Kết cấu cốt truyện

Một phần của tài liệu Đặc điểm tạp văn Lý Lan (Trang 88)

Tạp văn được xem là một thể trong loại tác phẩm ký. Mặc dù có đặc điểm riêng của thể nhưng tạp văn vẫn mang đặc điểm chung của loại ký. Một trong những đặc điểm chung ấy chính là kết cấu. Thông thường, tạp văn thường được tổ chức theo một trong hai dạng kết cấu: kết cấu – cốt truyện với sự xâu chuỗi các chi tiết, sự kiện và kết cấu – liên tưởng với sự xen kẽ giữa sự kiện, con người với những đoạn nghị luận, trữ tình.

Nội dung chính của tạp văn thường có sự đan xen chi tiết, sự kiện với các đoạn nghị luận, trữ tình. Vì có chi tiết, sự kiện nên kiểu kết cấu - cốt truyện cũng là một trong những kiểu kết cấu cơ bản của tạp văn. Chủ yếu kết cấu – cốt truyện trong tạp văn được hiểu là sự tổ chức tác phẩm từ việc xâu chuỗi các chi tiết, sự kiện theo một trật tự hợp lý.

Khác với tạp văn của một số tác giả (ví như Nguyễn Quang Lập), tạp văn Lý Lan hầu hết là những dòng tâm tư, suy ngẫm, phân tích, đánh giá... nói chung là thường không có cốt truyện, nói chính xác hơn, rất ít tạp văn có một cốt truyện xuyên suốt. Lý Lan viết tạp văn như một người đàn bà đang nói chuyện với độc giả chứ không phải chủ ý kể những câu chuyện. Tuy nhiên, trong rất nhiều tạp văn, ta lại thấy sự lồng ghép vào kết cấu những câu chuyện nhỏ. Chẳng hạn tạp văn 1, mục 1 nói về quê ngoại Lái Thiêu và những ngày sống với Ngoại sau khi mẹ mất, phần cuối là câu chuyện xúc động về việc đi bán quả cùng Ngoại làm rơi mất một chiếc dép, bà bảo cháu bỏ luôn chiếc còn lại để ai đó lượm được chiếc kia thì thấy luôn chiếc này và được cả đôi để mang; tạp văn 12, mục 3 kể về trường trung học Cần Giuộc, ngôi trường đầu tiên tác giả vào dạy học, kết thúc bằng câu chuyện về người học trò lặng lẽ “hộ tống” cô giáo hai mươi cây số trong mưa bão; tạp văn 16, mục 4 nói về thực trạng đời sống giáo viên, tác giả kể câu chuyện diễn ra trong đợt học chính trị của giáo viên tỉnh Long An, câu chuyện về người thầy của ngài thống đốc và người tù, câu chuyện về thầy giáo Thành; ở tạp văn thứ 33, mục 8, để giải thích cho cụm từ coi hát cọp, nhà văn kể câu chuyện dân gian cọp đi xem hát; tạp văn thứ 38, mục 8 có câu chuyện một cậu học trò nhầm lẫn Xuân Quỳnh với Xuân Diệu; tạp văn Người trong hẻm có câu chuyện tình hài hước về một anh chàng theo đuổi một cô gái nhà trong hẻm; mở đầu tạp văn Sỏi và đá là câu chuyện đầy ý nghĩa về bài dạy của một vị giáo sư... Có những trường hợp câu chuyện trở thành một điểm nhấn quan trọng của tạp văn: câu chuyện về bà ngoại trong tạp văn 1 hay câu chuyện về người học trò trong tạp văn 12; có trường hợp những câu chuyện chỉ mang tính chất minh họa.

Kiểu kết cấu này giúp người đọc dễ theo dõi và góp phần tạo nên sự hấp dẫn của tác phẩm. Tuy nhiên, cốt truyện ở đây thường rất đơn điệu. Nếu tường thuật không khéo, người đọc sẽ dễ nhàm chán và câu chuyện mà tác giả kể sẽ trở thành một “chuyện phiếm”. Lý Lan đã khắc phục tình trạng đó bằng cách làm giãn nở cốt truyện, gia tăng các yếu tố trữ tình, chính luận, các đoạn

miêu tả. Chính vì vậy, người đọc sẽ ngầm nhận ra rằng, mục đích chính của nhà văn không phải là kể một câu chuyện mà thông qua một câu chuyện để gửi gắm triết lý nhân sinh, thái độ của tác giả với sự việc. Tuy nhiên, theo chúng tôi, loại kết cấu này chưa phải là nét đặc sắc về nghệ thuật kết cấu của tạp văn Lý Lan.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tạp văn Lý Lan (Trang 88)