d. Chi phí cho hoạt động kiểm tra
2.4.1. Ưu điểm trong công tác KSCL từ bên ngoài đối với hoạt động KTĐL
2.4.1.1. Các quy định pháp lý được ban hành tương đối đầy đủ
Cho đến nay trải qua chặng đường hơn 20 năm cải cách, hệ thống kiểm toán Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng kể, từng bước phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường, tiếp cận và hội nhập với kiểm toán khu vực và thế giới. Thành tựu lớn nhất đạt được là đã có hệ thống pháp lý về kiểm toán thống nhất: Luật KTĐL có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 ngày 2012, tiếp theo đó đã ban hành các Nghị định 17/2012/NĐ-CP ngày 13/02/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KTĐL, Nghị định 105/2004/NĐ-CP ngày 30/03/2004 về KTĐL, xây dựng và ban hành hệ thống ba mươi bảy (37) CMKiT mới có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014. Có thể nói hệ thống văn bản pháp luật về kiểm toán đã được cải cách căn bản đã và đang đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tốt.
Mặc khác, hành lang pháp lý về việc KSCL kiểm toán cũng được nâng cao như Quyết định 47/2005/QĐ-CP ngày 14/07/2005 về việc "Chuyển giao cho Hội nghề nghiệp thực hiện một số nội dung công việc quản lý hành nghề kế toán, kiểm toán"; Quyết định số 32/2007/QĐ-BTC ngày 15/05/2007 về việc ban hành “Quy chế KSCL dịch vụ kế toán, kiểm toán” và Nghị định số 105/2013/NĐ-CP ngày 16/09/2013 quy định xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, KTĐL... góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và
mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư và người sử dụng báo cáo, đảm bảo sự minh bạch và nâng cao độ tin cậy thông tin số liệu kế toán, tạo nên sự phát triển và hội nhập của hệ thống kiểm toán Việt Nam với khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, Thông tư số 183/2013/TT-BTC về KTĐL đối với đơn vị có lợi ích công chúng ra đời được đánh giá là giải pháp góp phần nâng cao hiệu lực pháp lý và hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động KTĐL, bảo đảm kiểm toán là công cụ quản lý, góp phần lành mạnh hóa, minh bạch thông tin kinh tế, tài chính theo đúng chủ trương cải cách kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng XHCN và tiến trình hội nhập. Thông tư cũng tạo cơ hội để mở rộng thị trường dịch vụ kiểm toán, tăng cường chất lượng dịch vụ, tạo lập vị thế cho Hội nghề nghiệp để hỗ trợ cơ quan nhà nước quản lý hoạt động KTĐL. So với Quyết định số 89/2007/QĐ-BTC, Thông tư 183/BTC đã thắt chặt hơn các quy định về hoạt động kiểm toán đối với các đơn vị có lợi ích công chúng. Một số quy định mới đã được bổ sung như nâng cao điều kiện của tổ chức kiểm toán được chấp thuận, bổ sung thêm trường hợp không được xem xét, chấp thuận, bổ sung quy định về nghĩa vụ của tổ chức kiểm toán và Kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận, nghĩa vụ của đơn vị có lợi ích công chúng, về trách nhiệm giám sát, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2.4.1.2. Vai trò của VACPA ngày càng được nâng cao
Sau 9 năm xây dựng và phát triển, với khoảng thời gian chưa phải là dài, nhưng cũng không thật ngắn, VACPA đã xây dựng, phát triển và trưởng thành nhanh chóng. Quy
mô Hội ngày càng mở rộng, đến nay số hội viên là kiểm toán viên đã lên đến gần 1500 người gấp 5 lần khi mới thành lập (mỗi năm tăng thêm 100 - 150 hội viên). VACPA đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực KTĐL ở Việt Nam và phối hợp với Bộ Tài chính duy trì đều đặn việc tổ chức Họp thường niên với Giám đốc các công ty kiểm toán đang hoạt động tại Việt Nam. VACPA đã phát triển và trưởng thành vượt bậc, tổ chức Hội ngày càng được củng cố, hoạt động ngày càng đa dạng, thiết thực, tính chuyên nghiệp ngày càng cao. VACPA đã xác lập được vị thế trong xã hội, được các hội viên, các công ty kiểm toán, các hội nghề nghiệp quốc tế tin cậy và ủng hộ, được xã hội, các cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp thừa nhận.
2.4.2. Tồn tại trong thực tiễn của công tác KSCL từ bên ngoài đối với hoạt động
KTĐL
2.4.2.1. Tồn tại về mô hình tổ chức KSCL từ bên ngoài
Việc thực hiện KSCL hoạt động KTĐL tại Việt Nam hiện nay được thực hiện bởi 3 tổ chức khác nhau là Bộ Tài chính, UBCKNN và VACPA. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có cơ chế rõ ràng về trách nhiệm và chức năng của từng tổ chức. Trên thực tế,
VACPA được giao nhiệm vụ trợ giúp Bộ Tài chính để thực hiện việc quản lý, giám sát
các công ty kiểm toán, nhưng chưa có cơ chế rõ ràng về quyền hạn và chức năng của
VACPA khi thực hiện nhiệm vụ này. Mặc dù vai trò của VACPA kiểm toán đã được
thừa nhận và coi trọng, nhưng việc tổ chức hoạt động và quản lý hoạt động KTĐL tại Việt Nam vẫn dựa trên nền tảng chủ yếu phục vụ cho quản lý Nhà nước nên vai trò của
VACPA trong những năm qua ở nước ta không giống như các quốc gia nơi mà có nền
kinh tế thị trường phát triển, kinh tế tư nhân giữ vai trò chủ đạo. Do đó, việc ủy quyền cho VACPA tổ chức thực hiện việc KSCL dịch vụ kiểm toán cho tất cả các công ty kiểm toán là quá sức và ôm không xuể. Ngoài ra, tất cả các quyết định xử lý đều phải thuộc về trách nhiệm của Bộ tài chính, nên sau khi thực hiện kiểm tra chất lượng thì VACPA phải báo cáo các hành vi vi phạm được phát hiện cho Bộ Tài chính để tiến
hành xử phạt. Điều này làm cho việc xử phạt không được kịp thời và không liên kết mật thiết với việc kiểm tra chất lượng, dẫn đến những vi phạm của năm này nhưng đến năm sau vẫn chưa được xử lý hoặc những vi phạm của năm này thì năm sau vẫn tiếp tục lặp lại nhưng không có bất cứ sự răng đe nào mang tính pháp lý để xử lý các trường hợp này. Như vậy, chức năng quản lý nhà nước trong việc KSCL dịch vụ kiểm toán hiện nay là chưa cao.
Bên cạnh đó, ở Việt Nam theo quy định hiện hành thì UBCK trực thuộc Bộ Tài chính, tương đương với cấp vụ. Chủ tịch UBCK do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, miễn nhiệm. Từ quy định đó cho thấy vai trò, vị thế và tính độc lập trong tổ chức, hoạt động của UBCK không cao. Từ đó dẫn đến quyền lực thực tế của Ủy ban Chứng khoán tại Việt Nam cũng bị hạn chế hơn so với một số nước trên thế giới. Các quyền hạn của UBCK được quy định còn chung chung và thiếu những quyền năng cụ thể để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan này trong việc KSCL kiểm toán. Mặt khác, bên cạnh UBCK còn có Bộ Tài chính (Vụ chế độ Kế toán và Kiểm toán) và VACPA thực hiện KSCL kiểm toán cho các công ty có lợi ích công chúng, do vậy không tránh khỏi sự chồng chéo, mâu thuẫn, từ đó cũng làm hạn chế thẩm quyền của UBCK. Việc giám sát và đánh giá chất lượng và hiệu quả của các báo cáo kiểm toán của các công ty niêm yết của UBCKNN chủ yếu mang tính chất “hậu kiểm” khi có ý kiến phản hồi từ phía các nhà đầu tư, các cổ đông.
2.4.2.2. Tồn tại về chương trình KSCL từ bên ngoài
Thời hạn kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán
Thời gian KSCL dịch vụ ở một công ty kiểm toán, theo Quyết định 32 quy định kiểm tra định kỳ 3 năm một lần là chưa sát với thực tế. Những công ty đã bảo đảm chất lượng dịch vụ tốt thì 3 năm kiểm tra một lần cũng không thật cần thiết. Trong khi các công ty kiểm tra không đạt yêu cầu phải đợi 3 năm sau mới tiến hành kiểm tra tiếp...
Ngoài ra, đối với các công ty kiểm toán cho công ty đại chúng có số lượng khách hàng lớn thì thời gian này là không phù hợp bởi lẽ đây là những công ty mà chất lượng kiểm toán cần được kiểm soát một cách nghiêm ngặt. Điều này đòi hỏi, liệu VACPA có tổ chức kiểm tra đầy đủ tất cả các công ty này không và nguồn nhân lực bổ sung cho việc tổ chức kiểm tra như thế nào, hay chỉ là tổ chức kiểm tra một phần trực tiếp và một phần kiểm tra gián tiếp, mà hình thức kiểm tra gián tiếp đang được đánh giá là mang lại hiệu quả không cao.
Chương trình KSCL được thiết kế chung cho tất cả công ty kiểm toán
Ở Việt Nam chỉ có một bộ quy chế KSCL dịch vụ kiểm toán áp dụng chung cho tất cả các công ty KTĐL chứ không có quy định riêng cho nhóm công ty không cung cấp dịch vụ kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng, nên họ bị thiệt thòi, dẫn tới hầu hết các công ty đó đều không đạt yêu cầu. Đây là điều chưa phù hợp bởi KTĐL là một ngành đặc biệt, nên khi phân loại doanh nghiệp kiểm toán thì không chỉ phân loại theo chiều dọc là doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa như trong cơ cấu doanh nghiệp để có chính sách riêng theo như luật doanh nghiệp; mà còn phân loại theo chiều ngang là doanh nghiệp kiểm toán có cung cấp dịch vụ cho đơn vị có lợi ích công chúng và doanh nghiệp kiểm toán không cung cấp dịch vụ cho đơn vị có lợi ích công chúng để áp dụng KSCL kiểm toán cho phù hợp.
Hình thức kiểm tra gián tiếp không mang lại hiệu quả
Hiện nay, kiểm tra chất lượng dịch vụ thực hiện theo hai hình thức là kiểm tra trực tiếp và kiểm tra gián tiếp. Theo điều 7 của Quyết định số 32 thì “Kiểm tra gián tiếp là doanh nghiệp tự tổ chức kiểm tra hồ sơ, tài liệu và lập Báo cáo kết quả kiểm tra theo quy định. Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm soát lại kết quả kiểm tra của doanh nghiệp hoặc trực tiếp kiểm tra lại một số nội dung khi cần thiết.” Tuy nhiên, theo tác giả, đây là một biện pháp kiểm soát mang tính phát hiện để doanh nghiệp kiểm toán tự kiểm tra
và xử lý các sai phạm nếu có đồng thời có biện pháp sửa chữa, khắc phục các sai sót phát hiện ra sau kiểm tra chứ không phải là biện pháp kiểm soát mang tính phát hiện để VACPA kiểm soát được chất lượng của các doanh nghiệp kiểm toán. Bởi lẽ, nó vi phạm nguyên tắc bất kiêm nhiệm và nguy cơ tự bào chữa vì doanh nghiệp kiểm toán đang tự kiểm tra lại công việc của chính các đồng nghiệp trong nội bộ doanh nghiệp của mình, làm mất đi tính độc lập và khách quan trong Báo cáo kết quả kiểm tra.
Thời gian một cuộc kiểm tra quá ngắn
Theo điều 16 của Quyết định số 32 thì “thời gian một cuộc kiểm tra trực tiếp chỉ được tiến hành tối đa 4 ngày làm việc”. Tuy nhiên, trong thực tế khi thực hiện kiểm tra thì thời gian tiến hành kiểm tra chỉ ở mức tiệm cận dưới nghĩa là mỗi công ty được kiểm tra chỉ từ 1 đến 2 ngày. Khoảng thời gian này là rất ngắn để thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy trình thực hiện kiểm tra từ hệ thống KSCL đến việc tuân thủ CMKiT để thống nhất kết quả chấm điểm của cuộc kiểm tra; nó không đủ để có thể phát hiện ra những hạn chế, sai phạm trong quá trình thực hiện công tác kinh doanh của các công ty KTĐL một cách cụ thể, rõ ràng. Chưa kể đến quá trình chia sẻ kinh nghiệm và sự hiểu biết chuyên môn, nghề nghiệp, các kỹ thuật kiểm toán giữa các thành viên đoàn kiểm tra và công ty được kiểm tra sẽ bị hạn chế về thời gian. Dẫn đến kết quả của công tác KSCL bên ngoài sẽ không đi sâu vào từng cuộc kiểm tra dễ gây thiếu sót trong việc phát hiện vi phạm và sai sót của công ty kiểm toán vì cũng như một cuộc kiểm toán thông thường thì cuộc KSCL kiểm toán cũng chứa đựng những rủi ro của nó. Việc thời gian thực hiện kiểm tra thực tế quá ngắn có thể là do hai nguyên nhân sau: nguồn nhân lực phục vụ tham gia đoàn kiểm tra hàng năm quá ít, không đủ chia ra để thực hiện cho kịp tiến độ thời gian hoàn thành tất cả các cuộc kiểm tra; hoặc chi phí tài trợ cho hoạt động kiểm tra quá thấp nên không đủ chi phí tài trợ cho hoạt động kiểm tra được thực hiện dài ngày hơn.
Theo Điều 20 của Quyết định số 32 thì “Các hợp đồng được lựa chọn để kiểm tra phải bao trùm được các dịch vụ kiểm toán và các dịch vụ đảm bảo khác của doanh nghiệp được kiểm tra”. Tuy nhiên trong thực tế, việc kiểm tra tra chất lượng qua các năm nay vẫn tập trung kiểm tra dịch vụ kiểm toán BCTC và chất lượng BCTC được kiểm toán, mà không kiểm tra hồ sơ kiểm toán xây dựng cơ bản hay dịch vụ khác. Điều này là do đến nay VACPA vẫn chưa ban hành Bảng chấm điểm Hồ sơ kiểm toán Báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, hoạt động này chiếm 10% trong tổng doanh thu của ngành kiểm toán và chiếm tỷ trọng lớn tại một số công ty kiểm toán cụ thể như doanh thu từ dịch vụ kiểm toán xây dựng cơ bản năm 2012 của AASC là 24,7 tỷ đồng, AISC là 19 tỷ đồng, A&C là 17,9 tỷ đồng. Như vậy, công tác KSCL kiểm toán của VACPA và Bộ Tài chính đang bị lõng lẽo ở loại hình dịch vụ kiểm toán này.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn hợp đồng để kiểm tra tại một cuộc kiểm tra trực tiếp chỉ yêu cầu là “ít nhất có 3 hợp đồng được lựa chọn để soát xét”, do đó, khi thực hiện kiểm tra trực tiếp thì đoàn kiểm tra lựa chọn từ 3 đến 5 hồ sơ kiểm toán BCTC. Công ty kiểm toán được đề xuất 1 hồ sơ và các hồ sơ còn lại do đoàn chọn ngẫu nhiên từ danh sách báo cáo kiểm toán đã phát hành của công ty. Bằng việc tự chọn trước hợp đồng để kiểm tra thì đa số các công ty kiểm toán trước khi cung cấp hồ sơ cho kiểm tra viên đã xem lại và bổ sung hoàn thiện lại trước khi cung cấp cho kiểm tra viên. Như vậy, số lượng các hồ sơ ngẫu nhiên được chọn trong từng cuộc kiểm tra rất ít, chiếm tỷ lệ rất bé trong tổng số lượng báo cáo phát hành của một công ty kiểm toán và số lượng hồ sơ này sẽ đại diện cho chất lượng kiểm toán của công ty kiểm toán trong thời gian mấy năm được kiểm tra định kỳ. Điều này rất dễ dẫn đến trường hợp mẫu không đại diện cho tổng thể, dẫn đến kết quả kiểm tra không bao quát được hết những tồn tại trong chất lượng kiểm toán của công ty được kiểm tra.
Lựa chọn công ty kiểm toán được kiểm tra hàng năm quá ít và tiêu chí
Các đợt kiểm tra chất lượng kiểm toán những năm gần đây số lượng công ty kiểm toán được kiểm tra trực tiếp hàng năm ngày càng thấp. Đặc biệt là năm 2013, theo yêu cầu của Bộ Tài chính, đợt kiểm tra chất lượng dịch vụ được tiến hành với 15 công ty kiểm toán. Trong đó, có 3 công ty đủ điều kiện kiểm toán doanh nghiệp niêm yết, 12 công ty chưa đủ điều kiện kiểm toán doanh nghiệp niêm yết. Cũng theo VACPA, số doanh nghiệp kiểm toán được kiểm tra chất lượng chỉ chiếm 1/10 số công ty đang hoạt động và doanh thu ước tính của các công ty này chỉ chiếm khoảng 2% doanh thu toàn ngành. Có nghĩa là doanh nghiệp được kiểm tra đợt này là khá ít và đều có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp. Số công ty kiểm toán cũng như số lượng kiểm toán viên được kiểm