Vấn đề giáo dục

Một phần của tài liệu Đặc điểm tạp văn Lý Lan (Trang 59)

Nếu truyện và tiểu thuyết là những thể loại mà độc giả rất khó nhìn thấy bộ mặt thật của nhà văn thì tạp văn, ngược lại, là thể loại mà tác giả dễ để lộ dung mạo thật của mình nhất (dẫn theo ý của Mạc Ngôn). Thật vậy, tạp văn là nơi mà những kiến giải, tâm tư và trải nghiệm cá nhân của nhà văn thể hiện rất rõ. Lý Lan từng tâm sự: “Tôi viết bằng kinh nghiệm và tâm tình của một người đàn bà đã sống tận tình trong nửa thế kỷ đầy biến động, đầy bão tố và thăng trầm của đời mình và cộng đồng xã hội mình” [55]. Trong tạp văn của Lý Lan, kinh nghiệm tâm tình của cá nhân cùng lúc hòa điệu vào những vang âm của cộng đồng xã hội. Đặc biệt là ở những tạp văn về giáo dục. Trong 59 tạp văn mà chúng tôi nghiên cứu có 13 tạp văn trực tiếp đề cập đến những vấn đề giáo dục. Có thể nói đây là những trang viết nhiều trăn trở và lắng đọng nhất trong tạp văn Lý Lan.

Jacques DoLoss nói: Giáo dục là một trong những công cụ mạnh nhất mà chúng ta có trong tay để sáng tạo nên tương lai”. Vấn đề giáo dục bao giờ cũng được đặt vào vị trí quan trọng bậc nhất đối với hầu hết mọi quốc gia bởi sự nghiệp giáo dục đào tạo có vai trò hết sức to lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi đất nước cũng như trên toàn thế giới. Đối với nước ta, từ khi bắt đầu hòa bình lập lại, nền giáo dục được thống nhất ở hai miền Nam Bắc. Những khó khăn kinh tế xã hội điển hình của một đất nước vừa ra khỏi chiến tranh đã đặt ra nhiều thách thức cho quá trình thiết lập một nền giáo dục mới.

Lý Lan, trước khi đến với việc viết lách như một hoạt động chuyên nghiệp, nghề chính của bà là dạy học. Sau bốn năm đèn sách ấp ủ nhiều hoài bão, khát vọng, năm 1980, cô sinh viên sư phạm ra trường “hăm hở leo lên bục giảng với một bầu máu nóng tràn trề trong người và một “túi khôn nhân loại” trong tay” (Tản mạn ở Soái Kình Lâm). Những khó khăn, thiếu thốn vất vả của giáo viên ở trường huyện cách thành phố hai mươi cây số không làm nguội tắt được trái tim nhiệt huyết ấy. Gần hai mười năm trong nghề, trải qua nhiều môi trường giảng dạy, từ những ngôi trường nông thôn nghèo đến ngôi trường “giàu và lớn nhất thành phố”, Lý Lan đã trải hết mọi khổ nhục buồn vui. Là người trong cuộc, Lý Lan cũng đã nhìn thấy, trải qua để hiểu rằng những bất cập và vô lý trong ngành của mình “như một thứ bệnh nan y, mà người có trách nhiệm như một thầy lang kinh doanh cao đơn hoàn tán. Chỉ có người trong cuộc là ta, bệnh nhân hay nạn nhân mới biết nỗi đau đớn như thế nào, đã từng chịu đựng và tuyệt vọng ra sao mà vẫn gắng gượng sống. Sự mổ xẻ vụng về, hời hợt chỉ làm tầy huầy, nhức nhói thêm vết thương. Thôi thì như đại đa số đồng nghiệp, âm thầm làm công việc của mình, tự hiểu mình, tự thương lấy mình”[48, 73]. Năm 1997, Lý Lan nghỉ dạy. Sau này, trong những lần được phỏng vấn, khi phóng viên hỏi về lý do nghỉ dạy, Lý Lan có tâm sự: “Việc dạy học trước đây là một hoạt động mưu sinh và một “lý tưởng truyền bá tri thức” mà tôi đeo đuổi thời trẻ. Về sau, buồn vì nền giáo dục nước nhà

tôi nghỉ dạy” [59]. Dù nói như thế nào, cái Lý Lan luôn nhìn nhận và thừa nhận ở bản thân là mình từng ấp ủ những kì vọng, hoài bão và lý tưởng về nghề giáo. Cái tâm trong sáng và ngọn lửa nhiệt thành trong Lý Lan vẫn tiếp tục cháy trên những trang viết về nghề. Từ đây, những vấn đề căn cốt của giáo dục đã được đề cập đến đầy suy tư và trăn trở trong tạp văn Lý Lan.

Trước hết, từng là một nhà giáo, Lý Lan cũng từng băn khoăn với câu hỏi sẽ dạy học sinh của mình những gì? Tất nhiên, giáo dục nhà trường không bao giờ là đơn thuần dạy kiến thức mà còn giáo dục nhân cách. Nhưng một nhà giáo sẽ giáo dục nhân cách cho học sinh của mình như thế nào để khi các em rời khỏi cái hồ con là mái trường, ra giữa biển đời đầy sóng gió không bị nhấn chìm, “bị dội ngược dòng đời” với “những cú sốc và sự thất vọng, chán nản và tự hủy hoại”[48, 61]? Bởi dường như, những đạo lý mà giáo viên ra sức truyền dạy cho học sinh lại không phù hợp, ăn nhập được với thực tế cuộc sống vốn đầy phức tạp. Bởi một sự thực là những học sinh “khôn ngoan”, “hòa nhập tốt vào xã hội và thành công trên đường đời” lại là những học sinh hiểu cái chân lý của đời sống: “Sự thật không nhất thiết phải được tôn trọng, sai trái bưng bít được không cần sửa chữa; lợi cho mình, hại cho người khác kệ họ; biết tỏ ra vâng lời né tránh chuyện rắc rối, tiền và quyền là sức mạnh” [48, 61]. Và có lẽ, bất cứ giáo viên tâm huyết nào cũng dễ dàng tìm được sự đồng cảm khi đọc những dòng này: “Nhà trường là nơi tôi chọn để mà lui về, nhưng là nơi xuất phát của các em để tỏa ra ngàn vạn nẻo đường trắc trở. Để mặc cho các em phát triển những gì cần thiết để ứng phó với cuộc sống mà chính mình cũng không lường được nổi sẽ ra sao, hay cố mà ôm giữ lấy “đạo nhà”? Và liệu có giữ nổi không, có đạo đức giả không, khi dạy các em những điều cao đẹp mà chính mình cũng khó giữ được, và các em, bằng thực tế cuộc sống quanh mình, trong trường, lớp, tại gia đình, cũng biết là “xài” không được? Khi mọi người báo động “đạo đức học sinh xuống cấp”, phải chăng người ta muốn nói rằng: ‘Điều xưa là đạo đức nay đã xuống cấp ở các em’ vì nó không còn là giá trị thực trong xã hội nữa?” [48, 62]. Có thể nói, nếu

không có sự thẳng thắn, dũng cảm và cái tâm của một nhà giáo, Lý Lan không thể viết lên được những trang viết như thế này.

Để giáo dục nhân cách học sinh, Lý Lan luôn đòi hỏi một môi trường giáo dục thuần khiết. Môi trường đó trước hết phải được tạo nên từ vẻ đẹp sư phạm của các ngôi trường. Phản đối việc các trường học cho thuê mặt tiền xây dựng ki-ốt, Lý Lan liên tiếp đặt ra những câu hỏi nhức nhối: “Nếu cứ đập trường ra xây ki-ốt như vậy, liệu có phải chỉ gạch ngói tan tác không? Ai lường được cái giá sẽ phải trả cho sự đổ vỡ trong tâm hồn trẻ thơ, sự dung tục hóa, tầm thường hóa và thực dạng hóa đang nhiễm dần vào tư tưởng thiếu niên khi mỗi ngày các em ngồi học trong cõi ì xèo những mặc cả và lường lọc của kẻ bán người mua? Hay ta quan niệm rằng tu giữa chợ mói chóng đắc đạo nên đem chợ búa bao vây trường học cho các em sớm thành ...con buôn?” [48; 72]. Không chỉ việc các trường “trổ rào, khoét vách tham gia thị trường”, môi trường giáo dục thuần khiết đang ngày ngày bị băng hoại đi bởi xu hướng kinh doanh hóa: “Trường có mặt bằng thuận lợi cho việc kinh doanh. Lại có phòng nha sẵn máy móc, học sinh phải làm sổ nha bạ (đóng tiên) muốn nhổ răng, trám răng, cà răng (trả tiền theo dịch vụ). Phòng máy vi tính, muốn học đóng tiền. Thuê máy sử dụng: đóng tiền (...) Giáo viên chủ nhiệm suốt tuần chỉ lo mỗi việc đóng tiền: tiền bảo trợ, tiền phụ huynh, tiền thuê sách, tiền phụ đạo, tiền cứu trợ, tiền quỹ lớp, tiền khám răng...” [48, 78]. Ở đây, kinh tế thị trường không chỉ tồn tại bên cạnh (nhưng là bên ngoài) trường học, nó đi sâu vào trong, xâm nhập và gặm mòn giáo dục. Rất nhiều lần, những câu hỏi cất lên trong tạp văn của Lý Lan đầy day dứt: “Rồi sẽ ra sao thế hệ được đào tạo dưới mái trường mà chữ nghĩa chỉ là món bán kèm theo trong một nền giáo dục kinh doanh?” [48, 79]. Hậu quả của nền giáo dục kinh doanh ấy còn sâu sắc hơn khi nó đủ sức đảo chiều những giá trị tưởng như bất biến trong giáo dục: mối quan hệ thầy trò. Chính bởi coi học trò như đối tượng kinh doanh (khách hàng) chứ không phải đối tượng giáo dục nên mới có câu nói thật đầy chua chát của một vị hiệu trưởng: “...Học sinh là đối tượng phục vụ của giáo

viên”, hay câu hỏi ngỡ ngàng từ một phụ huynh: “Giáo viên đã trở thành người chạy bàn trong trường ư?”[48, 78]. Cũng chính vì thế nên mới có chuyện trước cổng trường Hùng Vương, học sinh đâm xe máy vào một cô giáo đang mang bầu rồi bỏ chạy, hay ở trường Bùi Thị Xuân, học sinh trù giáo viên bằng lá phiếu giảm biên chế. Lý Lan viết về tất cả những điều này với một nỗi buồn nặng trĩu, sâu thẳm của một nhà giáo gắn bó với nghề.

Cũng trong nỗi chua chát đó, đời sống khó khăn của giáo viên được Lý Lan phản ánh thông qua cái nhìn cận cảnh của một người trong cuộc: “Đại bộ phận giáo viên phải xoay xở làm thêm một hoặc nhiều nghề tay trái (dần dần họ đâm... thuận tay trái). Khi muốn nhấn mạnh khía cạnh bi đát của nhà giáo người ta hay nêu hình ảnh thầy giáo đạp xích lô. Riêng tôi biết những đồng nghệp phải làm nhiều việc nhọc nhằn cực khổ hơn để có thể sống còn (không phải thầy giáo nào cũng có thể lực tốt để có thể đạp xích lô). Những người thuộc đa số thầm lặng này sống như thế nào? Tôi là người trong cuộc nhưng xin im lặng. Vì không có sự bí mật nào bí mật như sự nghèo khổ...”[48, 76]. Những câu văn này có thể làm cho những nhà giáo từng trải qua những tháng năm như thế phải rơi nước mắt. Thẳng thắn, chân thành và xúc động, Lý Lan đã từ những trải nghiệm của cá nhân mình chạm vào cõi tâm hồn của những con người đã trót “mang lấy nghiệp vào thân”. Đã từng là một giáo viên, trong tác phẩm của mình, Lý Lan còn dõng dạc cất tiếng nói bảo vệ tư cách của nhà giáo: “...ngay cả sự đãi ngộ xứng đáng mà nhà giáo có quyền đòi hỏi chính đáng, nhà giáo cũng đã không đòi. Không! Nhà giáo là người cho đi tri thức, cho đi tình thương, cho đi niềm hi vọng ở tương lai...để nhận lại có khi là sự bạc bẽo của học sinh, sự rẻ rúng của xã hội...” [48, 77]. Nhưng đồng thời, là một nhà giáo, Lý Lan hiểu rõ trách nhiệm của mình trước học sinh và xã hội: “Một nhà giáo không thể đợi đến ngày cuối cùng mới bị phán xét. Mỗi ngày đứng trước hàng trăm con mắt trong sáng và tin cậy, tôi biết mình đang được phán xét. Phải luôn dọn mình để có thể thanh thản nhìn vào mắt các em, và luôn canh cánh nỗi sợ hãi trở thành “tấm gương cho các em noi theo”[48,

61]. Đề cao vai trò và công việc của người thầy, Lý Lan yêu cầu việc dạy học phải xuất phát từ tình yêu và niềm đam mê, hứng thú và sáng tạo. Bà khẳng định: “Không có những cảm xúc nhân tính thì dạy học chỉ là truyền thông tin từ cái máy trữ dữ liệu này sang cái máy khác”[48, 50].

Đặc biệt, trong tạp văn Lý Lan, hình tượng những người thầy luôn được khắc họa với vẻ đẹp bình dị mà đáng quý. Lý Lan kể những câu chuyện về họ - có thể là câu chuyện của chính chị, hoặc do chị quan sát và ghi lại, hoặc do đồng nghiệp kể lại, tất cả đọng lại trong trái tim người đọc với một niềm xúc động sâu sắc. Câu chuyện Lý Lan kể về cô Thuận , một cô giáo Tiểu học cũ của mình thật giản dị. Cô là người đã xóa tan mọi mặc cảm hèn kém trong cô bé học trò nghèo và trao cho học trò của mình một niềm tin để phấn đấu, cũng là người cố gắng đấu tranh để tạo cho học trò của mình những cơ hội học tập và cạnh tranh công bằng. Tình thương thầm lặng mà sâu sắc ấy của người thầy thuở Tiểu học, mãi đến gần 40 tuổi, đứa học trò mới có dịp nhận thấy và thấm thía: “Ngồi suốt đêm bên bàn viết, tôi thấm thía dần tình thương của cô Thuận. Và cũng vỡ ra cái điều mà ông bà ta hay nói: “Nước mắt chảy xuôi”. Khi tôi nhìn những đứa học trò thành đạt của mình bay xa, không một lần nghoảnh lại chào người thầy cũ, thì chính tôi cũng chưa từng một lần nào nghĩ đến cô Thuận của tôi, thậm chí đã không hề biết rằng cô thương tôi lắm, thương nhất lớp”[48, 27]. Cũng nhìn người thầy từ vị trí của một học trò, Lý Lan đã viết về thầy D, vị Giáo sư thời Đại học với tất cả sự trân trọng và nể phục. Qua ngòi bút của Lý Lan, người đọc có thể cảm nhận được đó là người thầy giỏi thật sự không chỉ bởi tầm kiến thức “không cần cầm sách và không theo giáo án” mà còn bởi qua những giờ dạy của mình, ông đã truyền cho học sinh của mình cảm hứng và sự sáng tạo. Điều đó nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ của không phải chỉ là những sinh viên ngồi học trước mắt ông, mà còn là những giáo viên của tương lai. Tấm gương của ông vì thế có thể tác động đến nhiều thế hệ học trò.

Người giáo viên trong tạp văn Lý Lan dù nghèo khổ thiếu thốn, dù phải đạp xích lô hay thu ngân nhà hàng để kiếm sống, trước sau họ vẫn giữ vững nhân cách và gắn bó với nghề. Câu chuyện về thầy giáo Thành tuy là câu chuyện được ghi lại thông qua lời kể của một đồng nghiệp nhưng vẫn chân thực và xúc động. Đâu đó, trên đất nước này, ở những vùng rừng núi xa xôi hay nông thôn hẻo lánh, vẫn đang có những người thầy vừa làm ruộng vừa dạy học như Thành, và rồi khi “lũ lụt cuốn mất trường” lại lên thành phố “chạy xích lô cầm cự đến ngày nước rút sẽ về quê mở trường dạy tiếp” [48, 81]. Trong những tạp văn viết về người thầy của Lý Lan, tạp văn số 4 – mục III trong cuốn Miên man tùy bút (ở mục tạp văn trên blog của Lý Lan có tên gọi: Người thầy đứng lớp ở ngã tư) là tạp văn đặc sắc nhất. Lý Lan, bằng đôi mắt quan sát đầy tinh tế và trìu mến của mình, đã ghi lại hoạt động dạy học của một người thầy trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu cho các học sinh bị mù. Bài học qua đường được người thầy kiên trì và cẩn trọng dạy đi dạy lại cho các nhóm học sinh đã để lại trong Lý Lan những suy tư sâu sắc về giáo dục: “Tôi đã quan sát cái lớp học lộ thiên ở ngã tư này từ hồi còn là một nhà giáo. Lúc đó tôi nghĩ đén những bài học suông với những lý thuyết mà mình đã vội đem dạy học trò, những bài học mà tôi biết học trò học chỉ để “trả bài” lại cho tôi mà thôi. Có lúc tôi đã hoang mang không biết những điều tôi đang dạy cho những học trò sáng của mình, ngay cả những điều hay ho nhất, liệu có ích cho chúng như bài học băng qua đường mà người đồng nghiệp kia đang dạy cho học trò mù của mình?” (Người thầy đứng lớp ở ngã tư). Lý Lan đã nhìn nhận ra ở bài dạy hết sức bình thường của một thầy giáo mù cái khía cạnh “cao siêu vĩ đại”, tính chất cao cả của nó: bài học của thầy là “kỹ năng hết sức cần thiết để sinh tồn khi mình bị thiệt thòi và bất lợi trong xã hội. Chất lượng bài học thầy dạy mang tính chất sinh tử đối với đứa học trò. Và đứng lớp đối với thầy cũng là một hoạt động sinh tử” (Người thầy đứng lớp ở ngã ). Bài tạp văn kết thúc như một dấu lặng vào lòng người đọc. Tưởng như

chúng ta có thể khóc cùng Lý Lan khi nghe hai tiếng “thầy ơi” giản dị, quen thuộc mà người học trò mù gọi thầy mình từ bên kia con đường.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tạp văn Lý Lan (Trang 59)