8. Dự kiến đóng góp
2.1.1. Kết cấu trong tác phẩm văn học
“Kết cấu là sự tạo thành và liên kết các bộ phận trong bố cục của tác phẩm, là sự tổ chức, sắp xếp các yếu tố, các chất liệu tạo thành nội dung của tác phẩm trên cơ sở đời sống khách quan và theo một chiều hướng tư tưởng nhất định” [8,143].
Kết cấu là một yếu tố của hình thức nghệ thuật, “nhiệm vụ chủ yếu của kết cấu là tổ chức bố cục của cốt truyện thành các phần, chương, đoạn, lớp, cảnh một cách hợp lý; đồng thời bố trí, sắp xếp các chi tiết, các sự kiện thành các bộ phận hữu cơ của một quá trình phát triển biện chứng, và cái đích cuối cùng của quá trình đó vẫn là bộc lộ đặc điểm của tính cách nhân vật và khẳng định chủ đề tư tưởng tác phẩm. Ngoài ra, kết cấu còn bố trí, sắp xếp sự xuất hiện một cách hợp lý của các yếu tố ngoài cốt truyện như: lời nói đầu, lời nói cuối của tác giả, những đoạn bình luận trữ tình ngoại đề, những đoạn phụ đề, những bức tranh phong cảnh” [8,144].
Kết cấu có vai trò quan trọng trong việc thực hiện sự thống nhất giữa chủ đề tư tưởng với hệ thống tính cách. Với truyện ngắn, ở một phương diện nào đó, ta có thể khẳng định, nghệ thuật xây dựng kết cấu là nghệ thuật tạo tình huống, tình huống càng giàu kịch tính thì khả năng bộc lộ những đặc điểm bản chất của tính cách càng lớn. Đối với cốt truyện, việc sắp xếp, bố trí các chi tiết, các sự kiện sao cho khéo léo, hợp lý sẽ góp phần khẳng định tài năng của tác giả trong việc miêu tả con người, đời sống.
Truyện ngắn hiện đại là một kiểu tư duy mới, một cách nhìn cuộc đời, một cách nắm bắt đời sống riêng mang tính thể loại. Trong truyện ngắn kết cấu được chia thành nhiều dạng thức: kết cấu đơn tuyến, kết cấu tâm lý, kết
cấu hồi cố, kết cấu theo dòng ý thức... Khảo sát truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, chúng tôi thấy nổi bật lên hai hình thức kết cấu: kết cấu hồi cố và kết cấu theo dòng ý thức.