Những vấn đề văn hóa

Một phần của tài liệu Đặc điểm tạp văn Lý Lan (Trang 68)

Văn học là sự tự ý thức văn hóa. Văn học chẳng những là một bộ phận của văn hóa, chịu sự chi phối ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa mà còn là một trong những phương tiện tồn tại và bảo lưu văn hóa. Văn học chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường văn hóa thời đại và truyền thống văn hóa độc đáo của một dân tộc, đồng thời thể hiện cả nội hàm tâm lý văn hóa độc đáo của một thời đại và một cộng đồng dân tộc. Cùng với hệ thống giá trị văn hóa là những mô thức văn hóa riêng của một cộng đồng dân tộc, văn học đã tự giác tiếp nhận và thể hiện những giá trị và mô thức mà cả cộng đồng tôn trọng và tuân thủ.

Mặt khác, nhà văn – chủ thể sáng tác phải là con đẻ của một cộng đồng, thuộc về một cộng đồng nhất định. Muốn hay không anh ta cũng đã tiếp nhận những thành tố văn hóa của cộng đồng mình, những lối tư duy, những mô thức ứng xử trong đó chứa đựng nội hàm văn hóa, tâm lý riêng của thời đại cũng như những ngưng tụ giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Vì vậy,

nhà văn dù sáng tạo tới đâu, viết ra hay nói ra vấn đề gì thì cũng vẫn thể hiện tâm thái văn hóa và những kết cấu tâm lý văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Lý Lan sinh ra ở Bình Nhâm, quê mẹ và lớn lên ở Chợ Lớn, còn cha là một di dân từ Triều Châu, Trung Quốc. Dầu có sự pha trộn dòng máu Việt - Trung, (sau này lại kết hôn với một người Mỹ) nhưng cái hình thành nên hồn cốt Lý Lan vẫn là đất và người Nam Bộ. Nam Bộ là vùng văn hoá hình thành sau các vùng văn hoá khác, theo chiều từ Bắc vào Nam. Theo Trần Ngọc Thêm, đặc trưng văn hoá Nam Bộ thể hiện ở năm đặc điểm: tính sông nước, tính bao dung, tính năng động, tính trọng nghĩa, tính thiết thực. Có thể thấy những đặc điểm văn hoá này trong con người Lý Lan, ở mức độ đậm nhạt khác nhau. Trong tạp văn của Lý Lan, vẻ đẹp của văn hóa Nam Bộ được thể hiện trong những hoài niệm về xứ miệt vườn Lái Thiêu, và đậm đặc và rõ nét nhất là đời sống văn hóa của người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Thông qua những bài viết về văn hóa người Hoa ở Nam Bộ, Lý Lan bộc lộ quan niệm của mình về văn hóa trong thời đại hội nhập.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tạp văn Lý Lan (Trang 68)