Có thiệt hại xảy ra

Một phần của tài liệu Trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng dân sự theo quy định hiện hành của pháp luật việt nam luận văn ths luật (Trang 41)

Theo từ điển tiếng Việt thì thiệt hại được định nghĩa là “Sự mất mát về người, của cải vật chất hoặc tinh thần”, [15]. Theo giải thích của từ điển thuật ngữ luật học thì thiệt hại là “tổn thất về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ”, [23]. Trên thực tế, thiệt hại được hiểu là sự mất mát mà một chủ thể của quan hệ pháp luật phải

gánh chịu, là sự thay đổi một tình trạng có trước theo chiều hướng xấu như: một người có tài sản bị mất tài sản đó. Thiệt hại cũng có thể được hiểu là sự giảm bớt những lợi ích vật chất và tinh thần của một chủ thể xác định được trên thực tế. Trong khoa học pháp lý người ta phân thiệt hại thành thiệt hại thực tế và thiệt hại gián tiếp. Thiệt hại trực tiếp (thiệt hại thực tế) là thiệt hại xác định được trên cơ sở khách quan và tính được bằng một khoản tiền cụ thể nào đó. Thiệt hại gián tiếp là thiệt hại được suy đoán là sẽ xảy ra và được xác định là chắc chắn sẽ xảy ra.

Có thiệt hại xảy ra là một trong những điều kiện cơ bản để xác lập trách nhiệm dân sự trong hợp đồng. Trong quan hệ hợp đồng, thiệt hại xảy ra là những thiệt hại vật chất mà bên có hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên có lợi ích từ hợp đồng. Về nguyên tắc, trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng chỉ bồi thường cho những thiệt hại trực tiếp. Những thiệt hại được bồi thường phải là thiệt hại gây ra cho người trực tiếp gánh chịu hậu quả của sự kiện làm phát sinh thiệt hại. Khi một bên trong hợp đồng có hành vi vi phạm hợp đồng và gây ra thiệt hại thì thiệt hại đó sẽ là thiệt hại hiện hữu tức là có thể nhìn thấy được. Không thể bắt một cá nhân, pháp nhân trong hợp đồng chịu trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại giả định hoặc những thiệt hại dự kiến trong những hoàn cảnh không chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai theo hướng đề cập đến thiệt hại gián tiếp.

Một trong những nội dung của trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng là chế định bồi thường thiệt hại và chế định này có mối liên hệ mật thiết với thiệt hại xảy ra do hành vi vi phạm hợp đồng. Nếu không có thiệt hại xảy ra thì trách nhiệm dân sự trong hợp đồng cũng không thể xác định được và chế định bồi thường thiệt hại theo hợp đồng cũng sẽ không được áp dụng. Việc xác định thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp khi có hành vi vi phạm hợp đồng là một việc làm cần thiết nhưng không đơn giản.

Khi một chủ thể có hành vi vi phạm hợp đồng như đã phân tích ở trên tất yếu sẽ dẫn đến thiệt hại cho chủ thể còn lại trong hợp đồng. Thiệt hại này bao gồm việc không được sử dụng vật như mong muốn ban đầu, thiệt hại về tiền khi đã phải bỏ ra một khoản tiền giá trị lớn để mua một vật không tương xứng về giá trị hay cũng có thể là sự không tương xứng về số lượng vật mua được. Nếu hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra đối với yếu tố là phương thức thanh toán thì thiệt hại xảy ra sẽ là thiệt hại được tính từ khoản tiền mà chủ thể có quyền đã không thể nhận được đúng hạn. Như phân tích ở trên, có thể dễ dàng thấy được đây là một thiệt hại hiện hữu xuất phát từ hành vi vi phạm hợp đồng và nó có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bên có lợi ích từ hợp đồng.

Theo quy định của BLDS năm 2005, việc bồi thường thiệt hại có thể thực hiện bằng hiện vật hoặc bằng tiền. Chủ thể có hành vi vi phạm hợp đồng có trách nhiệm phải làm cho thiệt hại vật chất của chủ thể bị vi phạm được bù đắp càng gần đến với giá trị của tổn thất càng tốt. Trên thực tế, khi thực hiện việc bồi thường thiệt hại bằng tiền thì các bên thường thỏa thuận về mức bồi thường. Một khi thỏa thuận đáp ứng đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định về giao kết hợp đồng, thì sẽ có hiệu lực ràng buộc đối với các bên. Nếu các bên không thể thỏa thuận thì tòa án sẽ quyết định mức bồi thường mà bên có hành vi vi phạm phải thực hiện.

Hành vi vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện một công việc hoặc không được thực hiện một công việc nhất định không đề cập đến đối tượng vật chất cụ thể nhưng nếu những nghĩa vụ đã cam kết này không được tuân thủ thì thiệt hại xảy ra sẽ là thiệt hại vật chất có liên quan trực tiếp đến hợp đồng. Ngoài ra, thiệt hại xảy ra đối với đối tượng hợp đồng là một công việc phải thực hiện hoặc không được thực hiện cũng có thể là những thiệt hại gián tiếp.

Trên thực tế, ngay cả khi hợp đồng đã được thực hiện xong theo cam kết của các bên hoặc theo quy định của pháp luật và đã chuyển sang giai đoạn bảo hành sản phẩm theo quy định của pháp luật thì vẫn có thể xảy ra thiệt hại từ hợp đồng. Đó là việc sản phẩm được chuyển giao không thể thực hiện việc bảo hành, sửa chữa, thay thế để khôi phục lại giá trị ban đầu. Trong trường hợp này, chủ thể gây ra thiệt hại phải chịu trách nhiệm dân sự và phải bồi thường thiệt hại cho chủ thể bị vi phạm.

Trong một hợp đồng dân sự, nếu có nhiều chủ thể cùng tham gia thì một thiệt hại có thể xảy ra đối với nhiều chủ thể. Ngược lại, một chủ thể trong hợp đồng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều thiệt hại. Đối với chủ thể có hành vi vi phạm, một chủ thể có thể phải chịu trách nhiệm dân sự đối với nhiều thiệt hại hoặc một thiệt hại sẽ do nhiều chủ thể trong hợp đồng chịu trách nhiệm. Dù trong bất cứ trường hợp nào thì thiệt hại vẫn là một yếu tố cần phải được xác định khi xác định trách nhiệm dân sự đối với một chủ thể có hành vi vi phạm hợp đồng. Trên thực tế, ngay cả trong trường hợp đã xác định được người trực tiếp chịu thiệt hại, thì vẫn còn lại hai vấn đề chính: những thiệt hại nào của người này phải được bồi thường? Ai là người phải chịu trách nhiệm bồi thường? Vấn đề này sẽ được phân tích khi nói về mối quan hệ nhân quả

Một phần của tài liệu Trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng dân sự theo quy định hiện hành của pháp luật việt nam luận văn ths luật (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)