Những từ chỉ trạng thái, hành động theo kiểu Nam Bộ

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư từ góc nhìn thể loại (Trang 79)

8. Dự kiến đóng góp

3.1.3. Những từ chỉ trạng thái, hành động theo kiểu Nam Bộ

Đa phần các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư thiên về suy nghĩ, trầm tư hơn là hành động, chính vì thế truyện ngắn của chị có rất nhiều những từ ngữ chỉ tính chất, mức độ của tình cảm theo cách nói của người Nam Bộ. Nó đậm đặc phong vị của ca dao, tục ngữ, nồng nàn hơi thở của những tâm hồn Nam Bộ hào sảng, chất phác. Đặc sắc nhất là những từ ngữ diễn tả trạng thái và mức độ của tình cảm trong những trường đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật

như: bằn bặt, bịnh, buồn hiu, cà chớn, chảnh, đong đưa, giả bộ, lãng xẹt, lừ lừ, im re, ngộ, trớt he, xỉn, xửng vửng, gấp rãi... Tính từ chỉ mức độ, trạng

thái tình cảm của các nhân vật cũng như tính chất của sự vật hiện tượng, theo chúng tôi, là một đóng góp xuất sắc và có giá trị của Nguyễn Ngọc Tư, góp phần vào việc phổ biến ngôn ngữ Nam Bộ vào ngôn ngữ chung của toàn dân, cũng như là nguồn tư liệu nghiên cứu phong phú cho các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ Nam Bộ. Không chỉ chiếm số lượng áp đảo so với động từ chỉ hành động hay trạng thái tình cảm, các tính từ dùng để miêu tả sự vật, hiện tượng trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư còn mang một ý vị đặc sắc riêng. Đó là

những tính từ láy và tượng thanh như: long tong, lỏn tỏn, lóc cóc, lọc cọc, tè tè, chách bụp, tinh tang, lẹt xẹt, lụp cụp, ồ ồ, rột rẹt…, hay giàu tính tượng hình như: cong vênh, tròn dình, chom hom, thù lù, xơ rơ, quặt quẹo… Theo

thống kê, chúng tôi nhận thấy những tính từ chỉ trạng thái tình cảm của con người không chỉ chiếm ưu thế về số lượng, mà còn nổi bật hơn bởi hiện tượng tính từ láy chiếm đa số, vì vậy nó có khả năng to lớn trong việc bộc lộ thế giới

nội tâm của nhân vật như: càm ràm, na, nách, cự, đụt, biểu, nắm nuối, ngó, cặm, ngoi quẫy, quá giang, quơ, lượm, mần ăn, khoái, dừng, xà quần, rầu, xúc, quở, lai rai, tụt, lội, tiếp, lòn, xài, đổ quạu, coi kiếng, làm lơ, ực, chựng (lại), lò mò, rang, lia lia, mằn mằn, rầy, so cựa, xẹt, ngán, tạt, ụp, chắc mẳm, giạt, lánh, day day, nghiêng nghiêng ngó ngó, hối, hụ hợ, giả đò, te te, cuốn

(đồ), rượt, dộng, quớt, ghịt (dây), đưa hơi, hủ hỉ, lẫy, nán, ngoắc, lườm lườm, táp, tưng tiu, ừ hử, nắm níu, trộ (lên), tề, róc, lội, cản, dong, dỏng (lỗ tai), quờ, hức, suốt (lúa), ỷ y, ngán, chém vè, xổ, giả đò, thường,… Về phương diện sử dụng nhiều động từ mang sắc thái Nam Bộ rõ rệt, Nguyễn Ngọc Tư tỏ ra là một học trò xuất sắc của Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Trang Thế

Hy…Nhiều động từ phải được vận dụng vào những trường hợp cụ thể thì

người đọc mới có thể hiểu được như: hụ hợ, đưa hơi, chém vè, ỷ y…Nếu là những động từ chỉ hành động của nhân vật thì nó thường ngắn, mạnh, gọn kiểu như: đụt, tạt, ụp, dộng, táp, tề, róc…như tính cách vốn mạnh mẽ và dứt

khoát của người Nam Bộ.

Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư đã đem đến cho người đọc một cái nhìn khá chân thật, sinh động về cảnh vật, con người vùng sông nước miền Tây - Nam Bộ. Có được điều đó, phần lớn là do cách sử dụng ngôn ngữ của chị mang đậm sắc thái Nam Bộ, cách viết câu giản dị, gần gũi như lời nói thường ngày. Tất cả tạo cho tác phẩm của chị màu sắc riêng, biểu hiện một cách sinh động, chân thật cảnh vật, tâm trạng, cảm xúc của con người. Trong truyện ngắn của chị, ngôn ngữ không bị gò bó vào khuôn mẫu của ngôn ngữ truyền thống nên chúng có khả năng mở rộng và sáng tạo cho phù hợp với tính cách con người và cuộc sống ở vùng đất Nam Bộ.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư từ góc nhìn thể loại (Trang 79)