thời:

“Cái thời gian nan những bạn bè ấm cúng vì không ai nỡ để mình và gia đình bị đói dẫu rằng ở một cái tỉnh luôn đói” mà “Cái thời ấy mới cách đây mấy năm chứ mấy”. Những dòng độc thoại của nhân vật ông Trắc xuất hiện khi

ông bị đối xử ở bữa tiệc và ông nhận thấy đó là “một ngày thật buồn”. Điểm nhìn của nhân vật chứa đựng một sự tủi hờn của một người “lạc thời”.

Tuy nhiên, trong truyện ngắn của mình Nguyễn Khải không chỉ thể

hiện điểm nhìn nhân vật ở những nhân vật trung tâm, nhân vật chính của truyện. Mà tác giả còn trao điểm nhìn cho các nhân vật bên ngoài khác để tạo sự khách quan trong cách kể, tạo ra một kiểu cấu trúc mở cho tác phẩm. Đồng thời trao điểm nhìn cho các nhân vật khác nhằm mở ra nhiều cách hiểu tạo nên tính tranh biện đặc trưng trong sáng tác của Nguyễn Khải. Điểm nhìn

nhân vật đó xuất hiện khá nhiều. Chẳng hạn điểm nhìn của chị Vú khi nói về cách mạng: “Cách mạng gì toàn để ý đến những chuyện vặt” (Một người Hà Nội). Hay điểm nhìn của nhân vật bà lão bán xôi khi hỏi bà Mão về các con và sự hy sinh của bà cụ. Chính những điểm nhìn nhân vật đó tạo ra tính tranh biện, tạo ra sự đa thanh cho truyện ngắn Nguyễn Khải giai đoạn sau 1975. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Có thể nói, truyện ngắn Nguyễn Khải giai đoạn sau 1975 đã tạo ra điểm nhìn nhân vật khá đa dạng. Từ những điểm nhìn đó nhà văn đi sâu vào tìm hiểu, phân tích, cắt nghĩa những sự vật, hiện tượng của đời sống để từ đó có một cái nhìn nhân bản, sâu xa hơn với mỗi số phận con người. Rõ ràng điểm nhìn là một yếu tố rất quan trọng trong tổ chức trần thuật, nó tạo ra tính hấp dẫn cho tác phẩm văn học. Đồng thời, từ điểm nhìn chúng ta có thể đánh giá, khẳng định tài năng và đóng góp của nhà văn vào tiến trình văn học. Điều đó chứng tỏ: “Giá trị của sáng tạo nghệ thuật một phần không nhỏ là do đem lại

cho người thưởng thức một cái nhìn mới đối với đời sống. Sự thay đổi của nghệ thuật bắt đầu từ sự thay đổi điểm nhìn. (Từ điển thuật ngữ văn học)

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nguyễn khải giai đoạn sau 1975 (Trang 44)