Đối với quan hệ giữa các Liên bang và tiểu bang

Một phần của tài liệu Công cuộc tái thiết nước mỹ (1863 - 1877) và tác động đến lịch sử nước mỹ (Trang 59)

7. Bố cục của khóa luận

2.2.2.3. Đối với quan hệ giữa các Liên bang và tiểu bang

Công cuộc Tái thiết ngoài giải quyết vấn đề nô lệ thì vấn đề sự trường tồn của Liên bang cũng được đặt ra. Tổng thống Lincoln tuyên bố rằng Liên bang là “vĩnh viễn”, do đó vấn đề ly khai là bất hợp pháp.

Theo Hiến chương Liên hiệp bang 1781, chính quyền Liên bang khi đó quyền lực bị chia sẻ cùng với chính quyền bang, khả năng thực thi quyền lực bị hạn hẹp. Quốc hội – cơ quan duy nhất của chính quyền liên bang ra đời từ Hiến chương Liên hợp bang. Tuy nhiên, bản Hiến chương này lại được viết lên từ các tiểu bang, do đó quyền lực của Quốc hội – chính quyền Liên bang là do tiểu bang trao quyền. Có thể nói cơ quan lập pháp quốc gia lúc bấy giờ phụ thuộc vào chính quyền tiểu bang.

Sau cuộc Nội chiến bước vào giai đoạn Tái thiết, Hoa Kỳ không còn là một liên minh các tiểu bang nữa mà trở thành một liên bang với một nhà nước duy nhất, quyền lực của các tiểu bang giới hạn ở những vấn đề địa phương. Đất nước này không phải là một tập hợp những bang bán độc lập mà là một khối thống nhất không thể tách rời.

Trước Nội chiến, mối quan hệ giữa chính quyền Liên bang và tiểu bang còn lỏng lẻo. Các bang tìm cách ly khai khỏi Liên bang bằng cách thông qua tòa án địa phương tuyên bố vô hiệu hóa một số luật của Liên bang.

Các chính sách Tái thiết cho thấy mối quan hệ giữa Liên bang và tiểu bang cần được đảm bảo bởi các quy định cụ thể của Hiến pháp. Dự luật dân quyền cho thấy sự thay đổi sâu sắc trong mối quan hệ giữa Liên bang và các tiểu bang và ý tưởng cấp tiến trong đời sống chính trị. Điều IV Hiến pháp quy định:“Những quyền lực không được Hiến pháp trao cho Liên bang và không

ngăn cấm được các bang thực hiện, thì thuộc về các bang tương ứng hoặc thuộc về nhân dân” [22; 35].

Theo Hiến pháp về thể chế Liên bang, chính quyền Liên bang và chính quyền tiểu bang cùng tồn tại. Mỗi bang sẽ chia sẻ chủ quyền của mình với Chính phủ Liên bang. Các tiểu bang được xem là một thực thể có chủ quyền, nghĩa là quyền lực của các tiểu bang trực tiếp đến từ người dân của tiểu bang đó chứ không phải là từ Chính phủ Liên bang.

Mỗi tiểu bang thành lập chính quyền của mình, nhưng dựa trên những quy định của Chính phủ Liên bang. Chính quyền tiểu bang xây dựng gồm hệ thống ba ngành: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hiến pháp cũng nêu rõ: Hợp chủng quốc sẽ bảo vệ mỗi bang chống lại các cuộc xâm lăng cũng như tình trạng bạo lực trong bang khi có yêu cầu của cơ quan lập pháp hoặc hành pháp. Trong quan hệ với chính quyền tiểu bang, nhà nước Liên bang có quyền lực cao hơn. Tuy nhiên để tránh việc Chính phủ Liên bang can thiệp quá sâu vào vấn đề thuộc phạm vi tiểu bang khiến chính quyền bang đó mất đi tính độc lập, quyền hạn của nhà nước Liên bang cũng được quy định rõ ràng trong các điều khoản của Hiến pháp.

Hiến pháp cũng quy định rõ, các đạo luật do Quốc hội ban hành và các Hiệp ước do Hoa Kỳ ký kết là “luật tối cao của đất nước”. Điều này có nghĩa là khi xuất hiện mâu thuân giữa Liên bang và tiểu bang thì luật của Liên bang sẽ bị vô hiệu hóa. Các bang không thể như trước năm 1860 tìm cách ly khai khỏi chính quyền. Theo đó, các tòa án Liên bang có thẩm quyền sau cùng trong việc xét xử các vụ việc liên quan đến Hiến pháp và luật liên bang, đồng thời tòa án tiểu bang không có quyền bác bỏ quyết định của tòa án Liên bang lẫn tuyên vô hiệu đạo luật Liên bang.

Quá trình tái hòa nhập Liên bang của các bang ly khai diễn ra mạnh mẽ trong những năm 70 của thế kỷ XIX. Khoản 3 điều IV Hiến pháp nêu rõ:

“Những bang mới có thể được Nghị viện chấp nhận gia nhập vào Liên bang này; nhưng không một bang mới nào được thành lập hoặc dựng lên dưới thẩm quyền của bất cứ bang nào khác; cũng không một bang nào sẽ được hình thành bằng cách sáp nhập hai bang trở lên hoặc các vùng của các bang khác nếu không được sự đồng ý của cơ quan lập pháp ở các bang có liên quan cũng như của Nghị viện” [22; 30].

Đồng thời với những quy định gia nhập Liên bang, các tiểu bang cũng không có quyền được ly khai và bất kỳ hành động ly khai nào cũng đều không có giá trị pháp lý.

Như vậy, có thể khẳng định rằng với cuộc Nội chiến, sự trường tồn của Liên bang được giải quyết và nước Mỹ vẫn tồn tại đến tận ngày nay.

Một phần của tài liệu Công cuộc tái thiết nước mỹ (1863 - 1877) và tác động đến lịch sử nước mỹ (Trang 59)