d. Chi phí cho hoạt động kiểm tra
2.4.2.2. Tồn tại về chương trình KSCL từ bên ngoài
Thời hạn kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán
Thời gian KSCL dịch vụ ở một công ty kiểm toán, theo Quyết định 32 quy định kiểm tra định kỳ 3 năm một lần là chưa sát với thực tế. Những công ty đã bảo đảm chất lượng dịch vụ tốt thì 3 năm kiểm tra một lần cũng không thật cần thiết. Trong khi các công ty kiểm tra không đạt yêu cầu phải đợi 3 năm sau mới tiến hành kiểm tra tiếp...
Ngoài ra, đối với các công ty kiểm toán cho công ty đại chúng có số lượng khách hàng lớn thì thời gian này là không phù hợp bởi lẽ đây là những công ty mà chất lượng kiểm toán cần được kiểm soát một cách nghiêm ngặt. Điều này đòi hỏi, liệu VACPA có tổ chức kiểm tra đầy đủ tất cả các công ty này không và nguồn nhân lực bổ sung cho việc tổ chức kiểm tra như thế nào, hay chỉ là tổ chức kiểm tra một phần trực tiếp và một phần kiểm tra gián tiếp, mà hình thức kiểm tra gián tiếp đang được đánh giá là mang lại hiệu quả không cao.
Chương trình KSCL được thiết kế chung cho tất cả công ty kiểm toán
Ở Việt Nam chỉ có một bộ quy chế KSCL dịch vụ kiểm toán áp dụng chung cho tất cả các công ty KTĐL chứ không có quy định riêng cho nhóm công ty không cung cấp dịch vụ kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng, nên họ bị thiệt thòi, dẫn tới hầu hết các công ty đó đều không đạt yêu cầu. Đây là điều chưa phù hợp bởi KTĐL là một ngành đặc biệt, nên khi phân loại doanh nghiệp kiểm toán thì không chỉ phân loại theo chiều dọc là doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa như trong cơ cấu doanh nghiệp để có chính sách riêng theo như luật doanh nghiệp; mà còn phân loại theo chiều ngang là doanh nghiệp kiểm toán có cung cấp dịch vụ cho đơn vị có lợi ích công chúng và doanh nghiệp kiểm toán không cung cấp dịch vụ cho đơn vị có lợi ích công chúng để áp dụng KSCL kiểm toán cho phù hợp.
Hình thức kiểm tra gián tiếp không mang lại hiệu quả
Hiện nay, kiểm tra chất lượng dịch vụ thực hiện theo hai hình thức là kiểm tra trực tiếp và kiểm tra gián tiếp. Theo điều 7 của Quyết định số 32 thì “Kiểm tra gián tiếp là doanh nghiệp tự tổ chức kiểm tra hồ sơ, tài liệu và lập Báo cáo kết quả kiểm tra theo quy định. Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm soát lại kết quả kiểm tra của doanh nghiệp hoặc trực tiếp kiểm tra lại một số nội dung khi cần thiết.” Tuy nhiên, theo tác giả, đây là một biện pháp kiểm soát mang tính phát hiện để doanh nghiệp kiểm toán tự kiểm tra
và xử lý các sai phạm nếu có đồng thời có biện pháp sửa chữa, khắc phục các sai sót phát hiện ra sau kiểm tra chứ không phải là biện pháp kiểm soát mang tính phát hiện để VACPA kiểm soát được chất lượng của các doanh nghiệp kiểm toán. Bởi lẽ, nó vi phạm nguyên tắc bất kiêm nhiệm và nguy cơ tự bào chữa vì doanh nghiệp kiểm toán đang tự kiểm tra lại công việc của chính các đồng nghiệp trong nội bộ doanh nghiệp của mình, làm mất đi tính độc lập và khách quan trong Báo cáo kết quả kiểm tra.
Thời gian một cuộc kiểm tra quá ngắn
Theo điều 16 của Quyết định số 32 thì “thời gian một cuộc kiểm tra trực tiếp chỉ được tiến hành tối đa 4 ngày làm việc”. Tuy nhiên, trong thực tế khi thực hiện kiểm tra thì thời gian tiến hành kiểm tra chỉ ở mức tiệm cận dưới nghĩa là mỗi công ty được kiểm tra chỉ từ 1 đến 2 ngày. Khoảng thời gian này là rất ngắn để thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy trình thực hiện kiểm tra từ hệ thống KSCL đến việc tuân thủ CMKiT để thống nhất kết quả chấm điểm của cuộc kiểm tra; nó không đủ để có thể phát hiện ra những hạn chế, sai phạm trong quá trình thực hiện công tác kinh doanh của các công ty KTĐL một cách cụ thể, rõ ràng. Chưa kể đến quá trình chia sẻ kinh nghiệm và sự hiểu biết chuyên môn, nghề nghiệp, các kỹ thuật kiểm toán giữa các thành viên đoàn kiểm tra và công ty được kiểm tra sẽ bị hạn chế về thời gian. Dẫn đến kết quả của công tác KSCL bên ngoài sẽ không đi sâu vào từng cuộc kiểm tra dễ gây thiếu sót trong việc phát hiện vi phạm và sai sót của công ty kiểm toán vì cũng như một cuộc kiểm toán thông thường thì cuộc KSCL kiểm toán cũng chứa đựng những rủi ro của nó. Việc thời gian thực hiện kiểm tra thực tế quá ngắn có thể là do hai nguyên nhân sau: nguồn nhân lực phục vụ tham gia đoàn kiểm tra hàng năm quá ít, không đủ chia ra để thực hiện cho kịp tiến độ thời gian hoàn thành tất cả các cuộc kiểm tra; hoặc chi phí tài trợ cho hoạt động kiểm tra quá thấp nên không đủ chi phí tài trợ cho hoạt động kiểm tra được thực hiện dài ngày hơn.
Theo Điều 20 của Quyết định số 32 thì “Các hợp đồng được lựa chọn để kiểm tra phải bao trùm được các dịch vụ kiểm toán và các dịch vụ đảm bảo khác của doanh nghiệp được kiểm tra”. Tuy nhiên trong thực tế, việc kiểm tra tra chất lượng qua các năm nay vẫn tập trung kiểm tra dịch vụ kiểm toán BCTC và chất lượng BCTC được kiểm toán, mà không kiểm tra hồ sơ kiểm toán xây dựng cơ bản hay dịch vụ khác. Điều này là do đến nay VACPA vẫn chưa ban hành Bảng chấm điểm Hồ sơ kiểm toán Báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, hoạt động này chiếm 10% trong tổng doanh thu của ngành kiểm toán và chiếm tỷ trọng lớn tại một số công ty kiểm toán cụ thể như doanh thu từ dịch vụ kiểm toán xây dựng cơ bản năm 2012 của AASC là 24,7 tỷ đồng, AISC là 19 tỷ đồng, A&C là 17,9 tỷ đồng. Như vậy, công tác KSCL kiểm toán của VACPA và Bộ Tài chính đang bị lõng lẽo ở loại hình dịch vụ kiểm toán này.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn hợp đồng để kiểm tra tại một cuộc kiểm tra trực tiếp chỉ yêu cầu là “ít nhất có 3 hợp đồng được lựa chọn để soát xét”, do đó, khi thực hiện kiểm tra trực tiếp thì đoàn kiểm tra lựa chọn từ 3 đến 5 hồ sơ kiểm toán BCTC. Công ty kiểm toán được đề xuất 1 hồ sơ và các hồ sơ còn lại do đoàn chọn ngẫu nhiên từ danh sách báo cáo kiểm toán đã phát hành của công ty. Bằng việc tự chọn trước hợp đồng để kiểm tra thì đa số các công ty kiểm toán trước khi cung cấp hồ sơ cho kiểm tra viên đã xem lại và bổ sung hoàn thiện lại trước khi cung cấp cho kiểm tra viên. Như vậy, số lượng các hồ sơ ngẫu nhiên được chọn trong từng cuộc kiểm tra rất ít, chiếm tỷ lệ rất bé trong tổng số lượng báo cáo phát hành của một công ty kiểm toán và số lượng hồ sơ này sẽ đại diện cho chất lượng kiểm toán của công ty kiểm toán trong thời gian mấy năm được kiểm tra định kỳ. Điều này rất dễ dẫn đến trường hợp mẫu không đại diện cho tổng thể, dẫn đến kết quả kiểm tra không bao quát được hết những tồn tại trong chất lượng kiểm toán của công ty được kiểm tra.
Lựa chọn công ty kiểm toán được kiểm tra hàng năm quá ít và tiêu chí
Các đợt kiểm tra chất lượng kiểm toán những năm gần đây số lượng công ty kiểm toán được kiểm tra trực tiếp hàng năm ngày càng thấp. Đặc biệt là năm 2013, theo yêu cầu của Bộ Tài chính, đợt kiểm tra chất lượng dịch vụ được tiến hành với 15 công ty kiểm toán. Trong đó, có 3 công ty đủ điều kiện kiểm toán doanh nghiệp niêm yết, 12 công ty chưa đủ điều kiện kiểm toán doanh nghiệp niêm yết. Cũng theo VACPA, số doanh nghiệp kiểm toán được kiểm tra chất lượng chỉ chiếm 1/10 số công ty đang hoạt động và doanh thu ước tính của các công ty này chỉ chiếm khoảng 2% doanh thu toàn ngành. Có nghĩa là doanh nghiệp được kiểm tra đợt này là khá ít và đều có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp. Số công ty kiểm toán cũng như số lượng kiểm toán viên được kiểm tra năm nay là quá nhỏ so với con số mà Quy chế KSCL dịch vụ kiểm toán đặt ra (mỗi năm, phải kiểm tra 1/3 số kiểm toán viên và công ty kiểm toán đang hoạt động, nghĩa là phải kiểm tra từ 30 - 40 công ty trên 120 công ty đang hoạt động). Ngay đợt rà soát BCTC của 100 công ty đại chúng cách đây không lâu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, tình trạng chưa tuân thủ tốt các chuẩn mực kế toán, kiểm toán trên BCTC sau kiểm toán của công ty đại chúng là khá phổ biến. Vậy nhưng, việc KSCL dịch vụ kiểm toán năm nay chỉ được tiến hành với 3 doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận có quy mô nhỏ và như vậy, kết quả kiểm tra sẽ chỉ cho thấy một phần nhỏ bức tranh chất lượng dịch vụ kiểm toán trên thị trường.
Giai đoạn theo dõi sau kiểm tra còn chưa thường xuyên và hiệu quả
Theo quy định tại Quyết định số 32/2007/QĐ-BTC sau khi thực hiện việc kiểm tra, biên bản kết quả kiểm tra của từng công ty KTĐL đã được lập và giao cho từng công ty xử lý. Bộ phận thư ký của Hội tiến hành tổng hợp kết quả kiểm tra hàng năm và phổ biến cho tất cả các công ty biết để rút ra kinh nghiệm chung.
Tuy nhiên trên thực tế thì tình trạng nhiều công ty công ty KTĐL vẫn chưa thực sự nghiêm túc trong việc sửa chữa những hạn chế mà VAPCA phát hiện qua các cuộc KSCL kiểm toán tại đơn vị là còn nhiều. Một số công ty được kiểm tra vấn mắc phải
các sai phạm năm trước. Điều đó thể hiện các công ty được kiểm tra lại hoặc chưa được kiểm tra chưa nghiêm túc rút kinh nghiệm để xây dựng quy trình KSCL và quy trình thực hiện dịch vụ kiểm toán tốt hơn. Mặc dù, kết thúc các đợt kiểm tra hàng năm, nhằm rút kinh nghiệm rộng rãi đến các công ty kiểm toán, VAPCA đều tổ chức Tọa đàm về các sai sót thường gặp qua KSCL, phương hướng và biện pháp khắc phục. Đối với việc xử lý hậu kiểm tra, trong một thời gian dài, quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán chưa được quy định và hướng dẫn cụ thể nên Ban KSCL dịch vụ kiểm toán (VACPA) khó khăn trong việc xác định các hành vi sai phạm và kiến nghị, đề xuất hình thức xử phạt với Bộ Tài chính. Ngay cả đợt kiểm tra chất lượng kiểm toán năm 2012, VACPA cũng chưa đưa ra được các kiến nghị xử phạt với các trường hợp vi phạm, do Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán có hiệu lực từ 01/12/2013 không áp dụng cho mùa kiểm tra kết thúc vào cuối tháng 11/2013.
Chi phí cho hoạt động kiểm tra
Việc quy định chi phí cho hoạt động kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán, Hội nghề nghiệp được thu một khoản thu trên đầu người đăng ký hành nghề kiểm toán hàng năm là chưa thực sự hợp lý do không phân biệt quy mô công ty kiểm toán về số lượng khách hàng và cũng không phân biệt đối tượng khách hàng mà công ty kiểm toán cung cấp dịch vụ có là đơn vị có lợi ích công chúng hay không. Điều này khác với so với thông lệ quốc tế được trình bày ở chương 1.
Tổ chức Đoàn kiểm tra
Tại Điều 11, Quyết định số 32 có quy định “Cơ quan kiểm tra phải thành lập Đoàn kiểm tra bao gồm cán bộ của Bộ Tài chính, người hành nghề kế toán, kiểm toán viên hành nghề huy động từ các doanh nghiệp và cán bộ của Hội nghề nghiệp. Việc huy động người hành nghề kế toán, kiểm toán viên hành nghề từ các doanh nghiệp kế toán,
kiểm toán kết thúc vào hết năm 2010.” Tuy nhiên không gắn chặt trách nhiệm cung cấp nguồn nhân lực kiểm toán viên hành nghề từ các công ty kiểm toán, đặc biệt là các công ty kiểm toán đạt kết quả kiểm tra đạt yêu cầu từ các năm trước. Điều này dễ gây đến thiếu hụt lực lượng tham gia vào Đoàn kiểm tra.
Kết luận chương 2
Trong chương này tập trung trình bày 3 nhóm nội dung chính, đó là thực trạng về hệ thống pháp luật về KSCL hoạt động KTĐL từ bên ngoài; thực trạng về KSCL hoạt động KTĐL từ bên ngoài tại Việt Nam hiện nay và quá trình khảo sát trên thực tế về nội dung đang nghiên cứu. Bài viết đã nhận định quá trình KSCL kiểm toán tại Việt Nam trong nhiều năm qua có những khác biệt cơ bản so với thông lệ quốc tế và nhận diện những hạn chế của mô hình hoạt động quản lý này.
Thêm vào đó, để giúp minh chứng cho thực trạng được rõ nét, phần cuối của chương là nội dung khảo sát trên thực tế về KSCL từ bên ngoài tại các đơn vị kiểm toán. Kết quả thu được đã chứng minh rõ ràng, có tính thuyết phục cao về thực trạng KSCL hiện tại, cũng qua đó, tác giả đã nhận định và rút ra những điểm hạn chế, khác biệt cũng như những điểm còn tồn tại tại Việt Nam, đây là cơ sở để có thể vận dụng mô hình kiểm soát của Hoa Kỳ. Đây chính là một phần cơ sở cho việ đề xuất các giải pháp trong chương sau của luận văn.
CHƯƠNG 3: PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG TỪ BÊN NGOÀI ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP VIỆT NAM