Trách nhiệm phải tiếp tục thực hiện hợp đồng

Một phần của tài liệu Trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng dân sự theo quy định hiện hành của pháp luật việt nam luận văn ths luật (Trang 54)

Phải tiếp tục thực hiện hợp đồng là một trong các hình thức cưỡng chế cơ bản mà BLDS năm 2005 của Việt Nam áp dụng đối với các chủ thể đã được xác định phải chịu trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng. Để hiểu rõ hơn về bản chất của chế tài phải tiếp tục thực hiện hợp đồng, chúng ta sẽ xem xét đến đối tượng của hợp đồng là yếu tố chính để các chủ thể có hành vi vi phạm hợp đồng phải chịu chế tài này. Phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ dân sự đã cam kết trong hợp đồng như giao vật, trả tiền, phải làm hay không được phép làm một công việc nào đó tùy theo quy định tại từng hợp đồng cụ thể. Do vậy để hiểu về chế tài này, cần hiểu về đối tượng của hợp đồng cũng chính là đối tượng mà các chủ thể chịu trách nhiệm dân sự phải tiếp tục thực hiện do vi phạm hợp đồng. Sự đáp ứng này, thuộc một trong hai dạng: chuyển giao một quyền hoặc làm hay không làm một việc.

Đối tượng của hợp đồng có thể là một vật hữu hình (nhà, xe,...) hoặc một vật vô hình (quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp,...) hoặc một số tiền. Dù hữu hình hay vô hình, vật phải tồn tại, định giá được bằng tiền, lưu thông được, xác định được (BLDS năm 2005, Điều 282). Vật trong quan hệ hợp đồng dân sự phải tồn tại nghĩa là không thể là vật tưởng tượng. Vật không nhất thiết phải tồn tại ở thời điểm giao kết hợp đồng: việc giao kết hợp đồng

có thể được thực hiện đối với những vật sẽ được hình thành trong tương lai, miễn là có hành vi có ý thức của con người, được xác nhận ở thời điểm giao kết hợp đồng. Ví dụ: hợp đồng chế biến sản phẩm theo đơn đặt hàng, hợp đồng mua bán hoa lợi chưa thu hoạch...

Có những vật bị cấm lưu thông trong quan hệ pháp luật dân sự như: ma tuý…, con người; có những vật chỉ được lưu thông trong những trường hợp được luật dự liệu: mua bán chất ma túy như dược liệu giữa các cơ sở có thẩm quyền về y dược… Có những vật định giá được bằng tiền nhưng lại gắn liền với nhân thân của một người và do đó, không thể được chuyển nhượng cho người khác: quyền được cấp dưỡng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm bị xâm hại. Không thể nói “mua bán một tài sản nào đó” hay “mua bán một quyền tài sản nào đó”. Nếu là vật đặc định hoặc quyền tài sản, vật hoặc quyền phải được mô tả như thế nào để phân biệt được với vật hoặc quyền khác. Nếu là vật cùng loại, thì vật phải được xác định về chủng loại và về số lượng. Ví dụ: bán 2000 tấn gạo Nàng Hương loại I. Tuy nhiên, vật không nhất thiết được xác định rõ ở thời điểm giao kết hợp đồng, ví dụ, bán tất cả trái chín vào ngày X tại vườn Y.

Trên thực tế, vật cũng có thể không thuộc về người chuyển giao ở thời điểm giao kết hợp đồng, ví dụ: A cam kết bán cho B 20 tấn gạo loại I; ở thời điểm giao kết hợp đồng, A không có một hạt gạo nào nhưng A có thể mua số gạo đó và bán lại cho B trong thời hạn thực hiện hợp đồng. Nhưng, chắc chắn một người không thể chuyển giao một quyền đối với một tài sản đặc định trong khi quyền đó đang thuộc về một người khác và người có quyền không hề có ý định chuyển giao quyền này cho người cam kết chuyển giao mà không có quyền. Ví dụ: A cam kết bán cho B căn nhà của C; ở thời điểm giao kết hợp đồng nhà thuộc quyền sở hữu của C và C không có ý định bán.

Nói rõ hơn, những lời hứa chuyển giao quyền đối với một vật đặc định chỉ có giá trị ràng buộc khi đó là những lời hứa có cơ sở để thực hiện. Các tiêu chí của việc xác định thế nào là “có cơ sở để thực hiện” vẫn đang được định hình trong thực tiễn áp dụng pháp luật Việt Nam. Một người có thể hứa bán một căn nhà chưa thuộc quyền sở hữu của mình trong điều kiện chính mình đã giao kết xong hợp đồng mua bán căn nhà đó tại cơ quan công chứng và đang xúc tiến thủ tục chuyển quyền sở hữu; nhưng khó có thể nói rằng một người có thể bị ràng buộc vào nghĩa vụ hứa bán một căn nhà trong khi chính người này chỉ đang trong quá trình thương lượng với chủ sở hữu để đi tới việc giao kết hợp đồng mua bán.

Đối tượng của hợp đồng cũng có thể là một số tiền nào đó mà một trong hai bên chủ thể trong hợp đồng cam kết thanh toán cho nhau khi một trong hai bên được hưởng quyền nhận vật từ bên kia. Số tiền, được ấn định như là đối tượng của nghĩa vụ trả tiền, còn được gọi, trong ngôn ngữ thông dụng, là giá trị của hợp đồng. Tuỳ theo tính chất của hợp đồng, số tiền ấy còn được đặt tên riêng: giá bán trong hợp đồng mua bán; giá thuê trong hợp đồng thuê tài sản; nợ vay trong hợp đồng cho vay; tiền công trong hợp đồng dịch vụ; tiền lương trong hợp đồng lao động…

Giá trị của hợp đồng phải được xác định hoặc xác định được. Giá trị đó có thể được thể hiện bằng một con số được ghi nhận vào thời điểm giao kết hợp đồng, nhưng cũng có thể chỉ bằng các tham số ở thời điểm giao kết hợp đồng và chỉ được xác định rõ ràng bằng các con số ở thời điểm thực hiện nghĩa vụ. Trong trường hợp giá trị của hợp đồng chỉ được thể hiện bằng các tham số, thì: (1) các tham số này phải rõ ràng, đầy đủ, áp dụng được để tính ra giá trị của hợp đồng mà không cần có thêm thoả thuận nào khác giữa các bên; (2) các tham số phải khách quan, nghĩa là không chịu sự tác động của bên này

hay bên kia trong quá trình hình thành. Không có đủ hai điều kiện đó, tham số không được coi là hợp lệ.

Một cách ngoại lệ, các hợp đồng dịch vụ có thể được giao kết một cách hữu hiệu dù tiền công dịch vụ không được ấn định ở thời điểm giao kết hợp đồng: theo BLDS năm 2005 Điều 524 khoản 2, nếu không thoả thuận về mức tiền công, thì mức tiền công là mức trung bình đối với công việc cùng loại tại thời điểm và địa điểm hoàn thành công việc.

Đối tượng của hợp đồng cũng bao gồm việc làm hay không phải làm một việc theo cam kết của hai bên. Công việc phải làm hay việc không phải làm một việc phải là những việc mà pháp luật không cấm và không trái với đạo đức xã hội. Việc thực hiện nghĩa vụ loại này trên nguyên tắc không thể đạt được bằng cách cưỡng chế.

Điều 304 BLDS năm 2005 quy định về trách nhiệm dân sự do không thực hiện nghĩa vụ phải thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc như sau:

“1. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hoặc tự mình thực hiện hoặc giao cho người khác thực hiện công việc đó và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại; 2. Khi bên có nghĩa vụ không được thực hiện một công việc mà lại thực hiện công việc đó thì bên có quyền được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải chấm dứt việc thực hiện, khôi phục tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại”.

Theo quy định này, chế tài phải tiếp tục thực hiện hợp đồng đã được BLDS 2005 quy định theo hướng hoán chuyển việc tiếp tục thực hiện hợp đồng cho bên có quyền và bên có nghĩa vụ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên có quyền. Trong quy định này, pháp luật dân sự đã có sự linh hoạt theo hướng

quyền lợi của chủ thể có quyền trong hợp đồng được đảm bảo tối đa về lợi ích. Người cam kết sẽ phải trả chi phí và bồi thường thiệt hại, theo yêu cầu của người có quyền, một khi người này tự mình thực hiện hoặc nhờ người khác thực hiện công việc đó.

Có thể thấy, tính chế tài của quy định phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng là một chế tài khá phức tạp. Điều này sẽ trở nên phức tạp hơn khi đối tượng của hợp đồng là việc phải làm hoặc không làm một việc vì nó có mối liên hệ mật thiết với nhân thân của người phải chịu trách nhiệm dân sự. Để nghĩa vụ trong hợp đồng được tiếp tục thực hiện khi đã xác định được lỗi của người vi phạm hợp đồng thì nghĩa vụ do hai bên cam kết đó phải đảm bảo được tính hợp pháp.

Trên thực tế, có một khó khăn trong việc áp dụng chế tài buộc phải tiếp tục thực hiện hợp đồng này là việc không hợp pháp đối với đối tượng của hợp đồng trong điều kiện hai bên tham gia hợp đồng không thể xác định được việc này trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng. Khái niệm đối tượng không hợp pháp chỉ được xây dựng cho các trường hợp đối tượng của nghĩa vụ là một vật hoặc làm hay không làm một việc. Trong trường hợp này, quyền lợi của chủ thể bị vi phạm sẽ không được đảm bảo do không thể yêu cầu chủ thể có hành vi vi phạm có trách nhiệm phải tiếp tục thực hiện hợp đồng. Cũng có trường hợp trách nhiệm phải tiếp tục thực hiện hợp đồng không thể thực hiện do hợp đồng không có đối tượng. Hợp đồng gọi là không có đối tượng một khi đối tượng không hề tồn tại. Cũng được đồng hoá với hợp đồng mà đối tượng không hề tồn tại là các hợp đồng có đối tượng không được xác định hoặc không thể xác định được. Ví dụ, bán một căn nhà theo giá thỏa thuận sau; cho thuê một căn nhà nào đó sẽ mua trong tương lai… Hợp đồng không có đối tượng là hợp đồng không tồn tại và do vậy không thể tiếp tục thực hiện khi có trách nhiệm dân sự phát sinh. Đơn giản, không ai có trách

nhiệm thực hiện hợp đồng đó; trong trường hợp một bên thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đó, thì bên thụ hưởng việc thực hiện nghĩa vụ đó ở trong tình trạng được lợi không có căn cứ pháp luật.

Không thực hiện hợp đồng là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình, mặc dù hoàn toàn có khả năng thực hiện. Trong trường hợp này, bên có quyền có thể yêu cầu bên kia phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trong một thời gian nhất định. Nếu quá thời gian đã được gia hạn mà bên có nghĩa vụ mới chỉ thực hiện một phần nghĩa vụ, thì bên kia có quyền từ chối tiếp nhận. Bên có quyền được yêu cầu bồi thường những thiệt hại xẩy ra;

Trong một hợp đồng dân sự, việc ràng buộc phải thực hiện các điều kiện và điều khoản mà các bên đã cam kết trong hợp đồng được xem là trách nhiệm dân sự cơ bản và quan trọng của các bên. Có nhiều loại hợp đồng dân sự tương ứng với nhiều loại chủ thể của hợp đồng như quyền sử dụng đất, tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ và theo đó trách nhiệm dân sự của các bên trong việc không thực hiện hợp đồng cũng phát sinh và chấm dứt khác nhau.

Việc không thực hiện hợp đồng dân sự thông thường là do ý chí chủ quan của bên có nghĩa vụ dân sự trong hợp đồng dân sự. Trách nhiệm dân sự của một bên trong hợp đồng dân sự sẽ bao gồm nhiều nghĩa vụ mà các bên đã cam kết qua lại với nhau trong hợp đồng, trách nhiệm dân sự của một bên là quyền của bên kia. Nghĩa vụ dân sự có thể sẽ bao gồm: nghĩa vụ dân sự phát sinh từ mục đích của Hợp đồng dân sự, ví dụ: việc chuyển giao quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, việc cam kết phải giao một loại hàng hóa nào đó như máy móc, xe ôtô, xe máy v.v... hoặc kể cả các tài sản vô hình như bí quyết kỹ thuật, quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp.

Trong hợp đồng dân sự, trách nhiệm dân sự là một quy định tổng quan để ràng buộc các bên vừa là bên có quyền nhưng đồng thời cũng lại là bên có

nghĩa vụ. Khi một hợp đồng dân sự được giao kết, nếu một tổ chức hoặc một cá nhân là bên có quyền được nhận tài sản (vô hình hoặc hữu hình), quyền lợi thì đồng thời họ cũng lại là bên có nghĩa vụ trả tiền hoặc thực hiện một công việc nào đó để đổi lại việc họ được nhận quyền lợi từ bên kia. Như vậy, việc không thực hiện hợp đồng là việc một trong hai bên không thực hiện các nghĩa vụ dân sự phát sinh từ hợp đồng.

Bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ của mình, mặc dù mong muốn thực hiện. BLDS năm 2005 phân biệt hai trường hợp:

- Không có khả năng thực hiện ngay từ khi các bên tham gia ký kết hợp đồng dân sự do có lý do khách quan hoặc chủ quan. Ví dụ: không được phép chuyển quyền sử dụng đất, không đủ tiền để thanh toán hợp đồng. Trong trường hợp này, một trong các bên biết rõ không thể thực hiện được mà không nói cho bên kia biết, thì phải bồi thường những thiệt hại xảy ra. Nếu bên kia cũng biết lý do không thực hiện được hợp đồng thì không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

- Không có khả năng thực hiện trong quá trình thực hiện hợp đồng. Ví dụ: sau khi hai bên đã ký kết hợp đồng, một bên đã giao vật nhưng bên còn lại do bị mất cắp hết tiền nên không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo quy định của hợp đồng.

Chậm thực hiện hợp đồng cũng được coi là hành vi có lỗi của bên có nghĩa vụ trong hợp đồng dân sự và cũng bị áp dụng chế tài phải tiếp tục thực hiện hợp đồng. BLDS năm 2005 phân biệt hai trường hợp chậm thực hiện hợp đồng:

- Chậm thực hiện hợp đồng do bên có nghĩa vụ

Đó là những trường hợp bên có nghĩa vụ chậm thực hiện nghĩa vụ của mình, khi đã đến hạn mà chưa thực hiện xong toàn bộ nghĩa vụ do lỗi của mình.

Phía bên kia có thể yêu cầu phải tiếp tục thực hiện hợp đồng và đòi bồi thường thiệt hại.

- Chậm thực hiện hợp đồng dân sự do bên có quyền

Đó là những trường hợp bên có quyền chậm tiếp nhận đối tượng của hợp đồng, mặc dù bên kia đã sẵn sàng hoàn thành nghĩa vụ của mình như đã cam kết. Khi đó, người giao có thể giữ lại, gửi giữ đồ vật tại nơi chuyên làm dịch vụ gửi giữ hoặc ký hợp đồng gửi giữ với người thứ ba. Mọi phí tổn cần thiết do bên chậm tiếp nhận đối tượng hợp đồng phải chịu. Việc tiếp tục phải thực hiện hợp đồng ở đây là bên có quyền chậm tiếp nhận phải tiếp tục tiếp nhận đồ vật do bên có nghĩa vụ đã hoàn thành.

Đối với loại vi phạm này, BLDS 2005 quy định về trách nhiệm dân sự tại Điều 305 như sau: “1. Khi nghĩa vụ dân sự chậm được thực hiện thì bên có quyền có thể gia hạn để bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ; nếu quá thời hạn này mà nghĩa vụ vẫn chưa được hoàn thành thì theo yêu cầu của bên có quyền, bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; nếu việc thực hiện nghĩa vụ không còn cần thiết đối với bên có quyền thì bên này có quyền từ chối tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại; 2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường

Một phần của tài liệu Trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng dân sự theo quy định hiện hành của pháp luật việt nam luận văn ths luật (Trang 54)