Xuất phát từ yêu cầu thực tế tại đơn vị, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, công tác kế toán quản trị bước đầu đã được quan tâm triển khai tại các đơn vị với các mức độ khác nhau.
a. Mặt được
- Công tác kế toán quản trị tại Tổng công ty mặc dù chưa được tổ chức đồng bộ và đầy đủ các nội dung nhưng cơ bản đã được thực hiện linh hoạt và sáng tạo tại Văn phòng Tổng công ty và các đơn vị thành viên phù hợp với mô hình Công ty Mẹ - Con có quy mô vừa và nhỏ. Thông qua các báo cáo quản trị được lập dựa trên yêu cầu của từng đơn vị thành viên của Tổng công ty đã cung cấp thông tin phục vụ hoạt động quản trị và hỗ trợ tích cực cho các nhà quản trị của Tổng công ty trong việc ra quyết định hiệu quả, kịp thời trong công tác quản trị doanh nghiệp như các báo cáo dự toán về chi phí, doanh thu, ngân sách thực hiện của từng bộ phận và đơn vị từ đó là căn cứ để phục vụ cho công tác quản trị doanh nghiệp, đầu tư và phát triển hoạt động SXKD tại doanh nghiệp.
- Việc thực hiện các báo cáo của kế toán quản trị được xác định là một yêu cầu cấp thiết, dựa trên các báo cáo tài chính để xác định và lập nên các báo cáo phục vụ công tác quản trị tại doanh nghiệp cụ thể về mặt định lượng tại từng bộ phận, từng khu vực. Qua đó hỗ trợ cho công tác điều hành hoạt động SXKD được kịp thời và hiệu quả hơn
b. Tồn tại và nguyên nhân
- Công tác kế toán quản trị tại SCPC chưa được thực hiện đồng bộ và quan tâm tại một số đơn vị thành viên của Tổng công ty.Lãnh đạo các đơn vị thành viên chủ yếu chú trọng đến công tác kế toán tài chính dẫn đến việc đánh giá, giám sát không được thống nhất và đầy đủ theo các nội dung, tiêu chuẩn, định mức nhằm đáp ứng được yêu cầu phân tích, đánh giá hoạt động SXKD trong từng đơn vị thành viên cũng như trong toàn Tổng công ty, các báo cáo kế toán quản trị được lập có nội dung đáp ứng theo yêu cầu quản trị một cách riêng lẻ, hạn chế, chưa có sự ổn định, liên kết giữa các thông tin để các nhà quản trị có căn cứ định hướng cho các hoạt động quản trị doanh nghiệp
- Các báo cáo kế toán quản trị được lập rời rạc có nội dung sơ lược, không hệ thống và thông tin từ báo cáo kế toán quản trị chưa kết nối với các yêu cầu phục vụ hoạt động quản lý tại doanh nghiệp, điều này trước tiên xuất phát từ nhận thức và trình độ quản lý của các nhà quản trị các cấp còn hạn chế, đa phần điều hành hoạt động các nội dung quản trị hiện đại gián tiếp dựa trên kinh nghiệm thực tiễn, chưa kịp thời được cập nhật tư duy và hình thức quản trị phù hợp với cơ chế thị trường.
- Hiện nay chưa có nhiều qui định, hướng dẫn của các cơ quan chức năng cũng như về việc thực hiện kế toán quản trị nói chung và kế toán trách nhiệm tại các doanh nghiệp, tính đến nay chỉ mới có Thông Tư 53/TT-BTC ngày 12/6/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn về tổ chức kế toán quản trị tại doanh nghiệp. Do vậy trong điều kiện là tập hợp của những doanh nghiệp vừa và nhỏ SCPC chưa chú trọng nhận thức một cách cụ thể và xác định được tính cấp thiết để xây dựng và hoàn thiện công tác kế toán quản trị, hệ thống báo cáo kế toán trách nhiệm nhằm đánh giá một cách cụ thể trách nhiệm của từng cấp quản lý trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được chuyển đổi sang mô hình Công ty TNHH một thành viên sau ngày 1/7/2010, thật sự lúng túng xung quanh vai trò của chủ sở hữu đang chưa rõ ràng, mặc dù đã có Nghị định 25/2010/NĐ-CP để điều chỉnh riêng cho loại hình doanh nghiệp này. Danh
nghĩa Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố là chủ sở hữu, giám sát nhưng mỗi dự án SCPC phải qua thẩm định hay báo cáo với hàng loạt cơ quan, ban ngành mới có thể triển khai dẫn đến nhiều khả năng làm lỡ cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp do vậy cũng chưa thể quy trách nhiệm được cho lãnh đạo đơn vị.