Chính sách tái thiết của Tổng thống (1863 – 1866)

Một phần của tài liệu Công cuộc tái thiết nước mỹ (1863 - 1877) và tác động đến lịch sử nước mỹ (Trang 35)

7. Bố cục của khóa luận

1.2.2.1. Chính sách tái thiết của Tổng thống (1863 – 1866)

Trong khi cuộc Nội chiến vẫn đang diễn ra, chính quyền của Tổng thống Lincoln đã phải xem xét đến vấn đề tái thiết. Khi quân đội Liên bang tiến vào miền Nam, chính quyền của Tổng thống Lincoln phải tiếp quản những vùng đất đã giành được, phải xây dựng chính quyền mới và ai sẽ là người kiểm soát miền Nam? Chính quyền quân sự có thể đáp ứng được trong mộtthời gian ngắn, nhưng điều này không phù hợp với truyền thống nước Mỹ. Nước Mỹ không phải là một quốc gia quân sự, các bang không đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền quân sự mà phải là chính quyền dân sự.

Hay vấn đề những người nô lệ được giải phóng, họ sẽ đi đâu, làm gì, chính sách ruộng đất được giải quyết ra sao. Đây được xem là vấn đề đặt ra cho chính quyền Liên bang khi cuộc Nội chiến đang tiếp tục, cần phải có kế hoạch cho công cuộc tái thiết ngay, nếu không kết thúc cuộc Nội chiến, tình trạng hỗn loạn xảy ra, điều này không có lợi cho nước Mỹ.

Chính sách của Tổng thống Lincoln

Tổng thống Lincoln đưa ra quan điểm tái thiết ôn hòa và nhanh chóng tái thống nhất đất nước thông qua chính sách hòa giải và bao dung. Trong

diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai năm 1864, Lincoln đã phát biểu:

“Chúng ta hãy nỗ lực để hoàn thành công việc đang dang dở, băng bó các vết thương trên đất nước”.

Năm 1863, Lincoln công bố “kế hoạch 10%” tái thiết của mình. Lincoln áp dụng các phương pháp của mình đối với từng bang cụ thể. Xây dựng chính quyền dân sự trên cơ sở sự hỗ trợ và giúp đỡ của quân sự. Lincoln công bố các bang trước đây ly khai sẽ được tái sáp nhập vào Liên bang khi có số công dân tương đương 10% số người đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1860, giữ lời thề ủng hộ Hiến pháp và thành lập một chính quyền bang chấp nhận chấm dứt chế độ nô lệ. Tuy nhiên, với chính sách này của mình, Quốc hội Mỹ cho rằng như vậy là quá khoan dung.

Tháng 7 năm 1864, Quốc hội đáp lại kế hoạch của Lincoln bằng Dự luật Wade – Davis. Bản chế pháp này đòi hỏi rằng: trước khi một chính quyền bang mới có thể được thành lập, đa số các công dân nam da trắng phải cam kết ủng hộ Liên bang. Nếu họ chấp nhận như vậy, chính quyền lâm thời sẽ kêu gọi một hội nghị hiến pháp bang. Chính quyền có thể loại trừ ai đã từng chiến đấu với tư cách là người lính phe ly khai hoặc giữ chức vụ công khai trong suốt thời kỳ ly khai.

Tuy nhiên, trên thực tế không có một bang miền Nam nào chấp nhận lựa chọn việc cải tổ bằng kế hoạch quá nghiêm khắc và cứng nhắc của Quốc hội. Nhưng các bang như Tennessee, Arkansas, Virginia và Louisiana chấp nhận những điều khoản của kế hoạch 10% của Lincoln và ông tuyên bố họ được quay trở lại Liên bang.

Chương trình tái thiết dưới thời Tổng thống Lincoln đang được thực hiện, thì Lincoln bị ám sát, điều này gây ra tổn thất to lớn đối với nước Mỹ và chương trình tái thiết lúc bấy giờ. Người kế vị lên thay cho Lincoln là Phó Tổng thống Johnson đã không tiếp tục theo quan điểm của ông mà có các chính sách mới về tái thiết, nhưng điều này đã gây ra những sự phản đối mạnh mẽ.

Chính sách của Tổng thống Andrew Johnson

Andrew Johnson (1808 – 1875) là Tổng thống thứ 17 của Hoa Kỳ, lên thay cho Abraham Lincoln bị ám sát năm 1865. Ông đã lập ra những chính sách cụ thể cho quá trình tái thiết. Johnson bày tỏ kế hoạch tái thiết qua hai bản tuyên bố ngày 29/05/1865.

Ông đưa ra lệnh ân xá cho số đông người miền Nam sẵn lòng thề trung thành với Liên bang. Lệnh ân xá này không bao gồm giai cấp địa chủ, mà còn xác định rõ những người này sau này phải có trách nhiệm đóng thuế tài sản lên tới 20.000 USD.

Johnson luôn chủ trương vấn đề nô lệ da đen được giải phóng không ảnh hưởng đến việc tái thiết nhanh chóng các bang miền Nam. Ông tỏ ra trung thực khi chủ trương bãi bỏ chế độ nô lệ nhưng lại phản bác các cuộc hôn nhân dị chủng và không cam kết ủng hộ chủ trương người da đen được bình đẳng và có nhiệm vụ chính trị.

Trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội cuối năm 1867, Johnson nói “dân da đen ít khả năng hơn bất kỳ chủng tộc nào về mặt quản lý chính quyền. Nếu được tự do thì họ sẵn sàng trở về trạng thái man rợ”. Và Johnson cũng đã nhiều lần tuyên bố: “Chỉ có người da trắng mới có khả năng cai trị miền Nam” [4; 116].

Với những người da trắng miền Nam, Tổng thống Johnson luôn chứng tỏ là một nhà chính trị tiền phong với chủ trương “hòa giải”“nhân hậu”. Ông đã không để xảy ra những cuộc bắt bớ hàng loạt các phần tử cực đoan trong Liên minh miền Nam sau ngày họ thua trận mặc dù tại Quốc hội đã có nhiều kiến nghị “trừng phạt bọn phản loạn”. Jefferson Davis – Tổng thống của Liên minh miền Nam (1861 – 1865) chỉ bị giam giữ gần hai năm trong nhà tù Liên bang mà không bị đưa ra xét xử.

Khoảng 15.000 người da trắng miền Nam, đa số không thuộc diện được hưởng các chính sách ân xá vì quá giàu có đã làm đơn xin hưởng quy chế khoan hồng và hầu như tất cả đều được ân xá; có lúc cả hàng trăm người được cấp giấy chứng nhận trong một ngày. Đến năm 1865 có trên 7.000 người được toại nguyện.

Các nhà phân tích cho rằng, chính sách của Johnson hợp tác và nâng đỡ giới chủ nhân đồn điền là vì hai mục đích: duy trì uy thế của người da trắng ở miền Nam và mục tiêu tái đắc cử Tổng thống.

Tổng thống Johnson là người miền Nam và có xu hướng đứng về phe Liên minh trong cuộc chiến. Do đó những thành viên người miền Bắc trong Đảng Cộng hòa của Johnson đã phát động chiến dịch đánh đổ ông vì bị cáo buộc hành động quá nhẹ tay đối với những người thuộc phe Liên minh trước đây. Nhưng Johnson đã tránh được điều này, đây là một trong những chiến thắng quan trọng của nguyên tắc phân quyền: Tổng thống không nên bị cách chức vì lý do Quốc hội bất đồng với các chính sách của mình, trừ phi theo Hiến pháp, ông ta phạm tội “phản quốc, nhận hối lộ hoặc trọng tội và các hành vi sai trái khác”.

Một phần của tài liệu Công cuộc tái thiết nước mỹ (1863 - 1877) và tác động đến lịch sử nước mỹ (Trang 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)