Hành vi vi phạm hợp đồng là một trong các hành vi dân sự của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự. Theo giải thích của Từ điển thuật ngữ luật học thì “Hành vi dân sự là hành vi của chủ thể quan hệ pháp luật dân sự nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” [23]. Hành vi vi phạm hợp đồng là một trong bốn điều kiện cấu thành trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng dân sự. Đây là điều kiện cơ bản và là tiền đề trong việc xác định trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng dân sự. Có thể định nghĩa hành vi vi phạm hợp đồng là hành vi vi phạm những thỏa thuận của các bên trong hợp đồng.
Hợp đồng là một quan hệ pháp luật dân sự được xác lập trên cơ sở tự nguyện của các bên chủ thể và theo đó quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên phát sinh. Hợp đồng là công cụ chủ yếu để xác lập quan hệ giữa người với người liên quan đến tài sản trong một xã hội. Các quan hệ hợp đồng hình thành trong rất nhiều lĩnh vực như thương mại, lao động, và dân sự. Mỗi loại hợp đồng, trong mỗi lĩnh vực, có những đặc điểm rất riêng, được chi phối bởi những quy định pháp luật đặc thù. Trong đó, hợp đồng dân sự có thể được xem là có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống, xã hội. Khi bên có nghĩa vụ phải thực hiện hợp đồng vi phạm những điều đã cam kết thì được coi là có hành vi vi phạm hợp đồng.
Trách nhiệm dân sự trong hợp đồng là trách nhiệm hình thành từ việc không thực hiện một nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng và hành vi vi phạm cũng chính là việc không thực hiện các nghĩa vụ. Người không thực hiện hoặc không thực hiện đúng nghĩa vụ đã được giao kết mà gây thiệt hại cho người cùng giao kết, được coi là có hành vi vi phạm hợp đồng, và phải bồi thường thiệt hại cho người bị vi phạm. Trong BLDS hiện hành của Việt Nam, trách nhiệm dân sự trong hợp đồng được chi phối bởi các quy tắc được thiết lập trong khuôn khổ chế độ pháp lý về hợp đồng. Dù là trách nhiệm dân sự trong hay ngoài hợp đồng thì đều phát sinh từ sự vi phạm một quy tắc xử sự; đó có thể là quy tắc xử sự do pháp luật quy định và đó là ý chí của các bên liên quan tạo ra (trách nhiệm dân sự trong hợp đồng). Nguyên tắc của trách nhiệm dân sự trong hợp đồng, là chịu sự chi phối của các quy định chung về điều kiện xác lập và về hiệu lực thực hiện.
Hành vi vi phạm hợp đồng liên quan đến nhiều yếu tố và có thể là việc làm sai các cam kết, vi phạm đối tượng hợp đồng, thực hiện công việc không đúng thời hạn của hợp đồng, vi phạm về giá cả trong hợp đồng, thực hiện không
đúng nghĩa vụ thanh toán, không tiếp nhận lợi ích hợp đồng từ bên có nghĩa vụ đúng hạn, v.v…
Trong một hợp đồng nói chung và hợp đồng dân sự nói riêng, đối tượng của hợp đồng là một trong những nội dung cơ bản và quan trọng. Đối tượng của hợp đồng thường phải được xác định cụ thể và có thể là tài sản, công việc phải thực hiện hoặc không được thực hiện một việc. Hành vi vi phạm hợp đồng liên quan đến đối tượng hợp đồng của một chủ thể là việc chủ thể đó không thực hiện đúng việc chuyển giao các đối tượng đã cam kết trong hợp đồng. Khi đối tượng hợp đồng là một vật, chủ thể có nghĩa vụ phải thực hiện đúng nghĩa vụ giao vật như quy định tại Điều 289 BLDS năm 2005 “Khi vật phải giao là vật đặc định thì bên có nghĩa vụ phải giao đúng vật đó và đúng tình trạng như đã cam kết; nếu là vật cùng loại thì phải giao đúng số lượng và chất lượng như đã thỏa thuận và nếu không có thỏa thuận về chất lượng thì phải giao vật đó với chất lượng trung bình; nếu là vật đồng bộ thì phải giao đồng bộ”, [2].
Dù cố ý hay vô ý, khi chủ thể có nghĩa vụ trong hợp đồng chuyển giao vật hoặc tài sản không đúng tính chất đã cam kết trong hợp đồng thì bị coi là có hành vi vi phạm hợp đồng. Trên thực tế, đây là một loại vi phạm rất thường gặp do tính chất của vật hoặc tài sản liên quan mật thiết đến giá trị hợp đồng và quyền lợi của các bên. Nếu tính chất của vật bị thay đổi do việc bên có nghĩa vụ chuyển giao không đúng chất lượng của vật, tài sản như đã cam kết trong hợp đồng mà bên có quyền nhận vật hoặc tài sản không phát hiện ra hành vi vi phạm của bên có nghĩa vụ giao vật hoặc tài sản thì đương nhiên bên có nghĩa vụ sẽ được hưởng lợi một cách không chính đáng từ hành vi gian dối của mình và gây ra thiệt hại cho bên có quyền. Hành vi vi phạm về chất lượng đối tượng của hợp đồng thường xảy ra trong trường hợp giao vật cùng loại nhưng khác nhau về chất lượng.
Liên quan đến đối tượng hợp đồng, hành vi vi phạm hợp đồng cũng có thể là việc bên có nghĩa vụ chuyển giao không đầy đủ số lượng của vật hoặc tài sản phải chuyển giao. Hành vi vi phạm này thường xảy ra với vật phải chuyển giao là vật đồng bộ, vật chính có vật phụ đi kèm.
Hợp đồng dân sự là một loại hợp đồng phổ biến và quan trọng điều chỉnh một phạm vi rộng các quan hệ xã hội hiện nay. Đối tượng hợp đồng không đơn thuần là tài sản mà còn là những công việc phải thực hiện (thường gặp trong các hợp đồng dịch vụ) hoặc không được thực hiện một công việc. BLDS năm 2005 quy định tại điều 291 “…phải thực hiện một công việc là nghĩa vụ mà theo đó bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng công việc đó”. Công việc phải thực hiện là một việc mà bên có nghĩa vụ cam kết với bên có quyền phải làm trong thời hạn hợp đồng. Nếu bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ công việc đã cam kết thì được coi là có hành vi vi phạm hợp đồng. Ví dụ: một công ty du lịch cam kết cung cấp cho khách hàng dịch vụ du lịch trọn gói đến Thái Lan bao gồm phương tiện đi lại, ăn, ở, vé tham quan và hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, công ty du lịch đã không cung cấp đầy đủ dịch vụ đã cam kết như không đảm bảo chất lượng nơi ăn, ở… thì trong trường hợp này, công ty du lịch được xem là đã không hoàn thành công việc đã cam kết với khách hàng và có hành vi vi phạm hợp đồng.
Yếu tố không thực hiện một công việc cũng được xem là đối tượng của hợp đồng dân sự và cũng có hành vi vi phạm như nhiều loại đối tượng khác của hợp đồng. Cũng theo Điều 291 BLDS năm 2005 “…không được thực hiện một công việc là nghĩa vụ mà theo đó bên có nghĩa vụ không được thực hiện công việc đó”, [2]. Chủ thể có nghĩa vụ trong hợp đồng có tình thực hiện công việc mà mình đã cam kết trong một hợp đồng là sẽ không thực hiện được xem là có hành vi vi phạm và phải chịu trách nhiệm dân sự. Ví dụ: hai nhà sống
liền kề có khoảng không gian chung ở giữa và có cam kết không trổ lỗ thông gió, cửa thông hơi, cửa sổ ra khoảng không gian chung đó để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của mỗi nhà. Việc một trong hai nhà thực hiện bất kỳ công việc nào vi phạm các cam kết nêu trên được coi là có hành vi vi phạm hợp đồng và phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật. Một nội dung khác trong hợp đồng cũng thường bị vi phạm dẫn đến tranh chấp hợp đồng là yếu tố thời hạn thực hiện hợp đồng. Hành vi vi phạm hợp đồng là việc chủ thể có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ không đúng thời hạn đã cam kết, bao gồm việc thực hiện nghĩa vụ sớm hơn hoặc muộn hơn thời hạn đã cam kết. Việc một bên thực hiện nghĩa vụ muộn hơn thời hạn cam kết đương nhiên sẽ gây thiệt hại cho bên có quyền và bị coi là hành vi vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên Điều 285 BLDS năm 2005 cũng quy định việc thực hiện hợp đồng sớm hơn thời hạn đã cam kết là hành vi vi phạm hợp đồng vì không tuân thủ đúng cam kết hợp đồng và có thể gây thiệt hại cho chủ thể còn lại của hợp đồng.
Hành vi vi phạm hợp đồng cũng có thể là việc khi thời hạn của hợp đồng đã kết thúc mà bên có nghĩa vụ vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng. Bên có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm dân sự từ việc không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng đúng thời hạn. Trong trường hợp này, các biện pháp bảo đảm thực hiện sẽ được áp dụng. Ví dụ: xử lý tài sản cầm cố, tài sản thế chấp, tài sản đặt cọc… hoặc nghĩa vụ của bên bảo lãnh phải được thực hiện. Trong hợp đồng dân sự, trách nhiệm dân sự do có hành vi vi phạm hợp đồng không những áp dụng cho các chủ thể có nghĩa vụ mà còn áp dụng cho cả các chủ thể có quyền. Các chủ thể có quyền cũng phải thực hiện những nghĩa vụ dân sự để đổi lại lợi ích mà họ nhận được từ quyền dân sự của mình. Các nghĩa vụ đó bao gồm hành động tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự của bên có nghĩa vụ giao vật hoặc thực hiện công việc.
Khi bên có nghĩa vụ theo cam kết trong hợp đồng đã hoàn thành công việc cam kết đúng thời hạn và tiến hành việc chuyển giao đối tượng hợp đồng cho bên có quyền thì lúc đó bên có quyền phát sinh nghĩa vụ phải tiếp nhận đối tượng hợp đồng đúng thời hạn đã cam kết. Hành vi chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự của bên có quyền được xem là hành vi vi phạm hợp đồng vì đã không đảm bảo được quyền lợi của bên có nghĩa vụ là thực hiện một công việc hoặc giao vật đúng hạn. Bên chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự phải chịu trách nhiệm dân sự đối với hành vi vi phạm hợp đồng của mình do bên có nghĩa vụ đã bị thiệt hại từ việc phải áp dụng các biện pháp cần thiết (như chi phí thuê kho bãi, chi phí trông giữ, vận chuyển vật, tài sản) để bảo quản tài sản.
Hành vi vi phạm hợp đồng của bên có quyền trong hợp đồng cũng xuất phát từ nghĩa vụ thanh toán. Khi bên có nghĩa vụ đã tiến hành chuyển giao đối tượng hợp đồng đúng chủng loại, số lượng, chất lượng, địa điểm, thời hạn như đã cam kết trong hợp đồng, nhưng bên có quyền lại không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền như trả tiền không đủ về số lượng, trả tiền không đúng thời hạn, trả tiền không đúng địa điểm hoặc không đúng thời hạn đã cam kết thì bị coi là có hành vi vi phạm hợp đồng. Việc xác định hành vi vi phạm loại này rất quan trọng và cần thiết vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bên có nghĩa vụ trong hợp đồng. Ngoài ra, hành vi vi phạm đối với nghĩa vụ thanh toán cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra các tranh chấp hợp đồng.
Trong thực tiễn áp dụng pháp luật và giải quyết tranh chấp, có nhiều hành vi được xác định là vi phạm hợp đồng không bị áp dụng trách nhiệm dân sự. Đó là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng liên quan đến các trường hợp bất khả kháng. Trong trường hợp này, mặc dù có hành vi vi phạm hợp đồng nhưng trách nhiệm dân
sự lại không xuất hiện do pháp luật dân sự đã quy định các trường hợp bất khả kháng là nguyên nhân không tạo nên lỗi của bên có hành vi không thực hiện hợp đồng.
Tham khảo pháp luật dân sự của các quốc gia khác như Cộng hoà Pháp, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Trung Hoa, Nhật Bản, chúng ta thấy ở đây có một loạt câu hỏi cần phải giải quyết như ai là người gây nên vi phạm hợp đồng, ai là người chịu trách nhiệm dân sự về các hành vi vi phạm đó, nếu có nhiều tác nhân gây nên một vi phạm hợp đồng thì mức độ chịu trách nhiệm của từng tác nhân đến đâu...
Bộ luật Dân sự Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quy định về hành vi vi phạm hợp đồng liên quan đến trách nhiệm dân sự như sau:
- Điều 106 (trích): “Công dân hoặc pháp nhân vi phạm hợp đồng hay không thực hiện các nghĩa vụ khác đều phải chịu trách nhiệm dân sự. Trong trường hợp do pháp luật quy định công dân có thể phải chịu trách nhiệm dân sự cả khi không có lỗi”.
- Điều 107: “Công dân hoặc pháp nhân không phải chịu trách nhiệm dân sự khi không thực hiện hợp đồng hoặc không phải chịu trách nhiệm đối với những mất mát xảy ra do có sự kiện bất khả kháng trừ truờng hợp pháp luật có quy định khác”.
- Điều 113: “Khi cả hai bên đều vi phạm hợp đồng thì mỗi bên phải chịu trách nhiệm về phần vi phạm của mình”.
Nghiên cứu các quy định này nói riêng cũng như pháp luật về trách nhiệm dân sự và hợp đồng dân sự nói chung, có thể rút ra nhận xét: trách nhiệm mà các bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng phải chịu là trách nhiệm dân sự. Trách nhiệm dân sự gồm nhiều hình thức khác nhau. Tùy theo quy định của pháp luật dân sự của từng quốc gia mà các hình thức trách nhiêm dân sự có
thể được xác định cho từng loại vi phạm. Có thể lấy ví dụ: trong trường hợp một bên trong hợp đồng vi phạm các tiêu chuẩn về chất lượng (đã thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định) thì bên bị vi phạm có quyền không nhận hoặc nếu nhận thì có quyền yêu cầu bên vi phạm phải giảm giá, hoặc sửa chữa sai sót. Từ phân tích trên, có thể thấy nghĩa vụ của chủ thể trong quan hệ hợp đồng cụ thể còn được xác định trong thời hạn bảo hành sản phẩm là đối tượng của hợp đồng. Trong thời hạn này, nếu chất lượng của vật được chuyển giao không được bảo đảm (theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháo luật) thì bên có vật (ở đây là có vật được bảo hành) có quyền yêu cầu sửa chữa không phải trả tiền, được giảm giá, đổi vật khác hoặc trả lại và đòi lại tiền, nếu có thiệt hại xảy ra thì được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tóm lại, hành vi vi phạm hợp đồng là một điều kiện quan trọng và cần thiết để xác định trách nhiệm dân sự của một cá nhân, pháp nhân. Cho dù cá nhân, pháp nhân vi phạm một hoặc nhiều yếu tố của hợp đồng thì vẫn làm cấu thành hành vi vi phạm và phải chịu trách nhiệm dân sự. Việc quy định hành vi vi phạm như là một trong những điều kiện cần và đủ để xác định trách nhiệm dân sự trong hợp đồng cho thấy pháp luật dân sự nói chung và BLDS năm 2005 nói riêng cần phải được ngày càng hoàn thiện hơn nữa để giúp xác định chính xác và kịp thời các hành vi vi phạm hợp đồng trong bối cảnh các giao dịch dân sự diễn ra ngày càng đa dạng và phức tạp.