BIỂN………..9
I. LỢI THẾ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN
Nước Việt Nam nằm bên bờ Tây của Biển Đông, một biển lớn, quan trọng của khu vực và thế giới. Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thì Việt Nam hiện nay không chỉ có phần lục địa tương đối nhỏ hẹp “hình chữ S” mà còn có cả vùng biển rộng lớn hơn 1 triệu km2, gấp hơn ba lần diện tích đất liền. Dọc bờ biển có hơn 100 cảng biển, 48 vụng, vịnh và trên 112 cửa sông, cửa lạch đổ ra biển. Vùng biển Việt Nam có hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ với diện tích phần đất nổi khoảng 1.636 km2, được phân bố chủ yếu ở vùng biển Đông Bắc và Tây Nam với những đảo nổi tiếng giàu, đẹp và vị trí chiến lược như Bạch Long Vĩ, Phú quốc, Thổ Chu, Côn Sơn, Cồn Cỏ, Phú Quý, Cát Bà, Hoàng Sa, Trường Sa...
Tuyến biển có 29 tỉnh, thành phố gồm: 124 huyện, thị xã với 612 xã, phường (trong đó có 12 huyện đảo, 53 xã đảo) với khoảng 20 triệu người sống ở ven bờ và 17 vạn người sống ở các đảo. Khai thác biển cho phát triển kinh tế là một cách làm đầy hứa hẹn, mang tính chiến lược và được đánh giá là đóng vai trò ngày càng quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Từ bao đời nay, biển luôn gắn bó chặt chẽ với mọi hoạt động sản xuất, đời sống của dân tộc Việt Nam. Bước vào thế kỷ 21, giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang hướng mạnh về biển để tăng cường tiềm lực kinh tế của mình. Đây là hướng đi đúng đắn, bởi lẽ biển Việt Nam chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển kinh tế to lớn, trong đó nổi bật lên các lợi thế là:
Việt Nam nằm ở rìa Biển Đông, vùng biểncó vị trí địa kinh tế, chính trị đặc biệt quan trọng và từ lâu đã là nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển không chỉ của các nước xung quanh Biển Đông mà còn của một số cường quốc hàng hải khác trên thế giới.
Hiện nay, nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore... có nền kinh tế hầu như phụ thuộc sống còn vào con đường Biển Đông. Hàng năm, có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và 45% hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản, khoảng 60% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc... được vận chuyển bằng con đường này. Đặc biệt, nền kinh
tế Singapore hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào Biển Đông.
Việt Nam có lợi thế là vùng biển nằm ngay trên một số tuyến hàng hải chính của quốc tế qua Biển Đông, trong đó có tuyến đi qua eo biển Malacca, là một trong những tuyến có lượng tàu bè qua lại nhiều nhất thế giới. Bờ biển Việt Nam lại rất gần các tuyến hàng hải đó nên rất thuận lợi trong việc phát triển giao thương quốc tế.
Hiện nay, hầu hết khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và một phần giao lưu nội địa của nước ta được vận chuyển bằng đường biển trên Biển Đông. Trong một vài thập kỷ tới, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của các nước trong khu vực, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông sẽ tăng gấp hai, ba lần hiện nay. Khi đó Biển Đông nói chung và vùng biển Việt Nam nói riêng càng có vai trò to lớn trong thương mại thế giới; vùng biển Việt Nam sẽ trở thành chiếc cầu nối quan trọng để phát triển thương mại quốc tế và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.
2. Các nguồn tài nguyên biển có khả năng khai thác lớn, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chuyển dịch cơ cấu kinh tế
* Nguồn năng lượng dầu khí: Trong số các nguồn tài nguyên biển, trước tiên phải kể đến dầu khí, một nguồn tài nguyên mũi nhọn, có ưu thế nổi trội của vùng biển Việt Nam. Trên vùng biển rộng hơn l triệu km2 của Việt Nam, có tới 500.000 km2 nằm trong vùng triển vọng có dầu khí.
Trữ lượng dầu khí ngoài khơi miền Nam Việt Nam có thể chiếm 25% trữ lượng dầu dưới đáy Biển Đông. Có thể khai thác từ 30-40.000 thùng/ngày (mỗi thùng 159 lít), khoảng 20 triệu tấn/năm. Trữ lượng dầu khí dự báo của toàn thềm lục địa Việt Nam khoảng 10 tỉ tấn quy dầu.
Mặc dù so với nhiều nước, nguồn tài nguyên dầu khí chưa phải là thật lớn, song đối với nước ta nó có vị trí rất quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế đi vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Bên cạnh dầu, Việt Nam còn có khí đốt với trữ lượng khoảng 3.000 tỉ m3/năm.
* Về tài nguyên sinh vật: Đến nay chúng ta đã phát hiện hơn 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc về sáu vùng đa dạng sinh học biển và nhiều loại động vật quý hiếm khác. Rạn san hô là hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình không chỉ có ở biển phía Bắc Việt Nam, mà còn là một trong những vùng biển có lượng san hô đa dạng cao trên thế giới, với khoảng 350 loài thuộc 72 giống san hô... Các thảm cỏ biển có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với nhiều loài sinh vật biển, theo thống kê gần đây tại 23 điểm của 12 tỉnh đã phát hiện được 15 loài cỏ biển sống trong các thảm cỏ có tổng diện tích 5.583ha. Có trên 600 loài rong biển là nguồn thức ăn có dinh dưỡng cao và là nguồn dược liệu phong phú.
* Về nguồn lợi hải sản: nước ta được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn nhiều loại đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển…
Riêng cá biển đã phát khoảng 2.040 loài khác nhau, trong đó khoảng 110 loài có giá trị kinh tế cao với tổng trữ lượng hải sản khoảng 3- 4 triệu tấn, khả năng cho phép khai thác 1,5- 1,8 triệu tấn/năm. Đến nay đã xác định 15 bãi cá lớn quan trọng, trong đó 12 bãi cá phân bố ở vùng ven bờ và 3 bãi cá ở các gò nổi ngoài khơi. Dọc ven biển có trên 370.000 ha mặt nước các loại có khả năng nuôi trồng thuỷ sản nước mặn - lợ, nhất là nuôi các loại đặc sản xuất khẩu như tôm, cua, rong câu… Riêng diện tích nuôi tôm nước lợ có tới 300.000ha. Ngoài ra còn hơn 500.000ha các eo vịnh nông và đầm phá ven bờ như vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Phá Tam Giang, Vịnh Văn Phong… là môi trường rất thuận lợi để phát triển nuôi cá và đặc sản biển.
Với tiềm năng trên, trong tương lai có thể phát triển mạnh ngành nuôi, trồng hải sản ở biển và ven biển một cách toàn diện và hiện đại với sản lượng hàng chục vạn tấn/ năm.
* Về chim biển: Các loại chim biển ở nước ta cũng phong phú, gồm hải âu, bồ nông, chim rẽ, hải yến. Theo tính toán của các nhà khoa học thì phân chim tích tụ từ lâu đời trên các đảo cho trữ lượng phân bón tới chục triệu tấn.
* Về khoáng sản: Ngoài dầu khí, dưới đáy biển nước ta còn có nhiều khoáng sản quý như: thiếc, ti-tan, đi-ri- con, thạch anh, nhôm, sắt, măng-gan, đồng, kền và các loại đất hiếm. Muối ăn chứa trong nước biển bình quân 3.500gr/m2. Vùng ven biển nước ta cũng có nhiều loại khoáng sản có giá trị và tiềm năng phát triển kinh tế như: than, sắt, ti-tan, cát thuỷ tinh và các loại vật liệu xây dựng khác.
* Về giao thông: Việt Nam với bờ biển dài hơn 3.260km, nằm trong số 10 nước trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ (không kể một số đảo). Tính bình quân cứ 100 km2 đất liền nước ta có 1 km bờ biển, cao gấp sáu lần chỉ số trung bình của thế giới, đồng thời bờ biển lại mở ra cả ba hướng Đông, Nam và Tây Nam, rất thuận lợi cho việc đi ra mọi nẻo đường đại dương.
Dọc theo bờ biển nước ta có hơn 100 địa điểm có thể xây dựng hải cảng, trong đó một số nơi có thể xây dựng cảng nước sâu, quy mô tương đối lớn (kể cả cảng trung chuyển quốc tế) như: Cái Lân và một số điểm ở khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, Nghi Sơn, Hòn La - Vũng Áng, Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Văn Phong, Cam Ranh, Vũng Tàu, Thị Vải...
Riêng khu vực từ Vũng Tàu đến Hà Tiên do biển nông, nhiều sình lầy nên ít có khả năng xây dựng cảng biển lớn, nhưng vẫn có thể xây dựng cảng quy mô vừa ở Hòn Chông, Phú Quốc hoặc cảng sông Cần Thơ. Khả năng phát triển cảng và vận tải biển là yếu tố trội cơ bản, là nguồn lực rất quan trọng để phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
* Tài nguyên du lịch biển: Đây cũng là một ưu thế đặc biệt, mở ra triển vọng khai thác tổng hợp để phát triển mạnh. Dọc bờ biển Việt Nam có hàng trăm bãi tắm, trong đó có những bãi tắm có chiều dài lên đến 15- 18km và nhiều bãi tắm có chiều dài 1-2km đủ điều kiện thuận lợi khai thác phát triển du lịch biển.
Các bãi biển của nước ta phân bố trải đều từ Bắc vào Nam. Từ Móng Cái đến Hà Tiên có hàng loạt các bãi tắm đẹp như Trà Cổ, Sầm Sơn, Cửa Lò, Cửa Tùng, Lăng Cô, Mỹ Khê, Đại Lãnh, Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né, Vũng Tàu, Hà Tiên…
Chúng ta không chỉ có bờ biển dài mà còn có hệ thống đảo và quần đảo phong phú, trải dài từ vùng biển Quảng Ninh đến Kiên Giang. Theo thống kê, ven bờ nước ta có 2.773 đảo lớn, nhỏ các loại với tổng diện tích vào khoảng 1.700 km2. Trong đó có 24 đảo có diện tích tương đối lớn (trên 10km2), 82 đảo có diện tích lớn hơn 1km2 và khoảng 1.400 đảo chưa có tên. Đặc biệt có ba đảo có diện tích trên 100km2 là Phú Quốc, Cái Bầu và Cát Bà.
Bên cạnh đó, các tỉnh ven biển nước ta còn có nhiều thế mạnh khác trong đất liền như các di tích, danh lam thắng cảnh, các làng nghề truyền thống, các lễ hội. Hiện nay Việt Nam có đến 6/7 di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới được UNESCO công nhận đều nằm ở các tỉnh ven biển (Quảng Ninh, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình) nên sẽ là điều kiện thuận lợi để du lịch biển phát triển mạnh hơn. Hệ thống cảng biển của nước ta hiện nay đủ tiêu chuẩn để đón các tàu khách quốc tế cỡ lớn.
Sự kết hợp hài hoà giữa cảnh quan tự nhiên với cảnh quan văn hoá - xã hội của biển, vùng ven biển và các hải đảo cùng với điều kiện thuận lợi về vị trí, địa hình của vùng ven biển đã tạo cho du lịch biển có lợi thế phát triển hơn hẳn so với nhiều loại hình du lịch khác trên đất liền.
3. Nguồn nhân lực dồi dào ven biển là một nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định kết quả khai thác tiềm năng nguồn lợi biển
Với số dân hơn 20 triệu người đang sinh sống, các vùng ven biển và đảo của Việt Nam đang có lực lượng lao động khoảng 12,8 triệu người, chiếm 35,47% lao động cả nước. Đây là nguồn nhân lực quan trọng đối với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.