Nét riêng về văn hóa xứ miệt vườn Đông Nam bộ

Một phần của tài liệu Đặc điểm tạp văn Lý Lan (Trang 78)

Tám năm đầu đời sống cùng bà ngoại ở xứ miệt vườn Lái Thiêu đã trở thành kỉ niệm thiết thân theo suốt cuộc đời Lý Lan. Sau này, mặc dù chuyển về sống với cha ở Chợ Lớn, trưởng thành trong môi trường phố thị nhộn nhịp mua bán, nhưng hồi ức về bà ngoại và hình ảnh những vườn cây ăn trái, những gò rẫy xanh mướt, những con mương con suối ngọt lành vẫn lấp lánh trong những trang viết. Như một lần Lý Lan tâm sự trong tạp văn của mình: “Quê mẹ và tuổi thơ ở quê là mạch nước ngầm của đời tôi. Khi nào khát tình cảm, khát đề tài, khát cảm hứng, thì tôi lại tìm về cái mội nước ấy”[42, 10]. Và cứ tự nhiên như thế, qua những tác phẩm của Lý Lan viết về quê mẹ, người đọc hiểu thêm về một miền “xứ vườn” khá nổi tiếng của Đông Nam bộ với những nét văn hóa đặc trưng. Trong một số tạp văn như Có một con suối, Du khách về làng,… người đọc thấy được những nét đẹp của làng quê qua con mắt của một người con xa quê, cảm nhận được nỗi nhớ thương, tiếc nuối

của nhà văn về những vẻ đẹp nguyên sơ của cảnh quan làng quê đang dần bị mai một. Ở tạp văn thứ 1, mục 1 cuốn Miên man tùy bút, hay Bông chùm bao, ta thấy được thấp thoáng hình ảnh những người dân xứ vườn nhân hậu, chịu khó, cần cù qua hình ảnh của bà ngoại. Nhưng có lẽ, văn hóa miệt vườn được thể hiện tập trung và có ý thức nhất qua tạp văn Mẹ mong gả thiếp về vườn.

tạp văn này được website của hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đăng tải lần đầu vào tháng 11 – 2011. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Sơn Nam lại dùng từ “văn minh miệt vườn” để nói về đời sống vật chất tinh thần của dân xứ vườn. Trong tạp văn của mình Lý Lan đã góp phần lý giải điều đó bằng việc chỉ rõ đặc trưng trong văn hóa sản xuất của xứ Lái Thiêu:Khi cư dân hai bên bờ suối lập vườn, họ phải khai mương. Hệ thống mương vườn gồm những mương cái cắt vào con suối và những mương con với bề rộng và chiều sâu khác nhau cắt ngang cắt dọc đất vườn thành từng vạt khoảng ngàn thước vuông, được thiết kế tài tình sao cho nước mương lưu thông theo thủy triều của sông Sài Gòn. Khi triều cường, nước sông Sài Gòn đẩy ngược nước suối vô mương vườn. Nước mương mấp mé bờ thì người ta chặn cửa mương lại. Nước sông và phù sa tôm cá ở lại trong mương. Phù sa lắng xuống, tôm cá kiếm những hốc, hố, đìa dưới đáy mương ẩn trú. Thủy triều xuống, người ta nhả nước mương ra suối ra sông, hay cầm nước lại tùy nhu cầu tưới tiêu, tùy

mùa khô mùa mưa” (Mẹ mong gả thiếp về vườn). Kĩ thuật làm vườn tinh vi này chỉ có thể áp dụng cho vùng ven các nhánh sông lớn nhiều kênh rạch ở Đông Nam bộ hoặc Đồng bằng sông Cửu Long. Chính nét đặc trưng trong văn hóa sản xuất này đã tạo ra một đặc điểm văn hóa khác cho vùng đất này: tính cố kết cộng đồng. “Bởi vì ở xứ vườn, vườn nhà này tiếp vườn nhà kia, mương vườn này nối với mương vườn nọ, nước thì chảy theo qui luật của nó. Nếu đoạn mương nào bị trục trặc, không được vét hay bị bịt lại chẳng hạn, cả hệ thống bị ảnh hưởng. Người làm vườn và người sống ở xứ vườn tự động liên kết với nhau, như những thanh tre kết chung một bè, không thể chỉ biết có mình, không thể sống mà không biết tới hàng xóm. Vì

vậy căn bản của văn minh xứ vườn là sống hài hòa với thiên nhiên và thuận thảo với xóm giềng” (Mẹ mong gả thiếp về vườn). Không chỉ sống thuận hòa với người trong vùng miền, dân miền Tây và miền Đông cũng có mối quan hệ gắn kết, giao lưu qua lại với nhau. Họ trao đổi và chia sẻ từ kĩ thuật canh tác, làm vườn, đến những sản phẩm đặc sản, giống cây trái… Đời sống vật chất và tinh thần của dân miệt vườn nói chung, như Lý Lan đã dẫn ý của Sơn Nam, “tiêu biểu cho hình thức sinh hoạt vật chất và tinh thần cao nhất ở đồng bằng sông Cửu Long”: “Nhờ rộng rãi thời giờ, và không đến nỗi khan hiếm vật chất, người xứ vườn chú trọng đời sống lễ nghĩa và đời sống tinh thần, nâng cuộc sống lên mức thưởng ngoạn, chứ không chỉ là mưu sinh. Thậm chí phụ nữ biến nữ công, từ thêu thùa đến nấu nướng, thành nghệ thuật, để thi thố trong những giỗ chạp, tiệc tùng, hay trong các cuộc “đấu xảo”, hội chợ” (Mẹ mong gả thiếp về vườn).

Lý Lan từng tâm sự: “điều tôi viết về quê tôi, kể về quê tôi, từ kí ức tôi mang theo khi xa quê. Ở thành phố, ở xứ người, quê nhà trong tôi hòa quyện cả hồi ức lẫn tưởng tượng” [48, 10]. Mặc dù chỉ là những hình ảnh của kí ức và tưởng tượng, nhưng những nét đặc sắc của văn hóa xứ vườn quê mẹ vẫn hiện lên sống động qua những trang viết của Lý Lan. Trên những trang viết đó, người đọc cảm nhận được rõ ràng niềm tự hào và tình yêu tha thiết với quê hương, niềm nuối tiếc da diết với những giá trị văn hóa đang ngày bị mai một, biến mất.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tạp văn Lý Lan (Trang 78)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(111 trang)
w