Các giải pháp về điều hành vĩ mô

Một phần của tài liệu phát triển kinh tế theo ngành và theo lãnh thổ ở tỉnh bà rịa – vũng tàu (Trang 126)

6. Cấu trúc của đề tài

3.2.4. Các giải pháp về điều hành vĩ mô

3.2.4.1. Chính sách ưu tiên ngành mũi nhọn

Sau khi đã xác định được các ngành ưu tiên (như đã nêu ở phần trước: Công nghiệp, du lịch, cảng biển, dịch vụ hàng hải, hải sản), cần xác định một hệ thống các chính sách nhằm tạo môi trường cho các ngành đó phát triển. Cần tạo môi trường thuận lợi, từng bước phù hợp với quá trình phát triển từ thấp đến cao, tạo cho doanh nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường.

3.2.4.2. Chính sách thị trường

Thị trường là một khâu rất quan trọng, nhiều tiềm năng của tỉnh chưa được khai thác, hoặc khai thác chưa tương xứng chủ yếu là do chưa có thị trường tiêu thụ. Có 3 hướng thị trường cần khai thác là: (1) Thị trường nội tỉnh; (2) Thị trường trong nước; (3) Thị trường ngoài nước.

Thị trường nội tỉnh: Với trên 1 triệu dân vào năm 2012, thị trường nội tỉnh là một thị trường không lớn. Tuy nhiên, trong thị trường nội tỉnh, thị trường nông thôn có một ý nghĩa rất lớn, cần quan tâm đến khu vực thị trường này để giải quyết đầu ra cho một số ngành công nghiệp của tỉnh.

Thị trường trong nước: Là một thị trường rất quan trọng, BR–VT sẽ tham gia vào thị trường trong nước với các sản phẩm mà tỉnh có thế mạnh như các sản phẩm của công nghiệp dầu khí, công nghiệp luyện kim, điện, hải sản... Cần nhận thức rằng những thế mạnh của tỉnh trong nền kinh tế thị trường không phải là vĩnh viễn và do vậy thị trường ngoài tỉnh cũng sẽ bị thu hẹp lại nếu như không nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.

Thị trường xuất khẩu: Tìm kiếm thị trường xuất khẩu là một công việc khó khăn phức tạp. Mở rộng việc tìm kiếm thị trường nên thông qua các công ty tư vấn đầu tư và thương mại, các văn phòng đại diện, các cuộc triển lãm. So với thị trường trong nước thị trường xuất khẩu đòi hỏi sự cạnh tranh về chất lượng và giá thành gay gắt hơn.

3.2.4.3. Chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần

Phát triển kinh tế nhiều thành phần là một trong những quan điểm cơ bản của quá trình đổi mới kinh tế. Đây là giải pháp chiến lược chứ không phải giải pháp tình thế. Phải thấy rằng sự tăng trưởng của bất kỳ thành phần kinh tế nào cũng đều góp phần phát triển toàn bộ nền kinh tế của tỉnh. Do đó cần phải đảm bảo quyền bình đẳng trong sản xuất kinh doanh giữa các thành phần kinh tế. Chính sách kinh tế nhiều thành phần một mặt phải đảm bảo tính điều tiết vĩ mô của nhà nước, mặt khác phải đảm bảo tính cạnh tranh và thúc đẩy. Công cụ của chính sách kinh tế nhiều thành phần là pháp luật.

Kinh tế nhiều thành phần góp phần tạo ra sức cạnh tranh, kích thích nền kinh tế phát triển lành mạnh. Tuy nhiên mặt yếu của thành phần kinh tế ngoài quốc doanh là chạy theo lợi nhuận, thường tìm mọi cách để trốn thuế, gian lận thương mại nhằm mục tiêu thu lợi nhuận cao, ít quan tâm đến người lao động, do vậy cần có biện pháp để hạn chế nhược điểm này. Kinh tế quốc doanh cũng có nhiều điểm yếu như thiếu năng động và hiệu quả kém, cần có thái độ rõ ràng với các cơ sở quốc doanh làm ăn không hiệu quả.

Một phần của tài liệu phát triển kinh tế theo ngành và theo lãnh thổ ở tỉnh bà rịa – vũng tàu (Trang 126)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)