Lý thuyết cấu trúc chức năng

Một phần của tài liệu Giáo dục pháp luật cho học sinh trường giáo dưỡng số 2 yên mô ninh bình (Trang 26)

8. Khung lý thuyết

1.2.2. Lý thuyết cấu trúc chức năng

Lịch sử của thuyết này gắn liền với nhiều tên tuổi các nhà xã hội học như Auguste Comte, Herbert Spencer, Emile Durkheim, Talcott Parsons, Robert Merton… Trong quá trình phát triển, các tác giả của lý thuyết này có nhiều cách tiếp cận và hướng nghiên cứu cụ thể khác nhau nhưng đều thống nhất cho rằng một chỉnh thể được cấu thành nên từ nhiều bộ phận khác nhau và các bộ phận này có mối quan hệ chặt chẽ, phụ thuộc lẫn nhau. Mỗi bộ phận đóng một chức năng nhất định, góp phần đảm bảo sự tồn tại của chỉnh thế đó với tư cách là một cấu trúc tương đối ổn định, bền vững.

Nguồn gốc lý luận của thuyết cấu trúc chức năng là: thứ nhất, truyền thống khoa học của xã hội Pháp, coi trọng sự ổn định, trật tự của hệ thống với các bộ phận có quan hệ chức năng- hữu cơ với chỉnh thể hệ thống; và thứ hai, truyền thống khoa học Anh với thuyết tiến hóa, thuyết kinh tế, thuyết vị lợi, thuyết hữu cơ phát triển mạnh. Từ hai truyền thống này đã nảy sinh những ý tưởng khoa học về xã hội như là một sinh thể hữu cơ đặc biệt với hệ thống bao gồm các thành phần có những chức năng nhất định tạo thành cấu trúc ổn định.[38, tr.218]

Các luận điểm gốc của thuyết cấu trúc- chức năng đều nhấn mạnh tính cân bằng, ổn định và khả năng thích nghi của cấu trúc. Thuyết này cho rằng một xã hội tồn tại, phát triển được là do các bộ phận cấu thành của nó hoạt động nhịp nhàng với

nhau để đảm bảo sự cân bằng chung của cả cấu trúc; bất kì một sự thay đổi nào ở thành phần nào cũng kéo theo sự thay đổi ở các thành phần khác nhau.[38, tr.222] Nói cách khác, sự phát triển hay diệt vong của bất kì một thành tố, bộ phận nào cũng tạo nên những ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực lên các thành tố, bộ phận khác cũng như cả hệ thống xã hội nói chung. Như vậy, muốn xã hội bền vững, ổn định và phát triển thì các bộ phận cấu thành nên nó phải thực hiện trọn vẹn chức năng của mình.

Trường giáo dưỡng có nhiệm vụ quản lý, giáo dục đạo đức, pháp luật, văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp và tổ chức lao động cho học sinh phù hợp với lứa tuổi, nhằm giúp họ học tập, rèn luyện tiến bộ, phát triển lành mạnh về thể chất, tinh thần, trí tuệ để trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội, có khả năng hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong biện pháp giáo dưỡng. [18, tr.3] Như vậy, ngoài chức năng quản lý, nuôi dưỡng học sinh, ngăn giữ tạm thời những hành vi xấu của các em có thể ảnh hưởng đến xã hội thì trường giáo dưỡng còn thực hiện một chức năng rất quan trọng là giáo dục các em về văn hóa, pháp luật, nghề nghiệp để các em có thể phát triển lành mạnh về thể chất lẫn tinh thần, trở thành người lương thiện và có khả năng tái hòa nhập xã hội. Ở đây, trường giáo dưỡng đang thực hiện đồng thời hai chức năng, nó vừa đóng vai trò là một ngôi trường bình thường, cung cấp kiến thức cho học sinh, lại vừa là một ngôi trường đặc biệt dành riêng cho các em có hành vi vi phạm pháp luật.

Mặt khác, trường giáo dưỡng không chỉ là môi trường giáo dục đơn thuần mà nó còn là một bộ phận cấu thành xã hội, gắn liền với công tác đảm bảo an ninh trật tự quốc gia. Rõ ràng, việc trường giáo dưỡng thực hiện tốt chức năng của mình hay không sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự ổn định và phát triển của xã hội.

Trong phạm vi luận văn của mình, tôi không dành nhiều thời lượng để đánh giá chức năng thứ nhất mà chỉ nhấn mạnh chức năng thứ hai của trường giáo dưỡng- chức năng giáo dục lại, mà cụ thể là giáo dục pháp luật cho học sinh. Vậy trường giáo dưỡng số 2 Ninh Bình đã thực hiện chức năng giáo dục pháp luật của mình như thế nào, đạt hiệu quả ra sao, còn những vấn đề bất cập nào trong hoạt động đó không? Lý thuyết cấu trúc chức năng sẽ được vận dụng để đánh giá vai trò của trường giáo dưỡng số 2 Ninh Bình trong việc giáo dục pháp luật cho học sinh và trả lời những câu hỏi trên.

Một phần của tài liệu Giáo dục pháp luật cho học sinh trường giáo dưỡng số 2 yên mô ninh bình (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)