Giải pháp về xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn công ty kiểm toán được kiểm

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiện kiểm soát chất lượng từ bên ngoài đối với hoạt động kiểm toán độc lập tại việt nam (Trang 80)

b. Đối với công ty kiểm toán không cung cấp dịch vụ kiểm toán cho đơn vị có

3.2.2.2. Giải pháp về xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn công ty kiểm toán được kiểm

tra hàng năm và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý

Trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên và công ty kiểm toán thường xuyên phải đối mặc với rủi ro. Vì vậy, việc Bộ Tài chính, UBCKNN và VACPA áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong KSCL từ bên ngoài đối với hoạt động KTĐL là hoàn toàn phù hợp. Trong những năm qua, việc lựa chọn công ty kiểm toán được kiểm tra hàng năm đều

gặp phải những tranh cãi nhất định như “KSCL kiểm toán: Tại sao lại chọn doanh nghiệp nhỏ?”, “KSCL kiểm toán: Bỏ lớn bắt nhỏ”... Do đó, Bộ Tài chính, UBCKNN và VACPA cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá khác nhau về những rủi ro trong KSCL để từ đó làm căn cứ lựa chọn công ty kiểm toán được kiểm tra hàng năm và lựa chọn hợp đồng kiểm toán khi kiểm tra trực tiếp nhằm tránh được những yếu tố cảm tính, cũng như tăng tính công bằng, rõ ràng, minh bạch. Thực tế cho thấy, việc áp dụng kiểm tra trực tiếp trên cơ sở phân tích và quản lý rủi ro trong KSCL kiểm toán là cách tiếp cận đúng đắn, phù hợp với xu hướng quản lý nhà nước hiện đại.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, UBCKNN và VACPA cần đưa ứng dụng công nghệ thông tin và phần mềm phân tích rủi ro chất lượng kiểm toán vào phục vụ công tác lập kế hoạch kiểm tra trực tiếp hàng năm nhằm đánh giá rủi ro các công ty kiểm toán. Tác giả đưa ra một bộ tiêu chí tĩnh và đề xuất làm nền tảng để đánh giá rủi ro dựa trên 2 nguyên tắc: (1) đánh giá lịch sử tuân thủ pháp luật về kiểm toán của công ty kiểm toán; (2) dựa trên phân loại quy mô công ty kiểm toán, doanh thu và khách hàng. Từ đó, Bộ Tài chính, UBCKNN và VACPA cần áp dụng những ngưỡng chỉ tiêu cụ thể để xác định các nhóm công ty kiểm toán có dấu hiệu rủi ro yêu cầu kiểm tra trực tiếp.

Tuy nhiên, quản lý rủi ro không chỉ dựa trên những ngưỡng nhất định mà còn dựa vào cả những tài liệu khác mà Bộ Tài chính, UBCKNN và VACPA thu thập được, như: tài liệu từ bên thứ ba (như có thông tin phản ánh, tố giác về hành vi cạnh tranh không lành mạnh để thu hút khách hàng hoặc làm tổn hại đến lợi ích của các doanh nghiệp kiểm toán khác); các thông tin trên mạng internet (như BCTC đã kiểm toán được công bố có dấu hiệu sai phạm kết quả dịch vụ hoặc vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan trong quá trình hoạt động và cung cấp dịch vụ kiểm toán); cơ sở dữ liệu ngành kiểm toán (như có tranh chấp lớn giữa các thành viên góp vốn hoặc biến động lớn về kiểm toán viên hành nghề của doanh nghiệp kiểm toán dẫn đến có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng dịch vụ kiểm toán của doanh

nghiệp kiểm toán, cung cấp hợp đồng dịch vụ kiểm toán có khả năng có rủi ro kiểm toán lớn thay thế cho hợp đồng dịch vụ kiểm toán do một doanh nghiệp kiểm toán khác cung cấp cho cùng một khách hàng mà không có lý do chính đáng);… và tất cả các yếu tố của bản thân công ty kiểm toán sau đây để tạo ra một môi trường tối đa hóa khả năng mà các cuộc kiểm toán chất lượng được thực hiện trên cơ sở phù hợp: các yếu tố đầu vào, quy trình, các yếu tố đầu ra, những tương tác trong chuỗi cung ứng BCTC, các yếu tố trong môi trường của các công ty kiểm toán như đã nghiên cứu ở chương 1. Tất cả các thông tin đầu vào này cần được tích hợp vào một hệ thống thông tin quản lý chung của toàn ngành kiểm toán và chi tiết theo từng công ty kiểm toán tại Việt Nam. Dựa vào hệ thống thông tin đầu vào này, Bộ Tài chính, UBCKNN và VACPA cần phải phân định, phân chia công ty kiểm toán thành các nhóm theo các cấp độ tuân thủ, khi đó mới có biện pháp quản lý, kiểm tra trực tiếp phù hợp và hiệu quả. Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý tối ưu hóa chi phí quản lý nói chung, chi phí kiểm tra nói riêng cũng như phân bổ các nguồn lực một cách hiệu quả, tránh lãng phí. Đồng thời, sẽ tăng tính hiệu quả của hoạt động kiểm tra, giúp cơ quan quản lý có những sự chuẩn bị và có nhiều thông tin hơn cũng như xác định chính xác phạm vi nội dung khi tiến hành kiểm tra tại trụ sở của công ty kiểm toán.

Tóm lại, Bộ Tài chính, UBCKNN và VACPA cần thu thập thông tin, dữ liệu liên quan đến chất lượng kiểm toán của công ty kiểm toán, xây dựng bộ tiêu chí KSCL kiểm toán, đánh giá việc tuân thủ pháp luật và chuẩn mực có liên quan của công ty kiểm toán. Từ đó, xây dựng phần mềm quản lý ứng dựng hệ thống thông tin thu thập được để đánh giá rủi ro về chất lượng kiểm toán, mức độ tuân thủ pháp luật và chuẩn mực có liên quan của công ty kiểm toán để lựa chọn đối tượng kiểm tra trực tiếp hàng năm, lựa chọn hợp đồng kiểm toán kiểm tra kỹ thuật và hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ khác trong KSCL kiểm toán.

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiện kiểm soát chất lượng từ bên ngoài đối với hoạt động kiểm toán độc lập tại việt nam (Trang 80)