Với sự phát triển mạnh mẽ của thời đại thông tin và nhịp sống hiện đại này, tạp văn trở thành một thể loại rất có ưu thế bởi tính chất ngắn gọn, có thể chớp được một ý nghĩ, một khoảnh khắc suy tư, một thoáng liên tưởng mang đậm dấu ấn cá nhân của tác giả. Nhờ vậy mà nó đến được những khía cạnh sâu xa một cách bất ngờ và tác động trực tiếp tới tư duy, tình cảm người đọc.
Kết cấu liên tưởng, tưởng tượng được Lý Lan sử dụng trong hầu hết các tạp văn ở Miên man tùy bút. Một biểu hiện thường thấy của kiểu kết cấu - liên tưởng là sự xuất hiện tự do, đảo lộn, đan xen của các chi tiết. Tạp văn Lý Lan thường thể hiện một dòng suy tưởng miên man không dứt và trong dòng suy tưởng ấy, tác giả tự do liên tưởng, so sánh, lắp ghép các chi tiết lại với nhau một cách rất “lộn xộn”. Bằng sự liên tưởng đa chiều phối hợp với trí tưởng tượng phong phú, Lý Lan đã làm cho tạp văn của mình trở thành một dòng chảy linh động, tác động trực tiếp đến tư duy, tình cảm của bạn đọc. Tiêu biểu cho kết cấu liên tưởng là các bài: Ai biết ai là ai, Coi sách cọp, Cổng trường mở ra, Gánh hàng rong, Một người Hoa ở Bellingham, Quang gánh đường xa, Sỏi và đá... Trong Ai biết ai là ai (đoản văn thứ 37, mục 8 trong Miên man tùy bút) các vấn đề cứ liên quan với nhau trong một sợi dây liên tưởng: Bắt đầu từ chuyện thầy dạy đòi hỏi học trò có những kiến thức thực tế quanh mình liên tưởng đến thực trạng học tập của học trò ngày nay – từ trò ta đến trò tây – đến vần đề thời đại tri thức và việc tiếp nhận thông tin... Ở Coi sách cọp, sau khi dẫn ra một câu chuyện để giải thích cho cụm từ “coi hát cọp” tác giả liên hệ đến “coi sách cọp”, từ đây lại liên tưởng đến người coi sách, liên tưởng đến độc giả văn chương ngày nay, sau đó lại liên tưởng đến mối quan hệ giữa đọc giả và nhà văn... Ở Quang gánh đường xa cũng tương tự vậy, từ việc tìm ý tưởng cho bài viết về năm con rồng liên tưởng đến thói
quen suy nghĩ khi chuyển động, liên tưởng đến những người thân thuở ấu thơ; khi đi dạo quanh phố xá Sài Gòn lại suy ngẫm về việc đất nước, thành phố sẽ tiến vào thiên niên kỉ bằng cái gì, từ đó liên hệ đến hình ảnh những người lao động nghèo “quang gánh đường xa” trong thành phố... Kết cấu theo liên tưởng này dù tạo ra được sự tự do, phóng khoáng nhưng không làm cho văn bản lỏng lẻo, tùy tiện. Người đọc bị dẫn dắt bởi những liên hệ hết sức bất ngờ và hợp lý của tác giả, cảm thấy bài viết thú vị, đa dạng hơn.
Trong nhiều tạp văn của Lý Lan có kiểu kết cấu liên tưởng hồi cố, nghĩa là từ một sự việc của hiện tại làm liên tưởng đến quá khứ, ví dụ trong Hội hè đình đám, chuyện lễ hội của thời hiện đại đã gợi dậy hồi ức về “những kì lễ hội ở đình” thuở xa xưa, với “nỗi hoang mang ngậm ngùi khi đêm hát cuối cùng xong...” hay trong Tản mạn ở Soái Kình Lâm, khi đang suy nghĩ về sự bất công trong phân phối tri thức thời hiện đại thì tác giả lại để cho trí nhớ trôi về tuổi đôi mươi, về cái thời còn “hăng hái đeo cái túi xách trên vai, cỡi xe đạp đi về gần 50 cây số để dạy học ở nông thôn”... Nói chung, kiểu liên tưởng hồi cố thường tạo ra một sự đối sánh, nhiều khi là đối lập giữa quá khứ và hiện đại, thể hiện rõ được tâm sự hoài niệm và niềm luyến tiếc của tác giả.