Thứ nhất, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng quy mô xuất khẩu dệt may và giày dép của Việt Nam Việt Nam sang Hoa Kỳ còn quá nhỏ bé so với tiềm năng kinh tế của Việt Nam và nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của Hoa Kỳ. Tuy chiếm thứ hạng cao trong số các nước xuất khẩu nhưng thị phần của hàng dệt may, giày dép xuất khẩu tại thị trường Hoa Kỳ còn quá nhỏ bé nếu đem so sánh với thị phần của Trung Quốc.
Thứ hai, do chủng loại mặt hàng dệt may, giày dép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ của Việt Nam khá đa dạng, phong phú nên chúng ta còn chưa chú ý tập trung vào chất lượng. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng bình dân, hàng chất lượng cao rất ít, như vậy sẽ không tạo ra nhiều lợi nhuân. Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ những mặt hàng chất lượng trung bình, phục vụ tầng khách hàng bình dân và thấp hơn như: đồ lót, áo sơ mi, giày dép lao động, dép đi trong nhà… Chúng ta còn thiếu những nhà thiết kế sáng tạo, sản phẩm không mang tính độc đáo, riêng biệt. Vì vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Việt Nam nên chú trọng đến những mặt hàng cao cấp. Như vậy vừa tạo ra khả năng xuất khẩu lớn hơn, vừa tránh được nguy cơ bị kiện bán phá giá như hàng thủy hải sản xuất khẩu.
Thứ ba, do chất lượng lao động thấp cũng như các công nghệ sản xuất hàng dệt may, giày dép Việt Nam lạc hậu, năng lực quản lý, phân công lao động còn hạn chế nên hàng dệt may, giày dép Việt Nam trên thị trường Hoa Kỳ chưa tạo được sức bật để nâng cao năng lực cạnh tranh về giá để có thể cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc và các vài đối thủ khác.
Thứ tư, các doanh nghiệp Việt Nam hầu như ít quan tâm đến nghiên cứu thị trường. Hoa Kỳ lại là một quốc gia có hệ thống pháp luật vô cùng phức tạp. Ngoài
pháp luật của Liên bang còn có pháp luật riêng của các Bang. Hơn nữa, luật pháp ở các Bang lại có sự khác nhau, thậm chí có thể là đối lập. Vì vậy, do sự kém am hiểu về pháp luật tạo ra, nếu có xảy ra tranh chấp thì các doanh nghiệp Việt Nam thường phải chịu thuế chống bán phá giá hay chống trợ cấp làm tăng giá hàng hóa, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại thị trường Hoa Kỳ.
Cuối cùng, hàng dệt may và giày dép Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ phần lớn là hàng gia công. Đây là tồn tại chung của xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong giai đoạn này. Nguồn nguyên liệu cho sản xuất phần lớn còn phải nhập khẩu, nguồn cung trong nước là rất thiếu, nên chúng ta còn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là nguyên liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Do thiếu rất nhiều nguyên vật liệu để sản xuất, Việt Nam phải đi gia công thuê cho nước ngoài. Vì thế, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam tuy rất cao nhưng lợi nhuận thì lại thấp.