Tài nguyên du lịch Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam đối với thị trường khách du lịch Nhật Bản đến năm 2020 (Trang 44)

6. Cấu trúc của đề tài: Gồm 3 chương

2.1.2. Tài nguyên du lịch Việt Nam

Việt Nam là đất nước sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng. Nguồn tài nguyên du lịch vô giá này cho phép đất nước phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau như: Du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch núi, du lịch đô thị.... Đây là những tiềm năng hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế nói chung và khách du lịch Nhật Bản nói riêng.

* Tài nguyên du lịch tự nhiên

Do Việt Nam có địa hình đa dạng, nguồn nước dồi dào, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nên đã kiến tạo và sản sinh nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên đất nước.

Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km với hàng chục bãi tắm nổi tiếng, hiện nay Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới với 125 bãi tắm biển, hầu hết là các bãi tắm đẹp. Miền Bắc có Trà Cổ, Hạ Long, Đồ Sơn, Cửa Lò…; Miền Trung có Lăng Cô, Đà Nẵng, Vân Phong, Nha Trang, Mũi

Né…; Miền Nam có Vũng Tầu, Long Hải, Phú Quốc, Hà Tiên… Đặc biệt vùng biển Hạ Long là kì quan thiên nhiên Thế Giới, một kì quan của tạo hóa với hàng ngàn đảo đá quần tụ, mỗi hòn đảo một dáng vẻ, hòn thì giống con rồng, hòn thì giống con cóc, ngón tay, cặp gà chọi… trong lòng các đảo đá là các hang động kì thú. Tháng 7 năm 2005 vịnh Nha Trang được công nhận là một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới. Biển Đà Nẵng từng được tạp chí Forbes bình trọn là một trong những bãi tắm đẹp nhất hành tinh.

Là quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới nhưng Việt Nam có nhiều điểm nghỉ miền núi mang dáng dấp ôn đới như Sapa, Tam Đảo, Bạch Mã, Bà Nà, Đà Lạt… Các điểm nghỉ mát này thường ở độ cao trên 1000 mét so với mặt nước biển. Thành phố Đà Lạt là nơi nghỉ mát lí tưởng với phong cảnh rừng thông, thác nước và một số loại hoa. Khách du lịch tới Đà Lạt còn bị cuốn hút bởi những âm hưởng trầm hùng, tha thiết của tiếng đàn T‟rưng và cồng chiêng Tây Nguyên trong những đêm văn nghệ.

Ngoài ra, tính đến hết năm 2010 Việt Nam được UNESCO công nhận 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới đó là Châu thổ sông Hồng, Cát Bà, Tây Nghệ An, Đồng Nai, Cù lao Chàm, Cần Giờ, Cà Mau và vùng biển Kiên Giang. Hiện nay Việt Nam còn sở hữu nhiều vùng tràm chim và sân chim, nhiều khu rừng quốc gia nổi tiếng với những bộ sưu tập phong phú về động thực vật nhiệt đới như VQG Cúc Phương (Ninh Bình), VQG Cát Bà (Hải Phòng), VQG Côn Sơn ở Bà Rịa- Vũng Tàu… Trong đó vùng Tràm chim Tam Nông (Đồng Tháp), nơi có sếu đầu đỏ sinh sống, trở thành trung tâm thông tin về sếu được tài trợ bởi quỹ quốc tế về bảo tồn chim.

Nguồn nước khoáng ở Việt Nam cũng rất phong phú với gần 400 nguồn nước nóng từ 40-150 độ như suối khoáng Quang Hanh (Ninh Bình), suối khoáng Hội Vân (Bình Định), suối khoáng Vĩnh Hảo (Vĩnh Thuận), suối khoáng Dục Mỹ (Nha Trang), suối khoáng Kim Bôi (Hòa Bình)… Những nguồn nước khoáng này đã trở thành nơi nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe được nhiều khách du lịch ưa chuộng.

Như vậy, với các tiềm năng du lịch tự nhiên là các bãi biển, vườn quốc gia, hệ thống hang động, nguồn suối khoáng... phong phú và đa dạng là những điều kiện rất thuận lợi để Việt Nam phát triển du lịch, xây dựng một thương hiệu du lịch định vị vững chắc trong lòng du khách.

* Tài nguyên du lịch nhân văn

Bên cạnh nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đa dạng, không thể không nhắc đến nguồn tài nguyên nhân văn độc đáo, hấp dẫn trải dài trên lãnh thổ hình chữ S.

Việt Nam có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 3000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 5000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Mật độ và số lượng di tích nhiều nhất ở 11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ chiếm khoảng 70% di tích của Việt Nam.

Di tích quốc gia đặc biệt ở Việt Nam được Thủ tướng chính phủ ra quyết định xếp hạng gồm: Cố đô Hoa Lư, Di tích Pác Bó, Dinh Độc Lập, Hoàng thành Thăng Long, Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Khu di tích ATK Thái Nguyên, Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế, Khu di tích Kim Liên, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Khu di tích Tân Trào, Khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng, Nhà tù Côn Đảo, Quần thể di tích Cố đô Huế, Thành nhà Hồ, Thánh địa Mỹ Sơn, Thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long, Đô thị cổ Hội An và Đền Hùng. Tới năm 2011, có 7 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới tại Việt Nam[20] bao gồm: Thành nhà Hồ, Hoàng thành Thăng Long, Quần thể di tích Cố đô Huế,Vịnh Hạ Long, Phố Cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, và Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Việt Nam có 117 bảo tàng trong đó các bộ, ngành quản lý 38 bảo tàng, các địa phương quản lý 79 bảo tàng. Hai bảo tàng lịch sử mang tính quốc gia là Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Bảo tàng lịch sử Việt Nam, hiện đang đề xuất thêm Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng về văn hoá, phong tục tập quán và lối sống riêng. Văn hóa của dân tộc Việt Nam thể hiện qua những lễ hội, các loại hình nghệ thuật cổ truyền, ẩm thực đặc sắc của mỗi vùng miền.

Việt Nam với hơn 400 lễ hội lớn, nhỏ gắn liền với sự tôn vinh, tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc, những người có công với nước, các danh nhân… Hiện nay nước ta còn lưu giữ tổ chức nhiều lễ hội lớn, hấp dẫn du khách như lễ hội Đền Hùng, lễ hội Chùa Hương, lễ hội Kiếp Bạc lễ hội Quan Âm… Gần đây các Festival du lịch cũng đã được tổ chức tại các di sản tự nhiên, văn hóa và tại các trung tâm du lịch thu hút đông đảo du khách nội địa và quốc tế.

Một số di sản văn hóa phi vật thể trên thế giới tại Việt Nam như Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, Quan họ, Ca trù, Hội Gióng, Hát xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Phú Thọ)…

Mỗi một vùng đất, mỗi dân tộc Việt Nam có các món ăn đặc trưng mang bản sắc riêng, các món ăn nổi tiếng như Nem, Giò, Chả, Phở, Cao Lầu, Hủ Tiếu.. là những món ăn không thể thiếu trong các thực đơn phục vụ khách của các chương trình du lịch. Du khách quốc tế nói chung và khách Nhật Bản nói riêng khi đến Việt Nam thường có ấn tượng trải nghiệm sâu sắc về món ăn Việt Nam.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam đối với thị trường khách du lịch Nhật Bản đến năm 2020 (Trang 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)