3. Tinh thần trách nhiệm với công việc và ý thức chấp hành kỷ luật
1.10.2 Yếu tố chủ quan:
-Bộ máy quản lý, tổ chức hành chính: Sự tác động trực tiếp đến các cấp lãnh đạo xuống cán bộ công nhân viên nhằm mục đích buộc phải thực hiện một hoạt động. Để quản lý tập trung thống nhất phải sử dụng phương pháp hành chính. Việc thiết lập cơ cấu tổ chức của bộ máy doanh nghiệp cũng như cách thức điều hành của các cấp lãnh đạo là nhân tố quyết định tính hiệu quả trong kinh doanh. Cần phải có một bộ máy quản lý, lãnh đạo hoàn chỉnh, không thừa, không thiếu và tổ chức phân cấp quản lý, phân công lao động trong doanh nghiệp sao cho phù hợp sẽ góp phần thúc đẩy hiệu quả trong kinh doanh. Ngược lại, nếu cơ cấu tổ chức không hợp lý, cách điều hành kém cỏi sẽ dẫn đến hiệu quả thấp.
-Nguồn tài chính: Nguồn tài chính là yếu tố quan trọng quyết định đến khả năng sản xuất kinh doanh và cũng là chỉ tiêu hàng đầu để đánh giá quy mô của doanh nghiệp. Khả năng tài chính của doanh nghiệp gồm: vốn tự sở hữu hay vốn tự có và các nguồn vốn có thể huy động được. Tài chính không chỉ gồm tài sản cố định và tài sản lưu động của doanh nghiệp mà còn bao gồm các khoản vay, các khoản thu nhập sẽ thực hiện trong tương lai. Nếu thiếu nguồn tài chính cần thiết, doanh
nghiệp có thể bị phá sản bất cứ lúc nào. Trong kinh doanh, tài chính được coi là vũ khí sắc bén để chiếm lĩnh thị trường và thôn tính các đối thủ cạnh tranh.
-Yếu tố con người: Con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm của mọi hoạt động. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá đặc biệt phải nhấn mạnh tới yếu tố con người bởi vì nó là chủ thể sáng tạo và trực tiếp điều hành các hoạt động. Ảnh hưởng của yếu tố này thể hiện qua tinh thần làm việc và năng lực công tác. Tinh thần làm việc được biểu hiện bởi bầu không khí trong doanh nghiệp, tình đoàn kết và ý chí phấn đấu cho mục tiêu chung. Năng lực của nhân viên biểu hiện qua kỹ năng điều hành, công tác nghiệp vụ và qua kết quả hoạt động. Để nâng cao vai trò của yếu tố con người, doanh nghiệp một mặt phải chú trọng đào tạo cán bộ, công nhân viên, bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ của họ, mặt khác, phải quan tâm thích đáng đến lợi ích cá nhân, bao gồm cả lợi ích vật chất lẫn lợi ích tinh thần.
-Yếu tố tổ chức mạng lưới kinh doanh: Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngoại thương phụ thuộc rất lớn vào hệ thống mạng lưới kinh doanh. Một mạng lưới kinh doanh rộng lớn với các điểm kinh doanh được bố trí hợp lý là điều kiện để doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh như tạo nguồn hàng, vận chuyển, làm đại lý xuất nhập khẩu…một cách thuận tiện hơn và góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh. Nếu mạng lưới kinh doanh quá thiếu hoặc bố trí ở các điểm không hợp lý sẽ gây cản trở cho hoạt động kinh doanh, làm triệt tiêu tính năng động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
-Yếu tố cơ sở vật chất của doanh nghiệp: Cơ sở vật chất của doanh nghiệp như vốn cố định bao gồm các máy móc, thiết bị chế biến, hệ thống kho hàng, hệ thống phương tiện vận tải, các điểm thu mua hàng, các điểm đại lý, chi nhánh và trang thiết bị cùng với vốn lưu động là cơ sở cho hoạt động kinh doanh. Các khả năng này quy định quy mô, tính chất của lĩnh vực hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần quyết định đến hiệu quả kinh doanh.
TÓM TẮT CHƯƠNG 1
Nhập khẩu là ngành vừa đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm, vừa đòi hỏi trình độ chuyên môn và các kỹ năng nghiệp vụ. Vì vậy, ở mỗi loại hàng hoá đều cần những hiểu biết nhất định để thực hiện quy trình nhập khẩu hiệu quả, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế quốc phát triển.
Quy trình nhập khẩu bao gồm các hoạt động hoạch định, ký hợp đồng, thực hiện hợp đồng và thanh lý hợp đồng. Trong đó, cần chú trọng đến cách làm hồ sơ nhập khẩu, cách khai báo Hải quan, cách tính các khoản thuế và quy trình làm thủ tục hải quan hàng hoá nhập khẩu.
Đồng thời, hoạt động nhập khẩu chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố. Cần hiểu rõ sự tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan để có những quyết định kinh doanh cho phù hợp với tình hình hiện tại của doanh nghiệp.
Chương 1 đã trình bày khá đầy đủ về mặt lý thuyết của quy trình nhập khẩu hàng hoá. Tuy nhiên, để nắm được thực tế hàng hoá được nhập khẩu như thế nào, trải qua từng bước, từng khâu ra sao và có thể gặp phải những khó khăn, trở ngại nào…chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu chương 2: Thực trạng quy trình nhập khẩu hàng hoá tại Công ty cổ phần giặt ủi y tế VT.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG QUY TRÌNH NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN GIẶT ỦI Y TẾ VT