Triết lý về văn hóa của Lý Lan trong thời đại hội nhập

Một phần của tài liệu Đặc điểm tạp văn Lý Lan (Trang 80)

Văn hóa Nam Bộ, xét về nguồn gốc hình thành như một kết quả dung hợp giữa cái nền là văn hoá Việt với những yếu tố tiếp biến từ văn hoá Chăm, Khmer, Hoa…Trong thời cận đại và hiện đại, suốt một thời gian dài vùng đất này lại chịu ảnh hưởng của văn hoá Pháp rồi tiếp đó là văn hoá Mỹ. Và từ năm 1975, nơi đây cũng trở thành một địa bàn biến động mạnh mẽ về thành phần tộc người không kém Tây Nguyên. Vì vậy, Nam Bộ cũng là một vùng đất mà giao lưu, tiếp biến văn hoá đã và đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Hệ

quả là hầu như không có hiện tượng văn hoá nào ở nơi đây còn nguyên chất thuần Việt mà luôn có bóng dáng của những nền văn hoá khác, đã hội tụ nơi đây trong hơn ba thế kỷ qua. Cho nên, có thể nói, giao thoa văn hoá chính là một trong những bản sắc của văn hoá Nam Bộ sự tái tạo các giá trị văn hoá đó cũng là một bản sắc của văn hoá nơi đây.

Bên cạnh sự tiếp biến văn hoá, văn hoá Nam Bộ còn mang đặc trưng đồng bằng sông nước. Hai đặc trưng văn hoá chủ đạo này của vùng đất Nam Bộ đã buộc tất cả các nền văn hoá sinh tụ nơi đây đều phải tự cấu trúc lại, lược bỏ những giá trị không còn phù hợp với môi trường mới, phát triển hoặc sáng tạo những giá trị mới giúp con người có thể tồn tại và phát triển trên một vùng đồng bằng sông nước, đan xen những tộc người khác biệt nhau về văn hoá. Vì vậy, uyển chuyển, linh động, phóng khoáng, bao dung, dần dà đã trở thành bản sắc của văn hoá Việt ở Nam Bộ và văn hoá Nam Bộ nói chung.

Sống trong cái nôi văn hóa đó, triết lý về văn hóa của Lý Lan không nằm ngoài tính chất trên. Là người mang trong mình hai dòng máu: Hoa –Việt, “lớn lên giữa hai thế giới: Việt (ở trường, trong bạn bè) – Hoa (ở nhà, trong xóm)”, Lý Lan từng “chông chênh giữa hai nền văn hóa cùng tồn tại trên một mảnh đất mà không hề hiểu biết nhau, đừng nói chi tới hội nhập, dung hòa” [48, 207]. Và với Lý Lan, việc xác định mình là người Việt hay Hoa từng là một cuộc đấu tranh đau đớn. Để rồi rốt cuộc, bà cũng tự nhận thấy rằng: “tôi vẫn là người Hoa trong mắt nhiều người, vẫn là người Việt trong tâm hồn tôi, và tôi không thấy có gì mâu thuẫn trong hai từ đó cả” [48, 208]. Có thể nói, nhà văn đã tìm được một sự dung hợp văn hóa trong cá nhân mình. Cũng từ đây, sự dung nạp văn hóa lẫn nhau giữa các cộng đồng người Việt, Hoa, Chăm… trên một mảnh đất Nam Bộ với Lý Lan lã lẽ đương nhiên: “cho đến tận ngày nay, dân Sài Gòn thưởng thức những điệu hát cải lương mà chẳng bận tâm rằng vài điệu hát ấy mang âm hưởng nhạc Chăm hay nhạc Trung Quốc. Cũng dễ nhận thấy những điểm tương đồng khi so sánh sân khấu cải lương với sân khấu dù – khê của đồng bào Khơ – me hay hát bội với hát Tiều,

hát Quảng. Dịp lễ tết, người Việt cũng thích coi múa lân, múa rồng. Tuy chùa Ông, chùa Bà của người Hoa, nhưng người Việt vẫn đến cúng bái, và người Hoa thì cầu xin an khang tịnh vượng ở lăng Ông, một vị quan người Việt.

Lịch sử văn học Việt Nam khi ghi lại bước đầu hình thành của nền văn học miền Nam đều nhắc đến Chiêu Anh Các, Bình Dương Thi xã, Gia Định tam gia…mà đôi khi không cần ghi rõ Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Mạc Thiên Tích… là người Minh Hương, sang tác chủ yếu bằng chữ Hán. Tác phẩm của họ mặc nhiên là tài sản văn hóa Việt Nam, bởi vì tâm hồn, tình cảm, hiện thực, chủ đề trong những tác phẩm ấy (Gia Định thành thông chí, Gia Định tam gia thi, Hà Tiên thập vịnh…) đều phát sinh và gắn bó với mảnh đất này”[48, 178].

Bên cạnh sự nhận thức về sự hội nhập và giao lưu văn hóa, Lý Lan hết sức chú ý đến khía cạnh bảo tồn, du trì và phát triển đến đỉnh cao của nền văn hóa các dân tộc. Theo bà, trong lĩnh vực văn hóa “chính sự phát triển đến đỉnh cao nhất văn hóa từng dân tộc đã làm nên hào quang của văn minh loài người” [48, 208]. Trong quan niệm của bà, văn hóa Hoa ở Nam Bộ lúc này đã là một phần của văn hóa Việt Nam bởi “tài sản văn hóa của mỗi đất nước là thành phẩm chung của những cộng đồng dân tộc khác nhau, cùng chung sống trên đất nước đó, và bảo tồn, phát huy văn hóa một cộng đồng dân tộc chính là làm giàu có và vững mạnh thêm văn hóa cả nước” [48, 178].

Tóm lại, qua những trang viết về văn hóa, Lý Lan không chỉ bộc lộ một sự am hiểu sâu sắc về văn hóa tộc người Hoa, văn hóa miệt vườn Đông Nam bộ mà thông qua đó bà còn thể hiện một triết lý khá mở và rất nhân văn về văn hóa trong thời đại hội nhập: Mỗi dân tộc đều phải có nhiệm vụ giũ gìn và phát huy truyền thống và đặc trưng văn hóa của dân tộc mình, đồng thời cũng phải mở rộng, hội nhập, dung hòa với các nền văn hóa khác. Chính điều này sẽ làm cho văn hóa của mỗi dân tộc giàu bản sắc, đồng thời không bị khép kín và góp phần tạo một nền văn hóa chung đa dạng, phát triển lành mạnh rực rỡ “như một tấm tranh thêu đầy màu sắc”.

Tiểu kết chương 2

Tạp văn Lý Lan phản ánh nhiều khía cạnh của đời sống hiện đại: bức tranh phố thị Sài Gòn với những mảng màu sang tối, đời sống tầng lớp tiểu thương, vấn đề văn hóa (trong đó có cả văn hóa người Hoa và văn hóa miệt vườn Đông Nam bộ), vấn đề giáo dục. Hoàn cảnh cuộc đời riêng tạo cho Lý Lan một vốn sống phong phú, lịch duyệt, từng trải để dù đề cập tới phương diện nào của đời sống, tạp văn Lý Lan cũng đầy đặn, sinh động. Phía sau những trang viết là một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, trĩu nặng suy tư, nhân hậu và luôn thao thức với cuộc đời. Hình thức nào cũng là hình thức của một nội dung nhất định. Việc hiểu sâu sắc về nội dung phản ánh của tạp văn Lý Lan sẽ tạo điều kiện để chương tiếp theo chúng tôi đi vào khám phá hình thức nghệ thuật trong tạp văn của bà.

Chương 3

Một phần của tài liệu Đặc điểm tạp văn Lý Lan (Trang 80)