Nội dung của trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng dân sự

Một phần của tài liệu Trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng dân sự theo quy định hiện hành của pháp luật việt nam luận văn ths luật (Trang 52)

Nếu điều kiện phát sinh trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng dân sự là căn cứ để xác định sự phát sinh và tồn tại trách nhiệm dân sự của một chủ thể, thì nội dung của trách nhiệm dân sự lại là các hình thức cưỡng chế của Nhà nước được luật hoá bằng các quy định của pháp luật dân sự để buộc chủ thể được xác định phải chịu trách nhiệm dân sự hoàn thành nghĩa vụ dân sự đã cam kết của mình trong hợp đồng, là (1) Phải tiếp tục thực hiện hợp đồng; (2) Phải bồi thường thiệt hại; (3) Bị phạt vi phạm hợp đồng nếu có thỏa thuận. Cả ba hình thức chế tài này đều phản ánh đầy đủ trách nhiệm tài sản theo quy định của pháp luật dân sự và sự nghiêm minh của BLDS 2005 của Việt Nam. Các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng và nội dung của trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nếu chỉ xác định trách nhiệm dân sự thông qua các điều kiện phát sinh, mà không áp dụng các biện pháp chế tài (nội dung của trách nhiệm dân sự) thì việc xác định trách nhiệm dân sự trở nên không có giá trị, vì khi đó,

chủ thể bị vi phạm vẫn không được bồi thường thiệt hại, quyền lợi về tài sản vẫn bị xâm hại mà không được pháp luật dân sự bảo đảm. Còn chủ thể vi phạm nghĩa vụ dân sự trong hợp đồng cũng không phải bồi thường các thiệt hại do hành vi vi phạm của mình gây ra mà các hành vi này đã được coi là có lỗi theo quy định của pháp luật dân sự.

Các hành vi vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng thường phát sinh tranh chấp. Cơ sở pháp lý chủ yếu để giải quyết các tranh chấp này trước hết theo thỏa thuận của các bên (được ghi nhận trước trong hợp đồng hoặc được xác lập trong nỗ lực cả các bên nhằm giải quyết hậu quả của vi phạm). Nếu như các bên không thỏa thuận được trách nhiệm dân sự đối với vi phạm, việc phân định trách nhiệm này sẽ do Tòa án dân sự (hoặc các cơ quan tài phán khác được luật định) quyết định theo quy định của pháp luật.

Bộ luật Dân sự Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quy định về nội dung của trách nhiệm dân sự như sau:

- Điều 110: “Công dân hay pháp nhân mặc dù đã chịu trách nhiệm dân sự vẫn có thể bị xử lý về hành chính, nếu việc đó là cần thiết. Khi các hành vi của công dân hay pháp nhân có chứa đựng dấu hiệu tội phạm thì họ và cá nhân đại diện theo pháp luật cả pháp nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo thủ tục pháp luật quy định”.

- Điều 134 (trích): “Trách nhiệm dân sự được thi hành bằng những biện pháp sau đây: 1. Chấm dứt xâm phạm; 2. Giải tỏa sự tắc nghẽn; 3. Loại trừ nguy hiểm; 4. Trả lại tài sản; 5. Khôi phục lại trang thái ban đầu; 6. Sửa chữa, cải tạo, thay thế; 7. Bồi thường thiệt hại; 8. Trả khoản tiền đền bù thỏa thuận trước; 9. Loại trừ hậu quả và khôi phục lại danh dự; 10. Xin lỗi”.

Các biện pháp nói trên có thể được áp dụng đơn lẻ hoặc được áp dụng cùng với nhau. Có thể thấy, dù là quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hay bất

kỳ quốc gia nào và được áp dụng dưới hình thức nào thì việc quy định trách nhiệm dân sự đối với các hành vi vi phạm hợp đồng đều được coi trọng. Bởi vậy, phân tích để thấy được tầm quan trọng và sự cần thiết của nội dung trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng là một trong những bước cơ bản để hiểu và nắm rõ được bản chất của trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng. Nội dung của trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng có thể được tìm hiểu như sau.

Một phần của tài liệu Trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng dân sự theo quy định hiện hành của pháp luật việt nam luận văn ths luật (Trang 52)