Giáo dục pháp luật qua phương tiện truyền thông của trường

Một phần của tài liệu Giáo dục pháp luật cho học sinh trường giáo dưỡng số 2 yên mô ninh bình (Trang 78)

8. Khung lý thuyết

2.3.4Giáo dục pháp luật qua phương tiện truyền thông của trường

Để đạt được mục tiêu cuối cùng là nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh của mình, giúp các em hoàn thiện bản thân và tái hòa nhập cộng đồng, không tái phạm thì nhà trường đã không chỉ dừng lại ở việc giáo dục một cách trực tiếp qua việc học tập chính khóa hay các hoạt động giáo dục bổ trợ mà còn tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động gián tiếp. Thông qua những hình thức gián tiếp như vậy, học sinh tiếp nhận các vấn đề về đời sống xã hội và thẩm thấu dần dần, hình thành cho các em một giá trị sống mới, đúng đắn. Đặc biệt, với các vấn đề về nội quy, pháp luật, hình thức này có giá trị nhất định. Hiện tại, trường giáo

dưỡng số 2 Ninh Bình đang sử dụng phương tiện truyền thông chính là loa phát thanh và báo chí.

Nội dung phát thanh rất phong phú, hệ thống loa phát thanh của nhà trường được sử dụng thường xuyên để cập nhật thông tin mới, thông báo các vấn đề của nhà trường và là một phương tiện giải trí cho học sinh. Vào các ngày nghỉ, giờ nghỉ loa phát thanh thường phát các thông tin thời sự, chính luận từ đài Tiếng nói Việt Nam nhằm giúp học sinh tăng vốn sống, sự hiểu biết xã hội. Ngoài ra, hoạt động phát tin nội bộ có một cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ tổng hợp và viết các bài tin về học tập, rèn luyện, tuyên truyền nội quy trường giáo dưỡng, các tiêu chuẩn thi đua, chế độ chính sách, quyền và nghĩa vụ của trẻ em, các vấn đề biểu dương, phê bình hoặc lưu ý các cá nhân, tập thể trong tuần, tuyên truyền các hoạt động, phong trào đang diễn ra ở trường hoặc các kế hoạch của nhà trường về dịch bệnh, từ đó học sinh nắm được hoạt động đang được triển khai ở trường. Bên cạnh đó, vào những dịp lễ như ngày nhà giáo Việt Nam, ngày Phụ nữ Việt Nam, lễ Vu lan, chiến thắng Điện Biên Phủ… cán bộ này cũng có nhiệm vụ viết bài theo chủ điểm như viết về tình cảm mẹ con, thầy trò, về những chiến công của quân đội ta. Đặc biệt, nhà trường còn quan tâm, sát sao đến những việc rất nhỏ như ghi âm những đĩa nhạc theo chủ điểm và phát nhạc vào những dịp lễ này. Tất cả những việc này đều nhằm mục đích bồi đắp cho các em lòng tự hào dân tộc, sự biết ơn các thầy cô, tình cảm gia đình mà từ đó xây dựng cho mình những giá trị sống đúng đắn, tốt đẹp để khi ra trường có thể trở thành một công dân lương thiện, có ích cho xã hội.

Cụ thể, một chương trình thông tin nội bộ thường được thiết kế gồm: 1. Tổng kết các hoạt động trong tuần, 2. Thông báo các hoạt động sẽ triển khai trong tuần mới, 3. Đọc danh sách khen thưởng và kỷ luật các cá nhân và tập thể, 4. Những nhắc nhở hoặc lưu ý. Mặc dù mục đích giáo dục pháp luật ở đây không được thể hiện một cách cụ thể, trực tiếp nhưng thông qua những tin bài được phát trên hệ thống truyền thanh, các em lắng nghe, tự thẩm thấu và có những so sánh, nhận định cho riêng mình mà từ đó có ý thức tuân theo pháp luật, xây dựng quy tắc sống cộng

đồng đúng đắn. “Thỉnh thoảng em và các bạn trong đội được đọc tên khen thưởng vì giữ phòng ở sạch sẽ, thi trò chơi được xếp hạng nhất hay em viết thư được giải cũng được nêu tên. Em cảm thấy rất vui và tự hào, em còn gọi điện về khoe bố mẹ.

Chắc chắn là em sẽ cố gắng nữa để lại được đọc tên khen thưởng” (PVS số 10, 15 tuổi, nam, trộm cắp)

Bên cạnh đó, sách báo, tạp chí cũng được nhà trường quan tâm đầu tư. Được sự quan tâm, đầu tư về vốn và cơ sở vật chất của tổng cục VIII và tổ chức PLAN, trường giáo dưỡng số 2 Ninh Bình đã xây dựng một thư viện với con số đầu sách lên tới hàng nghìn. Ngoài ra, các giáo viên chủ nhiệm cũng có nhiệm vụ tìm và thu thập những đầu sách mới, phù hợp với học sinh để làm phong phú thêm cho thư viện trường. Ngoài sách báo ở thư viện, hàng ngày một số báo như Thanh niên, Hoa học trò được phát về các đội để các em đọc và trao đổi.

Các đầu sách ở thư viện được phân theo từng lĩnh vực như văn hóa, sức khỏe, giáo dục giới tính, pháp luật… Hiện nay, các sách về pháp luật ở trường chủ yếu là các văn bản pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, các nghị định có liên quan đến chế độ, chính sách với học sinh.

Hoạt động đọc sách ở thư viện là hoạt động tự nguyện. Các cá nhân trong thời gian rỗi có thể chủ động lên thư viện đọc sách tại chỗ. Ngoài ra, các đội trưởng đội tự quản có thể đăng kí một số đầu sách để mượn về phòng cho cả đội đọc trong một tuần. Tuy nhiên, trong thực tế phần đông các em học sinh không có sự hứng thú

với các sách báo, tạp chí về pháp luật. “Hầu hết sách báo mà các em mượn đều là truyện, tạp chí giải trí hoặc sức khỏe giới tính. Các sách báo về pháp luật không được các em quan tâm lắm ngoại trừ những lúc có phong trào, cuộc thi liên quan hoặc một cá nhân nào đó tò mò muốn đọc. Nói chung, dù là đọc gì hay mục đích gì thì chúng tôi đều khuyến khích vì cứ đọc 1 cuốn sách là đã gặp 1 người thầy, pháp luật cũng không nhất thiết phải khô cứng, giáo điều mà những bài học trong cuộc sống thường ngày cũng có thể là pháp luật.” (PVS số 3, 37 tuổi, nam, cán bộ giáo vụ hồ sơ)

Đánh giá về mức độ yêu thích của học sinh với phương pháp giáo dục pháp luật thông qua phương tiện truyền thông, các em cho biết:

Biểu đồ 2.11. Mức độ yêu thích của học sinh trường giáo dưỡng số 2 với phương pháp sử dụng phương tiện truyền thông

Nhìn vào biểu đồ 2.11 cho thấy học sinh trường giáo dưỡng số 2 không đánh giá cao phương pháp này bằng các phương pháp giáo dục bổ trợ và học tập bắt buộc. Có 49,0 % học sinh trả lời “bình thường” và 43,3% trả lời “hay, bổ ích” khi được hỏi “ Em đánh giá như thế nào về cách giáo dục pháp luật thông qua phương

tiện truyền thông?”. “Em không ấn tượng lắm với đài phát thanh của trường. Nó toàn phát vào giờ chơi của chúng em nên em không để ý lắm, với cả em cũng chả bao giờ được đọc tên trên đấy cả nên nghe làm gì. Các thông báo thì các thầy cô đều thông báo cụ thể trên lớp hoặc tại đội rồi nên nghe cũng chả làm gì. Em không chán nhưng chỉ bình thường thôi, vì thỉnh thoảng nó phát bài hát thì cũng hay. Sách báo thì em không thích đọc lắm, nhiều chữ nhức đầu.” (PVS số 8, 14 tuổi, nam, trộm cắp) Tuy nhiên, chỉ có 7,7% các em cho rằng phương pháp này “không

hay/chán”. Điều đó cho thấy nếu có những đổi mới trong nội dung và hình thức tiến hành, phương pháp sử dụng phương tiện truyền thông sẽ thu hút được học sinh và đạt hiệu quả cao hơn trong quá trình giáo dục pháp luật ở trường giáo dưỡng số 2 Ninh Bình.

2.4. Các nhân tố chính tác động đến thực trạng giáo dục pháp luật cho học sinh ở trường giáo dưỡng số 2 Ninh Bình hiện nay

Một phần của tài liệu Giáo dục pháp luật cho học sinh trường giáo dưỡng số 2 yên mô ninh bình (Trang 78)