đồng dân sự
Chế định về trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng dân sự là một chế định pháp luật quan trọng trong Bộ luật Dân sự của hầu hết các nước. Do có sự khác nhau về văn hoá, phong tục tập quán, chính trị, kinh tế – xã hội và thể chế nhà nước... của mỗi quốc gia mà quy định pháp luật về trách nhiệm dân sự theo hợp đồng dân sự cũng được pháp luật mỗi quốc gia quy định khác nhau.
Tại miền bắc Việt Nam, ngày 10 tháng 7 năm 1959 Tòa án tối cao ra Chỉ thị số 772/TATC để “đình chỉ việc áp dụng luật pháp cũ của phong kiến, đế quốc”. Từ thời điểm đó trở đi, tại miền bắc Việt Nam thiếu hẳn bộ luật dân sự thực thụ. Một số lĩnh vực của pháp luật dân sự được tách ra và quy định trong nhiều văn bản luật và các văn bản pháp quy dưới luật như thông tư, chỉ thị, nghị định, pháp lệnh. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực dân sự như thừa kế, quyền sở hữu trí tuệ v.v không được điều chỉnh trực tiếp. Các quy định được điều chỉnh về nghĩa vụ dân sự chủ yếu là các vấn đề về nhà ở, vàng bạc, kim loại quý, đá quý v.v và nói chung mang nặng tính chất hành chính. Có thể liệt kê một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực dân sự liên quan đến hợp đồng như Pháp lệnh về Hợp đồng dân sự (1991), Pháp lệnh về nhà ở (1991) v.v. Vấn đề gặp phải trong việc áp dụng pháp luật thời kỳ này là tuy có nhiều văn bản pháp quy nhưng đôi khi các văn bản này chồng chéo và mâu thuẫn với nhau, gây ra nhiều khó khăn cho việc áp dụng pháp luật.
Pháp lệnh Hợp đồng dân sự do Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (“CHXHCNVN”) thông qua ngày 29/3/1991, được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố số 52-LCT/HĐNN8 ngày 7/5/1991 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/1991 là văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao đầu
tiên quy định khá đầy đủ về hợp đồng dân sự, một trong những chế định quan trọng và cơ bản của pháp luật dân sự. Việc ra đời Pháp lệnh Hợp đồng Dân sự phần nào bổ sung sự thiếu hụt các quy định về pháp luật dân sự trong hệ thống pháp luật Việt Nam trong khoảng thời gian này. Đồng thời, đáp ứng được phần nào xu thế phát triển của các quan hệ pháp luật dân sự.
Pháp lệnh Hợp đồng dân sự là văn bản pháp luật đầu tiên của Việt Nam điều chỉnh riêng về lĩnh vực hợp đồng dân sự bao gồm cả trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng. Pháp lệnh Hợp đồng dân sự đã giành toàn bộ Chương IV, từ Điều 43 đến Điều 55 để quy định về trách nhiệm do vi phạm Hợp đồng dân sự. Điều 43 Pháp lệnh đã quy định rõ “Trách nhiệm do vi phạm Hợp đồng” như sau: “Bên có lỗi trong việc không thực hiện hoặc thực hiện hợp đồng không đúng thỏa thuận, thì phải chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, nếu pháp luật không có quy định khác”. Đồng thời, Pháp lệnh Hợp đồng dân sự cũng đề cập đến một loạt các trách nhiệm có liên quan đến Hợp đồng dân sự như: Điều 44 - Trách nhiệm do không thực hiện hợp đồng; Điều 45 - Trách nhiệm do chậm thực hiện hợp đồng; Điều 46 - Trách nhiệm do thực hiện hợp đồng không đủ số lượng; Điều 47 - Trách nhiệm do thực hiện hợp đồng không đúng chất lượng; Điều 48 - Trách nhiệm do thực hiện hợp đồng không đồng bộ; Điều 49 - Trách nhiệm do giao một vật không đúng chủng loại; Điều 50 - Trách nhiệm do chậm thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả tiền; Điều 51 - Phạt vi phạm hợp đồng…
Pháp lệnh Hợp đồng dân sự đã xác định một khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ và chi tiết trong việc giải quyết trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng dân sự, một chế định quan trọng nhưng đã thiếu những quy định pháp luật chi tiết để điều chỉnh trong một thời gian dài kể từ năm 1991 đến năm 1995. Mốc thời gian năm 1991 có thể coi là giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ nhất của nền kinh tế Việt Nam trong tiến trình hội nhập vào nền kinh tế quốc tế.
Cùng với kinh tế là những biến đổi lớn về chế độ xã hội và pháp luật nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu pháp luật hóa các mối quan hệ xã hội ngày càng đa dạng trong xu thế toàn cầu hóa. Một yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với Nhà nước Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới thời kỳ này là phải tạo ra một môi trường xã hội và pháp lý thuận lợi, ổn định, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển để tận dụng tối đa nguồn vốn đầu tư nước ngoài và tư nhân trong sự nghiệp hiện đại hóa đất nước.
Trong xu thế đó, Bộ luật Dân sự đầu tiên của Việt Nam đã được Quốc hội khóa IX nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 28/10/1995 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/1996. Chế định trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng dân sự trong BLDS năm 1995 đã kế thừa hầu hết các quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng dân sự của Pháp lệnh Hợp đồng Dân sự. Đồng thời, có những bổ sung và tham khảo các quy định về pháp luật dân sự của nhiều quốc gia có nền pháp luật dân sự phát triển trên thế giới như Cộng hoà Pháp, Nhật Bản để tạo ra một khung pháp lý về trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng dân sự đầy đủ và phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội và pháp luật của Việt Nam tại thời điểm ra đời. BLDS năm 1995 ra đời đã đáp ứng được kỳ vọng của đại bộ phận quần chúng về sự ổn định và luật hóa của một lĩnh vực lớn của xã hội là lĩnh vực dân sự. Nó cũng tạo ra một sự ổn định về mặt xã hội và tạo được lòng tin từ phía các nhà đầu tư trong và ngoài nước về một môi trường đầu tư an toàn và thuận lợi.
Trong giai đoạn này, BLDS có thể được xem là thành tựu lớn nhất của năm mươi năm xây dựng hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam hiện đại. Những nguyên tắc và khái niệm cơ bản về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự theo hợp đồng dân sự đã được quy định trong BLDS năm 1995 nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức tham gia vào quan
hệ hợp đồng dân sự hợp pháp. Trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng dân sự được quy định trong BLDS năm 1995 là bước tiến quan trọng trong quá trình lập pháp của Việt Nam nhằm khắc phục kịp thời sự thiếu tập trung, không đầy đủ của pháp luật về trách nhiệm dân sự theo hợp đồng dân sự được quy định trước đó.
Sự ra đời và đồng hành của BLDS năm 1995 trong hơn 10 năm Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước đã cho thấy tính đúng đắn và phù hợp của các quy định pháp luật dân sự nói chung và những quy định về trách nhiệm dân sự theo hợp đồng dân sự nói riêng với tương quan của các mối quan hệ xã hội ngày càng đa dạng, phức tạp trong nền kinh tế đa chiều. Những chế định pháp lý liên quan đến nghĩa vụ dân sự, trách nhiệm dân sự được quy định trong nhiều loại hợp đồng dân sự khác nhau như Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Hợp đồng mua bán doanh nghiệp và nhiều những quan hệ khác có liên quan đến trách nhiệm dân sự. Bên cạnh đó, BLDS năm 1995 còn có nhiều quy định không rõ ràng, không đầy đủ hoặc còn mang tính hành chính.
Vì vậy, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua và ban hành BLDS năm 2005 cho phù hợp và mang tính khả thi hơn trong giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế – xã hội. BLDS năm 2005 quy định sửa đổi, bổ sung về Nghĩa vụ Dân sự tại Điều 280 và Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự tại Điều 302 với sự điều chỉnh về câu từ và thuật ngữ luật pháp cho phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính chính xác, trong sáng của ngôn từ luật nhằm tạo ra căn cứ thực thi pháp luật hiệu quả và ổn định hơn.
Trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng dân sự tuy chỉ là một quy định trong chế định nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự của BLDS năm 2005 nhưng do có rất nhiều thay đổi qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, cùng với sự
hội nhập và phát triển mạnh mẽ của pháp luật Việt Nam nên chế định này vẫn còn rất nhiều điều cần nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn, nhất là trong thời điểm BLDS năm 2005 vừa bắt đầu có hiệu lực thi hành.