ĐBSCL hiện đang phấn đấu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển kinh tế vùng đi lên bằng việc hình thành các KCN, KKT với những bước chuyển kinh tế quan trọng.
Lũy kế đến tháng 7/2014, cả nước có 295 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên 83.626 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 55.691 ha, chiếm khoảng 66% tổng diện tích đất tự nhiên. Đến nay, 207 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 61.601 ha và 88 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 22.025 ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN đạt 25.370 ha, tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 47%, riêng các KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 65%. 6 tháng đầu năm, đầu tư nước ngoài vào các KKT, KCN đạt 303 dự án cấp mới và 218 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn 5,56 tỷ USD; lũy kế đến nay, các KCN đã thu hút 5.290 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 77,1 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 48% vốn đăng ký. Tổng doanh thu các KKT, KCN đạt 47,4 tỷ USD và 76.600 tỷ đồng, tăng 34%; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 27,1 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước...
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2014, khu vực ĐBSCL hiện nay có 74 KCN đã được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên gần 24.000 ha, diện tích đất cho thuê tại các KCN trong vùng ĐBSCL chỉ 39,7% và tại các cụm công nghiệp tỷ lệ này chỉ là 27,47% so với tổng diện tích được quy hoạch. Số KCN có tỷ lệ lấp đầy tập trung tại những tỉnh có số lượng KCN nhiều như : Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Long An là địa phương dẫn đầu trong vùng ĐBSCL với số lượng 36 KCN. 7 tháng đầu năm 2013 , các KCN ĐBSCL thu hút được 353 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 3,5 tỷ đồng, trong đó vốn thực hiện đạt 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 200 ngàn lao động. Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL còn có 3 khu kinh tế là: Định An (trà Vinh), Năm Căn (Cà Mau) và Phú Quốc (Kiên Giang) với tổng diện tích 4.374 ha, cả 3 khu kinh tế đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, các khu kinh tế này đã thu hút được 22 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 2 tỷ USD, vốn thực hiện 37 triệu USD, tạo việc làm cho 43.894 lao động.
Các ngành công nghiệp có lợi thế phát triển trong các KCN vùng ĐBSCL như: công nghiệp chế biến nông sản (chế biến lương thực, thực phẩm và thủy sản); gia công hàng dệt, may, da giày phục vụ trong nước và xuất khẩu; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất hóa chất, sản phẩm nhựa (PE, PP); sản xuất thiết bị điện, điện tử; công nghiệp cơ khí và lắp ráp thiết bị cơ khí phục vụ cho chế biến nông sản và sửa chữa tàu thuyền vận tải thủy.
Tuy nhiên có một thực trạng hiện nay là đa số các KCN, CCN đang trong tình trạng quy hoạch treo, dự án treo kéo dài nhiều năm hoặc triển khai ì ạch, không giải phóng được mặt bằng, nên khó thu hút nhà đầu tư; ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, nhiều KCN, CCN đã chiếm diện tích đất tốt ven sông Tiền, sông Hậu nhiều năm qua nhưng làm ì ạch dẫn đến lãng phí rất lớn gây ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống.