8. Dự kiến đóng góp
3.2.1. Quan niệm về giọng điệu
Trong nghệ thuật kể chuyện, giọng điệu (voice) là một yếu tố cơ bản, phản ánh quan điểm, thị hiếu thẩm mĩ của người sáng tạo. Giọng điệu là âm thanh được xét ở tấm lòng, biểu hiện thái độ: buồn, vui, giận, hờ hững. Nó khác giọng, bởi giọng là âm thanh được xác định ở góc độ vật lí như cường độ, trường
độ, cách phối âm và âm lượng. Còn “Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong
lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân, sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm…” [9,112].
Cơ sở của giọng điệu là cảm hứng chủ đạo của nhà văn. Biểu hiện của giọng điệu rất phức tạp. Ứng với mỗi trạng thái tâm lí của con người là mỗi sắc thái giọng khác nhau. Trong Thi pháp Truyện Kiều Giáo sư Trần
Đình Sử cho rằng: "Giọng điệu được thể hiện ở tiếng nói, điểm nhìn của chủ thể, ở quan hệ của chủ thể tác giả với cái được miêu tả". Mỗi giai đoạn
văn học có giọng điệu riêng. Văn học Trung đại có "ngôn chí", thơ trữ tình điệu ngâm. Văn học cách mạng lại có giọng điệu khẳng định, tự tin, rưng rưng về cái cao cả, anh hùng.
Sau 1986, sáng tác của nhà văn có sự đổi mới trong nghệ thuật trần thuật. Mỗi nhà văn đã rất quan tâm tới việc làm mới giọng điệu để góp phần cách tân nghệ thuật trần thuật. Nhiều tác giả đã khẳng định mình qua giọng điệu trần thuật như Nguyễn Khải, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh
Thái, Lê Lựu, Chu Lai… Khảo sát giọng điệu trần thuật chính là cách để xác định khuôn mặt nhà văn. Bởi giọng điệu là một trong những yếu tố
quan trọng để khu biệt phong cách tác giả, là một yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả trong tác phẩm. Nó là yếu tố có vai trò chủ đạo cấu thành hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Giọng điệu vừa liên kết các yếu tố hình thức khác nhau, làm cho chúng mang một âm hưởng nào đó, cùng chung một khuynh hướng nhất định, vừa là chỗ dựa chính để các yếu tố của tác phẩm quy tụ lại và định hình, thống nhất với nhau theo một kiểu nào đó trong chính giọng ấy mỗi yếu tố hiện ra rõ hơn, đầy đủ hơn, thậm chí mới mẻ hơn. Mỗi nhà văn có phong cách đều tạo cho mình một kiểu giọng điệu riêng. Nếu như trong đời sống, giọng nói giúp ta nhận ra con người thì trong văn học, giọng điệu giúp ta nhận ra tác giả. Nếu như giọng điệu của Nam Cao là giọng cay đắng, chua chát trước những bi kịch của con người
thì giọng điệu của Nguyên Hồng là giọng cảm thương thống thiết trước sự thống khổ của con người.
Vậy, làm thế nào để xác định giọng điệu của một tác phẩm, một nhà văn? Đây là một vấn đề không đơn giản bởi không phải là phép cộng của câu chữ mà nó là sự cộng hưởng, kết hợp hài hòa của nhiều yếu tố cùng sự thăng hoa cảm xúc của chủ thể sáng tạo.
Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư luôn có cảm hứng suy nghĩ, trăn trở về con người, về tình yêu, về mối quan hệ giữa con người với con người. Nó được nhìn bằng một tâm hồn đậm phong cách Nam Bộ: "nghĩ sao nói vậy", không màu mè trau chuốt và đậm chất nữ tính. Giọng điệu của Nguyễn Ngọc Tư là một giọng điệu rất riêng, ám ảnh dễ nhớ, chỉ cần đọc một lần cũng nhớ được giọng văn của chị. Đó là giọng văn hóm hỉnh, thủ thỉ nhưng cũng buồn bã đầy ám ảnh. Dường như nhà văn không có ý định gửi thông điệp mà cũng chẳng triết lí gì về cuộc sống. Mọi thứ cứ tự phơi bày, lên tiếng thật phóng khoáng, bộc trực. Giọng văn này không bộc lộ trực tiếp mà đan xen pha tạp với nhiều giọng điệu khác nhau.