8. Dự kiến đóng góp
3.2.2. Giọng điệu hài hước, hóm hỉnh
Nguyễn Ngọc Tư có nhiều truyện ngắn thành công mang giọng điệu hài hước, có phần tưng tửng của một cô gái trẻ ương bướng và lém lỉnh, có thể kể
đến những truyện tiêu biểu như: Chuyện vui điện ảnh, Bến đò xóm Miễu, Đời như ý, Một trái tim khô, Chiều vắng… Giọng điệu này thường gặp trong
những truyện ngắn xoay quanh những mảnh đời nhỏ bé, những số phận bình thường với những khát vọng cũng bình thường những vẫn không được toại nguyện. Nhưng họ không biết phải trách ai, phải đổ lỗi cho cái gì, chỉ biết chua xót ngậm ngùi chịu đựng, vì biết nếu có phản kháng đi chăng nữa rồi thì cũng sẽ rơi tõm vào cái quy luật khắc nghiệt của cuộc sống. Hài hước trong trường hợp này không phải vì vui vẻ, tưng tửng nhiều khi không phải vì điên
khùng, mà đó cũng là cách phản kháng nhẹ nhàng trước những bất công, ngang trái của cuộc sống.
Ở Chuyện vui điện ảnh, sự hài hước xuất hiện ngay ở đầu truyện.
Người ta nổi tiếng ở tuổi ba mươi, chú Sa ở hẻm Cựa Gà lại nổi tiếng ở tuổi bốn mươi bốn. Chú làm bảo vệ kiêm thêm trồng bông xén cỏ ở Hãng phim truyền hình thành phố. Khi chú chưa đóng phim, chỉ làm bảo vệ thì cả xóm ai cũng yêu quý chú. Hôm trình chiếu bộ phim cả xóm nấu cơm sớm chờ xem phim chú Sa đóng. Phim bạo liệt, trần trụi, chú lại đóng vai phản diện, cả xóm "lẳng lặng ra về". Thế là từ đó, mọi người không ai bảo ai, không còn quý chú như trước nữa. Tình huống lẫn lộn giữa đời thực và phim ảnh rất hóm hỉnh mà cũng thật sâu cay.
Trong truyện Chiều vắng có chi tiết khôi hài đến tức cười: "Ngày dì Thu Lý tròn bốn mươi bảy tuổi, dì từ giã thêm một lượt ba chiếc răng. Buồn quá trời đất, dì lại chùa Phấn, than với sư Huệ bây giờ không biết làm sao giáp mặt anh Tư Nhớ, răng còn trống hơ trống hốc vầy... Bà sư già nghe xong niệm phật mà không nén được cười... Bây giờ gần hai mươi năm rồi, tóc đã trắng những sợi già, chuyện tình đó vẫn chưa đi tới đâu" [44;40,45]. Người ta
yêu nhau không màng đến tuổi tác, thời gian. Yêu nhau đến khi đầu bạc răng long, đúng cả nghĩa đen nghĩa bóng. Dường như sự hóm hỉnh, khôi hài là gia vị cần thiết, đúng chỗ làm đa dạng hương vị cho bữa ăn tinh thần thịnh soạn mà Nguyễn Ngọc Tư đã bày ra cho bạn đọc. Hóm hỉnh khôi hài làm cho người đọc thêm nhớ, thêm yêu một nhà văn có giọng điệu đặc biệt.
Với truyện Một trái tim khô thì sự hài hước hóm hỉnh lại được thể hiện ở chỗ Nhâm bày tỏ tình cảm với Hậu: "Có đám trẻ lội bủm xủm đi qua hát rằng: "Ước gì mình đừng cách ngăn, ước gì nhà mình chung vách... anh khoét tường... hú hí với em". Hậu lắc đầu, con nít nhà ai mới tí tuổi đầu mà quỷ quái. Nhâm cười, sẵn nói luôn, tôi tháo vách thiệt à, cô Hậu" [45;152].
Trên cái nền chung của giọng điệu cảm thương, xót xa cho số phận của người phụ nữ bị phụ bạc, bỏ rơi, cảnh hai người cùng nhau ra sức tát nước ngập của Hậu và Nhâm thật dí dỏm.
Nguyễn Ngọc Tư rất khéo léo trong việc gia giảm tính hài hước, hóm hỉnh trong từng câu chuyện. Người đọc cũng phải tủm tỉm cười vì những duyên cớ thật nhỏ nhưng thật đắt khi gấp trang sách lại.
Đó là những chi tiết rất hài hước, được kể rất dí dỏm tạo tiếng cười nhẹ
nhàng: "Nhưng trưởng ấp Tư Mốt phải làm cho anh chàng hiểu đời anh có ý nghĩa với đất nầy như thế nào, thiếu anh, người cù lao sống không nổi chứ chơi à. Buổi sáng có người chạy lại than nhức đầu, sổ mũi, buổi chiều thêm chứng chóng mặt, đau mình. Vài ba chị phụ nữ đỏ mặt thập thò ngoài cửa, trong bụng rủa thầm ông già Tư Mốt, đau bụng kinh cũng bắt đi trạm xá, mắc cỡ gần chết. Trưởng ấp tà tà dài theo xóm, thấy ai rảnh rỗi là kêu, đứng đó làm gì, sao hỏng lại trạm xá cho bác sĩ người ta khám. Trời đất, bệnh gì mà khám chú Tư. Ông nói tỉnh bơ, khều khều bộ râu, "có chớ sao không, hễ mày nhậu xỉn là ói, để vậy không tốt, lại kiếm thằng Văn đi". Mới đầu thì Văn không biết, nên thấy có bà cụ chống gậy lại bảo bác sĩ coi bệnh dùm, Văn hỏi bà bị gì, bà cười, tui suy nghĩ chưa ra. Thuốc hết, huyện chưa kịp gởi, Văn áy náy, tần ngần đưa mấy thứ B1, B6 cho con bệnh đau bao tử, uống xong ông này phởn phơ đứng dậy, tươi rói bảo, trời đất ơi, thuốc chú mầy quá chừng hay. Văn đâm lạ. Cho tới bữa đám con nít khiêng một thằng bé ở truồng lại, nhao nhác nói chim của thằng Út Chót bị còng kẹp rồi, nó sưng chù vù nè chú bác sĩ ơi, Văn mắc cười quá, hỏi sao tới nông nỗi vầy, thằng Út Chót khom rọm lấy tay bụm chỗ đau, phều phào nói trong nước mắt, "Tại bác Tư biểu ai cũng phải đi khám cho chú bác sĩ vui,chú không bỏ về thành phố. Con đâu có bịnh, tính bắt còng kẹp chơi..." [45;20,21].
chuyện bớt đi chất ảm đạm, lại có sức ám ảnh lớn với người đọc. Như ở
chuyện Nửa mùa: "Tiên cũng" vậy, Tiên gì mà xấu hì. Nó thấp người,
tướng tá thô kệch, sồ sề. Quanh cổ và hai bắp tay mọc đầy mụn. Khuôn mặt tròn, ngô ngố dưới mái tóc thưa, rối bời như trái chôm chôm. Răng trên không có, môi lay lặp phập mỗi lúc nó nói cười. Bù lại nó cười thiệt ngọt, cười giống như má mình như ngoại mình, móm mém hiền khô, như rót vào lòng. Một nụ cười lương thiện. Cậu May không bao giờ nhìn thấy nụ cười đó nhưng cậu nói con người Tiên thiệt thà, hỏi sao cậu biết thì cậu cười,
"Thì đui thử như tui đi rồi biết" [44;62].
Hoặc trong Cải ơi: "Thàn bùi ngùi, người ta Quách Phú Thành nổi tiếng Hồng Kông, tui thiếu có chữ h, lẹt đẹt bên hông Chợ Lớn" [45;8].
Tiếng cười hóm hỉnh của chú Đời trong Đời như ý thì lại khác, người đọc thấy trong đó là hạnh phúc và mơ ước có của chú: "Không giống như người ta, hễ thích cải lương thì đặt tên con là Ngọc Huyền, Lệ Thủy, mê Phim Việt Nam thì đặt tên Diễm Hương, Việt Trinh, chú Đời đặt tên cho hai đứa con gái mình là con Như con Ý" [41;58]. Hoặc "Theo chú nói thì chú sung sướng thật. Vợ chú đẹp, vui vẻ (vì cười hoài), có đi nhậu vợ cũng không chù ụ như vợ người ta. Không ngã lòng trước sự hào nhoáng xa hoa, chồng người ta sao mà đẹp trai, sao mà giàu hơn chồng mình. Chỉ cần mỗi bữa sáng, chú mua cho vợ hai ngàn đồng cà phê sữa là vợ mừng rưng rưng nước mắt. Chú sung sướng vì còn có hai chị em con Như con Ý, nhỏ xíu mà giỏi, dễ dạy, đẹp đẽ. Nghĩ vậy nên chú Đời phải vui, vui vì vừa lòng với những gì mình đang có" [41;59,60] dù đời đâu có như ý chú.
Cũng có khi, Nguyễn Ngọc Tư sử dụng kiểu câu với thành phần phụ chú là lời người kể chuyện để tạo tính hài hước, cho nỗi buồn vợi bớt, nhẹ
nhàng hơn: "Nhưng đất quê vợ mãi mãi không yêu ông như một đứa con ruột thịt. Vì ông lấy người yêu duy nhất của Nguyễn Thọ làm vợ (đáng lẽ phải để
dành), rồi sau đó không cho vợ đi dự những cuộc gặp mặt, hội thảo về Nguyễn Thọ (làm vậy không phải là quay lưng với quá khứ sao?) và cũng vì cách ông dạy thằng Thảo (đáng lẽ con của Nguyễn Thọ phải được nâng niu chiều chuộng)" [45;77]; hoặc "Dì Hên cười buồn, nghĩ, cái vai nọ có phải của con đâu, khờ ơi, vai bây chai cứng vì gánh nước tảo tần. Mà thật trong bài hát của Sỹ tuyệt không thấy bóng dáng Tiên, anh chỉ dùng những từ trắng trong, chân thon gót nhỏ, mỏng manh yếu đuối...(Nhưng viết đôi bàn tay em thối móng vì giặt nhiều đồ, làn da em sạm đen dưới nắng, mái tóc em cháy xác xơ... thì còn gì gọi là nghệ thuật nữa)" [44;68].
Có thể nói, giọng điệu hóm hỉnh, hài hước trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư đã là nét chấm phá tạo nên giọng điệu riêng trong tác phẩm của chị. Người đọc khi đọc xong, thấm đậm điều tác giả muốn chia sẻ và đâu đó tiếng cười nhẹ nhàng, hóm hỉnh đang nhen lên trong lòng.