Trong giao tiếp, con người luôn luôn có nhu cầu tự biểu hiện mình với đối tượng giao tiếp. Văn học cũng là một trong những phương thức giao tiếp của con người. Vì vậy, nhà văn thường tự biểu hiện mình như một người phát hiện, một người khám phá, người nghệ sĩ... Đó cũng là yêu cầu của người đọc đối với nhà văn. Qua những gì mà nhà văn tự biểu hiện trong tác phẩm, ta thấy được hình tượng tác giả. Như vậy, hình tượng tác giả cũng là một hình tượng được tạo ra trong tác phẩm, “được thể hiện theo nguyên tắc tự biểu hiện sự cảm nhận và thái độ thẩm mĩ đối với thế giới nhân vật. Vấn đề hình tượng tác giả không chỉ là sự phản ánh tác giả vào tác phẩm, thể hiện sự tương quan giữa con người và sáng tạo văn học, mà còn là vấn đề cấu trúc nghệ thuật, sự thể hiện của chủ thể” [86; 108]. Thông qua những gì Lý Lan tự biểu hiện trong tạp văn, ta thấy được hình tượng tác giả trong tạp văn Lý Lan với những đặc điểm sau:
- Con người “vừa đi đường, vừa kể chuyện”
Trong một tạp văn, Lý Lan đã nói về trạng thái “không thể ngồi yên nơi bàn viết trong một góc nhà mà suy nhgĩ. Khả năng suy tư trên đôi chân chuyển động chắc là được di truyền từ ông bà cha mẹ tôi, nếu không thì đó là thói quen tôi đã tập nhiễm từ những người thân thuở ấu thơ” (Quang gánh đường xa). Và dường như, trong suốt những tạp văn của mình, Lý Lan thể hiện điều này rất rõ. Đọc tạp văn của Lý Lan ta luôn thấy một người phụ nữ đôi chân không ngừng bước trên những chặng đường để suy tư và kể chuyện. Ta thường bắt gặp lối vào đầu của rất nhiều tạp văn bằng cách giới thiệu một chuyến đi:
“Có một ngày, tôi đi quanh làng quê của mình như một du khách...” (Du khách về làng).
“Tôi đi dọc đường Hùng Vương....” (Quang gánh đường xa).
“Gần tết, tôi đưa bạn đi Chợ Lớn...”(Tản mạn ở Soái Kình Lâm).
“Cách tốt nhất để quên đi chuyện cuối năm nợ hỏi tít mù: bỏ đi chơi xa một chuyến...” (Hội hè đình đám).
“Một hôm, tôi đưa một người nước ngoài đi dạo quanh thành phố...”
(Tạp văn thứ 24, mục 7, Miên man tùy bút).
“Hôm nay tôi đi cắt tóc, làm đầu...”(tạp văn thứ 26, mục 7, Miên man tùy bút).
“Nắng ráo lên rồi, đi dạo phố thôi...” (tạp văn thứ 27, mục 7, Miên man tùy bút).
“Một năm mười hai tháng tôi đi chợ một ngày, phiên chợ tết...” (Du xuân).
“Tôi đi dự hội,...” (tạp văn thứ 46, mục 9, Miên man tùy bút).
Ta tưởng như con người ấy luôn rong ruổi tìm kiếm hứng và tứ cho những trang viết của mình. Cũng qua những chuyến đi này, tác giả nhận biết, phát hiện, khám phá ra nét hồn hậu, đáng yêu của những “người dưng”, lợi ích của những “gánh hàng rong”, và đặc biệt vẻ đẹp của miền quê ngoại, của những con phố, con hẻm Sài Gòn... Ẩn đằng sau đó còn là một triết lý sâu sắc: Cái đẹp luôn tiềm ẩn trong những gì bình thường, thô sơ nhất, nếu ta không bỏ công khám phá, kiếm tìm, nếu ta không mở rộng tâm hồn ra để cảm nhận thì không thể phát hiện được.
- Con người nhạy cảm, giàu suy tư
Đi nhiều, tìm hiểu nhiều, vốn hiểu biết về cuộc sống rất phong phú, đặc biệt lại có dịp sống trong nhiều nền văn hóa là những ưu thế của Lý Lan khi trình bày nhiều vấn đề trên nhiều lĩnh vực của đời sống. Nhưng có lẽ vì điều đó được kết hợp với một trái tim rất nhạy cảm trước mọi biến thái của cuộc sống cho nên Lý Lan là một con người rất hay ưu tư – một kiểu ưu tư nhạy cảm đầy nữ tính, mau nước mắt, dễ xúc động: khi trở về và nhìn thấy con suối thuở bé thơ của mình đang bị đầu độc bởi bao rác thải công nghiệp thì Lý Lan
“đứng lặng yên nghe đứa nhỏ trở về trong tôi bật khóc” (Có một con suối); nghe em học trò nhỏ của người thầy khiếm thị gọi “Thầy ơi” từ bên kia đường, “tự nhiên nước mắt tôi rơi”(Người thầy đứng lớp ở ngã tư); khóc trên bàn giáo viên bởi một câu hỏi của học sinh; nhìn ảnh những người lao động ở Sài Gòn khi xa đất nước thì “phồng mũi đỏ, mắt nhòa đi, nghẹn ngào”(Nhớ người dưng)... Người đàn bà hay suy nghĩ ấy có thể mất ngủ vì điều biết muộn màng về tình thương của một cô giáo cũ dành cho mình; mất ngủ trước đêm khai trường lớp một của con. Đặc biệt là một cô giáo tâm huyết, những vấn đề giáo dục luôn làm Lý Lan phải trăn trở, day dứt: từ vấn đề dạy gì cho học sinh, sự tha hóa môi trường giáo dục, cuộc sống của giáo viên, mối quan hệ thầy trò... Tất cả đều để lại nỗi ưu tư trên từng trang viết: “tôi buồn lắm, mỗi khi đứng trên bục giảng nghĩ đến tương lai, tôi lấy hai tay bịt mắt lại mà vẫn thấy sợ hãi lạnh người” [48, 79]. Chỉ có một tâm hồn nhạy cảm, nhân hậu, tinh tế mới để ý đến cuộc sống của những người bán hàng rong, lặng lẽ quan sát bữa ăn trưa của một người đạp xích lô để ghi lại một cách tỉ mỉ và xúc động: “người cha đạp xích lô ăn “một tô gọi là phở giá 3.000đồng lõng bõng nước, người đàn ông lấy từ dưới ghế xích lô ra một lon cơm nguội, trút vào tô phở, để ăn no nê một bữa trưa; mua 1.000đồng trà rót đầy bình nhựa, cất dưới ghế xích lô, rồi còng lưng tiếp tục đạp xe dưới nắng lửa, dưới mưa giông” (Quang gánh đường xa)... Và cũng chỉ con người ấy, đôi mắt ấy giữa dòng người xuôi ngược, ngước nhìn lên mới thấy “một khoảng trời mới lạ mà thân quen, lại gặp vòm hoa tưởng đâu năm ngoái đã rụn hết mà nay lại trổ vàng. Và những cánh chim nữa, tưởng mất tăm rồi, lại bất ngờ bay về, chở theo cả một mùa xuân”[48, 117 ].
- Con người dí dỏm, thông minh
Trên những trang viết của Lý Lan, bên cạnh cái ưu tư suy nghĩ, ta thấy thấp thoáng những nụ cười. Có khi là nụ cười hiền lành và trìu mến khi nói về bà ngoại: “ Bà tôi quanh năm ở nhà mặc áo túi, một thứ áo bà ba ngắn tay, đi đám thì mặc áo bà ba dài tay, vắt vai cái khăn rằn nữa là tự coi mình là người
lịch sự. Khi các dì tôi lấy chồng thành thị, sắm cho bà đôi áo dài thêu để ngồi sui, bà nhất định không mặc. Khách đến nhà, bà cầm cái áo dài ra tiếp, vắt cái áo lên thành ghế mình ngồi, ý là trời nóng nực quá, xin miễn mặc áo dài, chứ tui cũng có áo nè. Từ khi áo may đến khi bà tôi mất, bà chỉ mặc thử nó một lần ở tiệm may, và cầm nó đi dự khoảng vài chục cái đám cưới”[48, 129]. Có khi là nụ cười tự trào khi mô tả mình: “Bộ dạng tôi hơi lùi xùi, nhưng mặt mũi tử tế, hy vọng bước vào các shop thời trang không đến nỗi bị nghi ngờ. Nhưng con mắt nhà nghề của những người bán hàng có thể kết luận ngay từ cái nhìn ban đầu là chớ trông mong bán được cái gì cho tôi.”[48, 126]; hay nụ cười tếu táo khi bàn về cái “gu” của con người: “Áo quần không hợp gu thì bỏ đi hoặc đẩy ra chợ trời. Bạn bè không hợp gu cũng có thể đổi. Nhưng không thể đổi anh chị em cha mẹ hay vợ chồng, con cái. À, vợ chồng theo quan niệm của Khổng Mạnh thì cũng như quần áo nên có thể đổi, chỉ hiềm là phiền hà tốn kém và mất thời giờ”[48, 133]... Tóm lại, nụ cười của Lý Lan không sảng khoải, không nhiều hàm ý, đó là nụ cười hiền lành, dễ mến của một tâm hồn lạc quan, nhân hậu.
Như vậy, cũng giống như trong truyện ngắn và tiểu thuyết, giọng điệu và hình tượng người kể chuyện đã góp phần tạo nên dấu ấn riêng trong những trang viết của Lý Lan. Qua đó, ta thấy tính chất nữ tính rất dịu dàng, đằm thắm, đa cảm kết hợp với phong cách dí dỏm, hài hước, rất hiện đại – một biểu hiện độc đáo trong dấu ấn nữ quyền văn xuôi Lý Lan.