Lý thuyết xã hội hóa

Một phần của tài liệu Giáo dục pháp luật cho học sinh trường giáo dưỡng số 2 yên mô ninh bình (Trang 25)

8. Khung lý thuyết

1.2.1. Lý thuyết xã hội hóa

Có nhiều định nghĩa khác nhau về xã hội hoá nhưng chúng tôi tiếp cận định nghĩa xã hội hoá của nhà khoa học người Mỹ Joseph H.Ficher” Xã hội hoá là một quá trình tương tác người này với người khác, kết quả là một sự chấp nhận khuôn mẫu hành động và thích nghi với những khuôn mẫu hành động đó” [5, tr. 258].

Theo nhà xã hội học Nga G.Andreeva thì”Xã hội hoá là quá trình hai mặt: một mặt, cá nhân tiếp tiếp nhận kinh nghiệm xã hội bằng cách thâm nhập vào môi trường xã hội, vào hệ thống các quan hệ xã hội. Mặt khác các cá nhân tái sản xuất một cách chủ động hệ thống các mối quan hệ xã hội thông qua chính việc họ tham gia vào hoạt động và thâm nhập vào các mối quan hệ xã hội [5, tr. 259]

Với cách tiếp cận của các lý thuyết này, xã hội hoá là một quá trình diễn ra không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời con người từ khi sinh ra cho đến lúc lìa đời. Quá trình này diễn ra không chỉ là sự tác động một chiều giữa cá nhân với mối quan hệ xã hội bên ngoài (cá nhân khác và với xã hội - mà chúng tôi tạm gọi là ngoại cảnh) với kết quả là cá nhân đó chấp nhận và thích nghi với khuôn mẫu của ngoại cảnh mà quan trọng hơn là cá nhân đó còn tham gia, thâm nhập vào ngoại cảnh, chủ động tái tạo ra các hệ thống các mối qua hệ xã hội, tác động vào ngoại cảnh và trong chứng mực nào đó có thể và có tác động vào ngoại cảnh theo những chiều hướng khác nhau.

Trẻ em với đặc trưng mang tính sinh học của tuổi tác, cũng như những đặc điểm tâm lý do hoàn cảnh sống và môi trường giáo dục mà mỗi giai đoạn cuộc đời có những đặc điểm và đòi hỏi riêng của quá trình xã hội hoá. Ở giai đoạn này các em không chỉ tiếp thu những khuôn mẫu có sẵn mà trong chừng mực nhất định còn tái tạo ra những khuôn mẫu cho phù hợp với vai trò của mình. Trong giai đoạn này những tác nhân quan trọng tham gia vào quá trình xã hội hoá là gia đình, nhà trường và tổ chức xã hội, trong đó gia đình và xã hội là hai nhân tố quan trọng nhất tham gia vào việc hình thành nhân cách cũng như những hành vi ứng xử của các em.

Đối với trẻ em vi phạm pháp luật đưa vào trường giáo dưỡng thì môi trường nhà trường có tác động rất lớn tới nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử của các em. Những em học sinh vào trường từ nhận thức tới hành động đã hình thành sẵn những khuôn mẫu lệch chuẩn do đã có những hành vi vi phạm pháp luật ngoài xã hội. Vì

vậy quá trình xã hội hoá hoạt động giáo dục pháp luật cần có những tác động của nhà trường để xoá bỏ những khuôn mẫu lệch chuẩn đó bằng các hoạt động từ phía nhà trường với tính cách là những nhà quản lý, từ phía thầy cô với tính cách là các nhà giáo dục. Bên cạnh đó, để các em nhận được những giá trị chân, thiện, mỹ đúng đắn theo chuẩn mực xã hội đòi hỏi không thể không bàn đến những ảnh hưởng của nhóm đồng đẳng và gia đình tới hiệu quả của hoạt động giáo dục pháp luật. Sự tác động này được hình thành bởi sự làm gương của thầy cô, của sự tác động bởi sự tiến bộ của bạn bè đồng lứa, sự động viên khích lệ của gia đình.

Lý thuyết xã hội hóa sẽ được vận dụng trong luận văn nhằm phân tích và lý giải những tác động của nhóm giáo viên, nhóm đồng đẳng và gia đình tới nhận thức và hành động của học sinh- đối tượng thụ hưởng hoạt động giáo dục pháp luật đang được thực hiện ở trường giáo dưỡng số 2 Ninh Bình.

Một phần của tài liệu Giáo dục pháp luật cho học sinh trường giáo dưỡng số 2 yên mô ninh bình (Trang 25)