Tổng quan về ngành Dệt may Việt Nam

Một phần của tài liệu Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may và giày dép của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ (Trang 37)

Ngành dệt may là một trong những ngành quan trọng và đóng góp một phần đáng kể vào nền kinh tế Việt Nam. Hơn một thập kỉ từ 1995 tới 2005 đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc ngành dệt may, tỉ trọng tăng trưởng trung bình hàng năm hơn 10% trong giai đoạn này. Có thể nói, chính phủ đóng vai trò quan trọng cho sự thành công này. Những chính sách mới phát hành gần đây cũng đã đẩy mạnh nền kinh tế của tất cả lĩnh vực nói chung và ngành dệt may nói riêng. Hơn nữa, dù kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn khó khăn, xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn đang phát triển và có xu hướng tăng trưởng thêm nữa. Ngành dệt may Việt Nam chiếm 2,5% thị phần quốc tế. Hiện tại, ngành dệt may Việt Nam đã đạt tỉ trọng tăng trưởng trung bình khoảng 22%/ năm. Thêm vào đó, Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ 2 đến thị trường Mỹ, thứ 3 ở Nhật Bản, thứ 5 ở EU, những con số rất ấn tượng.

Trong giai đoạn những năm từ 2006-2008, ngành dệt may Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể với tốc độ khoảng 20%/năm, kim ngạch xuất khẩu chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp của ngành dệt may trong năm 2007 tăng 17,5% so với năm trước đó. Các sản phẩm chủ yếu đều tăng như sợi toàn bộ tăng 11%; vải lụa thành phẩm tăng 8,4%; sản phẩm quần áo dệt kim tăng 8,5%; quần áo may sẵn tăng 12,7%. Sự phát triển ấn tượng của ngành may mặc đã góp phần đưa Việt Nam trở thành 1 trong 9 nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất trong số 153 quốc gia xuất khẩu hàng dệt may trên toàn thế giới. Dệt may đang vươn lên và tham gia vào những mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD của Việt Nam, bên cạnh những mặt hàng khác như dầu thô, giày dép, thuỷ sản…

Kể từ sau Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ và đặc biệt khi Việt Nam trở thành viên chính thức của WTO, thị trường và thị phần xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam ngày càng phát triển. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ đứng đầu với kim ngạch xuất khẩu năm 2007 là 4,5 tỷ USD (chiếm khoảng 55,7% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2007); tiếp theo là EU với 1,5 tỷ USD (chiếm khoảng 18,2%) và Nhật Bản. Ngoài ra còn các thị trường khác như Canada, Hàn Quốc ... Đặc biệt sau khi Hoa Kỳ đã xóa bỏ hạn ngạch cho hàng may mặc của Việt Nam vào đầu năm 2007, hàng may mặc của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ đã tăng mạnh, tăng 46,7% so với năm 2006, lớn hơn nhiều so với hàng Trung Quốc (chỉ tăng 23.5% so với năm 2006 khi xuất sang thị trường Hoa Kỳ).

Với mục tiêu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, dệt may là một trong những ngành được chú trọng và ưu tiên phát triển trên cơ sở tận dụng nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ trong nước để thực hiện các đơn hàng may xuất khẩu của nước ngoài. Đến nay, có khoảng hơn 3000 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong lĩnhvực dệt may, tăng gấp 3 lần so với con số 1086 năm 2003, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Tổng số lao động trong ngành may hiện nay là hơn 2 triệu lao động. Tuy ngành may cần và đã thu hút được nhiều lao động, nhưng tính ổn định của nguồn lao động trong ngành lại không cao. Nguyên nhân chính là do mức thu nhập của công nhân ngành may khá thấp so với các ngành khác. Do đó, người lao động không mấy mặn mà với ngành may.

Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dệt may xuất khẩu. Trong Chiến lược phát triển ngành dệt - may Việt Nam đến năm 2010, Chính phủ đã đề ra một số biện pháp như: (i) Hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách, vốn ODA đối với một số nhóm dự án trong ngành, chẳng hạn như quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, xử lý nước thải, v.v.; (ii) Các dự án đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất; (iii) Bảo lãnh, cấp tiền thu sử dụng vốn trong 2001- 2005 để tái đầu tư, cấp bổ sung vốn lưu động với một số doanh nghiệp nhà nước trong ngành; và (iv) Dành toàn bộ nguồn thu phí hạn ngạch và đấu thầu hạn ngạch dệt - may cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhằm hỗ trợ thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may trong giai đoạn 2001-2010, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 106/2001/TT-BTC ngày 31/12/2001. Cùng với quá trình cải cách thể chế và xây dựng luật nhằm chuẩn bị cho việc gia nhập WTO, các biện pháp trên cũng đã được điều chỉnh và thay thế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có một số biện pháp khác nhằm khuyến khích xuất khẩu nói chung và xuất khẩu hàng dệt may nói riêng. Chẳng hạn, Việt Nam có thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Ngân hàng Phát triển Việt Nam có cấp tín dụng xuất khẩu cho các doanh nghiệp, với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đánh giá việc vay vốn theo các hợp đồng này là không dễ.

Trong quyết định 36/QĐ-TTg ngày 14/3/2008 về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Dệt may Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển ngành Dệt May trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn về xuất khẩu; đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng trong nước; tạo nhiều việc làm cho xã hội; nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc kinh tế khu vực và thế giới. Do đó, ngành may Việt Nam trong thời gian tới sẽ được ưu tiên phát triển.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và kinh tế thế giới cũng tạo điều kiện tiếp cận thị trường tốt hơn cho hàng dệt may. Việt Nam hiện đã là thành viên của WTO, đồng thời cũng đã tham gia ký kết và thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng ở cả cấp độ song phương (như Hiệp định đối tác thương mại Việt - Nhật) và đa phương (như các hiệp định trong khung khổ của ASEAN như ACFTA, AKFTA, v.v).Những cam kết của

Việt Nam đối với cải cách và phát triển kinh tế đã tạo được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, và mở ra những thị trường mới và các quan hệ hợp tác mới.

Tuy có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển và đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào, ngành dệt may Việt Nam vẫn còn những điểm yếu cần khắc phục. Năng lực sản xuất kém, công nghệ còn lạc hậu là một trong những hạn chế lớn của ngành may mặc Việt Nam hiện nay. Hoạt động của ngành may hiện nay phần lớn là thực hiện gia công cho nước ngoài hoặc chỉ sản xuất những sản phẩm đơn giản, những sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao mang lại giá trị gia tăng lớn lại chưa đáp ứng được. Vì thế,nếu được đầu tư đúng mức về công nghệ thì ngành may Việt Nam có thể phát huy hết được tiềm năng về lao động và chất lượng.

Từ thực tế này cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ cần có sự liên kết để cùng khai thác thiết bị các công đoạn đầu vào và hoàn tất sẽ mang lại hiệu quả cao hơn hiện nay. Từ đó, sẽ hình thành tam giác xuất khẩu: doanh nghiệp dệt thuê doanh nghiệp có hệ thống mắc hồ tốt, sản xuất vải mộc hoàn thành sẽ đưa đến cơ sở nhuộm vải hoàn tất để gia công. Khách hàng của các doanh nghiệp dệt may chủ yếu là các đối tác nước ngoài với những đòi hỏi về chất lượng và các điều kiện rất khắt khe. Trong khi đó, ngành dệt và công nghiệp phụ trợ còn yếu, phát triển chưa tương xứng với ngành may, không đủ nguồn nguyên phụ liệu đạt chất lượng xuất khẩu để cung cấp cho ngành may. Theo thống kê, năm 2012 ngành dệt may Việt Nam phải chi tới gần 6,5 tỷ USD cho nhập khẩu, chủ yếu là vải( chiếm 52%), nguyên phụ liệu (34%), sợi (10%) và bông xơ (4%). Các mặt hàng này đa phần nhập từ Trung Quốc, Đài Loan và các nước Asean. Hiện nay, nhu cầu về nguyên liệu nhập khẩu để đảm bảo sản xuất cần đến 95% xơ bông, 70% sợi tổng hợp, 40% sợi xơ ngắn, 40% vải dệt kim và 60% vải dệt thoi. Qua đó, có thể thấy rằng cả một ngành công nghiệp dệt may gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài. Vì vậy, để sản xuất ổn định, hầu như các công ty ngành dệt may đều phải chấp nhận gia công cho đối tác nước ngoài, dù lợi nhuận thấp. Bởi khi gia công, đối tác sẽ cung ứng kịp thời, đầy đủ nguyên phụ liệu.

Một phần của tài liệu Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may và giày dép của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ (Trang 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(81 trang)
w