Các trường hợp thất bại của phẫu thuật nội soi

Một phần của tài liệu đánh giá kết quả điều trị hẹp phì đại môn vị bằng phẫu thuật nội so tại bệnh viện nhi trung ương (Trang 68)

Theo Max Well [45], thì tỷ lệ thất bại của phẫu thuật nội soi là 0.8-8% ở các trung tâm chuyên khoa, có thể tới 12-24% ở các trung tâm không chuyên, trong nghiên cứu của Max Well tỷ lệ này là 3%(n=66).

Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ thất bại của PTNS là 8/91 trường hợp chiếm 8.8%. Trong đó 4 trường hợp phải chuyển phẫu thuật mở vì (thủng niêm mạc trong mổ có 3, mở cơ khó khăn có 1) và 4 trường hợp phải phẫu thuật lại sau đó hơn 2 tuần do không mở hết cơ môn vị.

Có 3 (3.3%) trường hợp thủng niêm mạc, nguyên nhân khi thao tác trong lúc rạch cơ, mũi dao mở cơ chọc quá sâu do ước lượng độ dày cơ không chính xác, thường thủng ở phía tá tràng hoặc khi thao tác panh để tách 2 mép cơ mũi panh chọc quá sâu và khi tách gây thủng, do chưa có kinh nghiệm trong những ca đầu. Rút kinh nghiệm những ca sau chúng tôi ước lượng độ dày u cơ trên siêu âm và quan sát đại thể trong phẫu thuật từ đó ước lượng độ

sâu của mũi dao khi rạch, khi tách cơ đặt mũi panh cân đối giữa 2 mép đường rạch không đâm quá sâu, lực tách vừa phải và kết quả là đến nay chúng tôi chưa ghi nhận thêm trường hợp nào bị thủng niêm mạc.

Có 1 (1.1%) bệnh nhân gặp khó khăn khi mở cơ, phải chuyển phẫu thuật mở, vì khi thao tác panh mở cơ gây mất khí trong ổ bụng qua lỗ chân panh ở thành bụng và tổn thương cơ môn vị nhiều mà vẫn chưa mở được cơ. Rút kinh nghiệm những lần sau chúng tôi đặt vị trí khớp nối của panh đúng vào bề mặt da ở thành bụng, khi mở panh tách cơ hạn chế mất khí, vì vậy, quan sát phẫu trường tốt hơn, hạn chế tổn thương lớp cơ.

Có 4 (4,4%) trường hợp phải phẫu thuật lại vì chưa mở hết cơ. Chúng tôi chưa thể tìm thấy một lời giải phù hợp cho việc này. Những trường hợp phải phẫu thuật lại thường tìm thấy phần môn vị bị hẹp nhiều ở phía cuối của dạ dày. Một trong số các ca này chúng tôi nhận thấy sự khó khăn đáng kể khi tách các lớp cơ mà chúng tôi nghĩ là do cơ bị xơ hơn và khó tách. Nhưng đó cũng chỉ là ý kiến chủ quan ghi nhận được của phẫu thuật viên khi phẫu thuật. Không mở hết cơ cũng có thể do phẫu thuật viên quá tự tin hay quá lo sợ bị thủng niêm mạc, cuối cùng là khi tách cơ bằng mũi panh không tách hết các lớp của u cơ môn vị hoặc không tách hết chiều dài của u cơ, đồng thời chảy máu từ mép đường rạch u cơ nên hạn chế quan sát và đánh giá lớp niêm mạc phía dưới phồng lên. Rút kinh nghiệm những ca sau, chúng tôi cho rằng khi tách cơ, panh phải đặt vuông góc với bề mặt cơ để diện tiếp xúc giữa đầu panh và hai mép cơ là lớn nhất và cân đối, kết hợp với panh nội soi giữ chắc u cơ để tạo điểm tỳ và lực vừa phải để tách hết bề dày và chiều dài u cơ, việc này phụ thuộc vào kinh nghiệm của phẫu thuật viên. Việc đánh giá về hình thể, kích thước, ước lượng độ dày u cơ trong mổ là quan trọng giúp cho việc tách cơ được chính xác. Cụ thể 4 trường hợp không mở hết cơ môn vị biểu hiện trên lâm sàng như sau:

Một trường hợp sau phẫu thuật trẻ còn nôn nhiều > 3 lần/ngày, nôn dịch sữa, kéo dài trong 12 ngày, tần xuất không giảm, điều trị nội khoa không kết quả, siêu âm hình ảnh HPDMV, chụp transit dạ dày giãn, ứ đọng, hình ảnh hẹp môn vị, thuốc lưu thông qua môn vị kém. Bệnh nhân được phẫu thuật lại vào ngày thứ 13. Phẫu thuật nội soi mở cơ môn vị tại vị trí khác. Ra viện ổn định

Một trường hợp ra viện gần 3 tuần, trẻ vẫn nôn dịch sữa lúc đầu ít sau tăng dần trên 3 lần/ngày, điều trị nội khoa không kết quả, siêu âm cơ môn vị dày, dạ dày giãn, chụp transit dạ dày giãn, ứ đọng thuốc, thuốc lưu thông chậm qua môn vị, không có trào ngược dạ dày-thực quản. Bệnh nhân được phẫu thuật lại sau 21 ngày. Phẫu thuật mở, đường rạch da ngang dưới sườn phải, mở cơ môn vị tại vị trí khác. Ra viện ổn định

Hai trường hợp sau phẫu thuật trẻ nôn nhiều, dịch sữa 3-4l/ngày, kéo dài hơn 2 tuần, điều trị nội khoa, nong môn vị bằng bóng dưới gây mê thất bại. Siêu âm, chụp transit còn hình ảnh HPĐMV, không có luồng trào ngược dạ dày thực quản. Một phẫu thuật lại sau 19 ngày, một phẫu thuật lại sau 17 ngày thời gian nằm viện 36 ngày. Phẫu thuật mở, đường rạch da ngang dưới sườn phải, mở cơ môn vị tại vị trí khác. Ra viện ổn định

Tỷ lệ thất bại của PTNS là 8.8%, trong đó 6/46 (6.6%) gặp ở nhóm bệnh nhân đầu, chỉ có 2/45 (2.2%) gặp ở nhóm bệnh nhân sau nếu tính theo thời gian bệnh nhân được phẫu thuật, chứng tỏ sự tiến bộ trong đường cong học tập và kinh nghiệm của phẫu thuật viên. Theo P.S.Hiếu (2010) tỷ lệ biến chứng của phẫu thuật mở là 2/34 (5.88%) [5]. Tỷ lệ thất bại của PTNS là thấp và là rất khả quan ở những nước đang phát triển, điều kiện kinh tế còn khó khăn như nước ta.

Nghiên cứu của Oomen MW (2012) tỷ lệ thất bại của PTNS là 4.9% [50], của Thomas PG (2014) là 5.7% [70], tỷ lệ này là thấp hơn của chúng tôi.

Không có biến chứng tử vong trong và sau phẫu thuật trong nghiên cứu của chúng tôi.

Một phần của tài liệu đánh giá kết quả điều trị hẹp phì đại môn vị bằng phẫu thuật nội so tại bệnh viện nhi trung ương (Trang 68)