- Về hoạt động xây dựng và thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành giữa cơ quan Công an Viện kiểm sát và hiệu quả phối hợp
2.2.2. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
Qua thực tiễn cho thấy những tồn tại, hạn chế nêu trên là do một số nguyên nhân sau đây:
Một là, các cơ quan pháp luật ở Trung ương chưa kịp thời ra văn bản hướng dẫn việc áp dụng pháp luật thống nhất dẫn đến cách hiểu, cách vận dụng pháp luật còn thiếu thống nhất làm giảm hiệu quả công tác THQCT và kiểm sát điều tra của VKS. Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới chỉ rõ: "Pháp luật trong lĩnh vực tư pháp chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ và còn nhiều sơ hở"; "Công tác xây dựng, giải thích, hướng dẫn và tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có lĩnh vực pháp luật về tư pháp còn nhiều bất cập và hạn chế" [5]. BLHS năm 1999 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2000 và đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010 đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, chủ động tham gia phòng ngừa và chống tội phạm của toàn xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự đã phát hiện nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng các quy định của BLHS. Chẳng hạn: trong nhiều cấu thành tội phạm cụ thể, còn sử dụng phổ biến các thuật ngữ như: Số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn; giá trị lớn, thu lợi bất chính lớn; gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng… mà chính là những yếu tố được điều luật quy định làm căn cứ định tội hoặc định khung hình phạt tăng nặng nếu không có hướng dẫn áp dụng pháp luật của các cơ quan tư pháp Trung ương rất dễ nhầm lẫn dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau, thậm chí có văn bản hướng dẫn rồi nhưng khi vận dụng vào từng trường hợp cụ thể còn có sự bất đồng, không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thông qua ngày 26/11/2003 có hiệu lực thi hành từ 01/7/2004 để thay thế BLTTHS năm 1988 đã được sửa đổi, bổ sung qua các năm 1990, năm 1993, năm 2000. Tuy nhiên đến nay đã bộc lộ một số bất cập, khó khăn vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật như: Chưa phân định rõ thẩm quyền tố tụng với thẩm quyền quản lý hành chính, nhất là của CQĐT và VKSND; chưa mạnh dạn trao quyền thực hiện các biện pháp tố tụng cho Điều tra viên, KSV; một số thủ tục tố tụng còn rườm rà, chưa cụ thể, dẫn đến khó khăn cho việc áp dụng pháp luật. Chẳng hạn quy định của BLTTHS về căn cứ trả lại hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng chưa được giải thích thống nhất, như việc hiểu thế nào là chứng cứ quan trọng, thế nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng giữa các ngành còn nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến đùn đẩy án.
Hai là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo VKSND thành phố Hà Nội tuy đã được tăng cường đổi mới nhưng có lúc có nơi, thời gian còn bất cập. Trước hết là việc kiểm tra, chỉ đạo, điều hành KSV dưới quyền thực hiện các thao tác nghiệp vụ theo quy chế THQCT và kiểm sát điều tra, cũng như việc lập hồ sơ kiểm sát theo quy định của ngành còn chưa chặt chẽ nên những thiếu sót của KSV trong quá trình THQCT không được phát hiện chấn chỉnh, khắc phục ngay. Công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo của VKSND cấp trên đối với cấp dưới, của lãnh đạo đối với KSVcó lúc, có nơi chưa được chú trọng và không thường xuyên liên tục, còn có những trường hợp VKS cấp trên trả lời thỉnh thị, hướng dẫn nghiệp vụ cho VKS cấp dưới chưa sát, không kịp thời còn chung chung.
Ba là, trình độ nghiệp vụ, ý thức tuân thủ pháp luật TTHS của một số Điều tra viên còn hạn chế, coi nhẹ việc thực hiện các quy định của BLTTHS, nhận thức không đúng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKS trong giai đoạn điều tra, coi hoạt động điều tra là hoạt động nghiệp vụ riêng của ngành Công an, VKS chỉ chi phối về mặt tố tụng giải quyết vụ án. Do đó đã không quan tâm đến yêu cầu điều tra của KSV. Còn có quan điểm nhận thức cho rằng việc điều tra thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm là trách nhiệm của CQĐT, VKS không cần yêu cầu CQĐT cũng phải làm. Do vậy chỉ khi CQĐT không làm hoặc làm không đúng mới phải yêu cầu điều tra, có trường hợp còn phiến diện trong đánh giá chứng cứ hoặc chủ quan, thỏa mãn với các chứng cứ, tài liệu đã thu thập được, không thực hiện nghiêm túc yêu cầu điều tra. Đối với các trường hợp yêu cầu điều tra liên quan đến các quyết định tố tụng như: yêu cầu khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn, yêu cầu hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của CQĐT, yêu cầu truy nã bị can, đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật (Điều 112 BLTTHS 2003) dù không đồng ý CQĐT cũng phải chấp hành mà luật không quy định CQĐT buộc phải thực hiện.
Còn có trường hợp Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, việc đánh giá chứng cứ chưa toàn diện dẫn đến việc trả hồ sơ điều tra bổ sung cho VKS không có căn cứ xác đáng, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án và gây ảnh hưởng tới quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Cá biệt có trường hợp do quan hệ giữa Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa với KSV được phân công THQCT và kiểm sát điều tra vụ án không tốt, nên Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung để gây khó khăn cho KSV.
Bốn là, nhận thức về THQCT trong điều tra vụ án hình sự ở một bộ phận KSV còn hạn chế chưa xác định rõ và chưa thấy hết trách nhiệm, thẩm quyền của mình trong quá trình giải quyết vụ án. Do vậy, còn có vụ án không có yêu cầu điều tra trong khi cần thiết phải có yêu cầu điều tra hoặc yêu cầu điều tra chỉ mang tính chất hình thức, có trường hợp tuy đã có yêu cầu điều tra nhưng không theo dõi, giám sát chặt chẽ để đảm bảo việc thực hiện yêu cầu điều tra nghiêm túc, có chất lượng. Hầu hết các trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung đều do KSV sau khi vụ án kết thúc điều tra mới nghiên cứu hồ sơ và phát hiện ra các vấn đề cần điều tra bổ sung mà không thể tự mình bổ sung được dẫn đến phải trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung cho CQĐT.
Ngoài ra, từ khi có Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH10 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động TTHS gây ra và Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2010 về việc bồi thường cho người bị oan, sai trong TTHS đã nảy sinh tâm lý trong một bộ phận cán bộ, KSV nặng về chống làm oan người vô tội, dẫn đến thiếu chủ động, kiên quyết trong việc phối hợp, yêu cầu CQĐT có biện pháp khắc phục việc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Năm là, việc xác định trách nhiệm trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung chưa rõ ràng cụ thể, chưa thống nhất được trách nhiệm và hình thức xử lý đối với cán bộ vi phạm để phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nên một số KSV,
Điều tra viên, Thẩm phán chưa quan tâm nhiều đến việc học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ và ý thức trách nhiệm trong việc thụ lý hồ sơ vụ án.
Sáu là, công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tư pháp, đặc biệt là giữa VKS với CQĐT trong việc giải quyết các vụ án hình sự chưa chặt chẽ, chất lượng chưa cao, tuy pháp luật TTHS hiện hành đã quy định CQĐT phải thực hiện các yêu cầu, quyết định của VKS nhưng chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của CQĐT, từ đó có quan điểm cho rằng đây thực ra chỉ là sự ràng buộc về thủ tục pháp lý, còn nội dung tiến hành các hoạt động điều tra như thế nào, thu thập chứng cứ gì chủ yếu do Điều tra viên dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng CQĐT quyết định [13] cho nên việc quy định chế độ trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra như hiện nay làm cho VKS không thực quyền, bởi vì trong khi CQĐT làm rất nhiều việc (từ tiếp nhận, xử lý tin báo về tội phạm, truy tìm thủ phạm, đến thu thập chứng cứ, lập hồ sơ đề nghị truy tố) thì hoạt động công tố của VKS chủ yếu dựa trên hồ sơ vụ án của CQĐT dẫn đến tình trạng "quyền anh, quyền tôi"
hoặc né tránh ngại va chạm giữa cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đó là những nguyên nhân hạn chế chất lượng công tác THQCT và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của VKSND thành phố Hà Nội.
Bảy là, công tác bố trí, sắp xếp và sử dụng cán bộ của một số đơn vị cấp huyện có lúc còn chưa hợp lý, thiếu tính khoa học nên chưa phát huy được hết năng lực, sở trường công tác của từng cán bộ, KSV. Biên chế cán bộ, KSV của VKS thành phố hiện nay còn mỏng như ở: VKSND huyện Phú Xuyên, huyện Phúc Thọ chỉ có tổng cộng 10 cán bộ trong đó gồm cả Lãnh đạo viện, KSV, Chuyên viên, Bảo vệ, Kế toán; tình trạng quá tải án hình sự ở một số đơn vị như ở: P1 VKSND thành phố, VKSND quận Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, mỗi KSV trung bình phải thụ lý từ 120-150 vụ/năm, nên chất lượng kiểm sát điều tra còn hạn chế, chủ yếu chạy theo đầu việc, kiểm sát điều tra trên hồ sơ là chủ yếu, chưa thực hiện tốt công tác kiểm sát ngay từ đầu. Có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp
CQĐT thường phân công hàng chục Điều tra viên tham gia, trong khi VKS thường chỉ phân công được 1 đến 2 KSV THQCT và kiểm sát điều tra.
Tám là, hoạt động tổng kết rút kinh nghiệm, xây dựng các chuyên đề của VKSND thành phố trong việc nâng cao chất lượng THQCT ở giai đoạn điều tra các vụ án hình sự được chú trọng thực hiện, song hiệu quả, chất lượng chưa cao, còn nặng về báo cáo số liệu, chưa rút ra được bài học kinh nghiệm trong thực tiễn cho KSV học hỏi để vận dụng, áp dụng vào công tác THQCT và kiểm sát các hoạt động tư pháp.
Chín là, cơ sở vật chất của VKSND hai cấp thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp: trụ sở làm việc chật, hẹp, phòng làm việc nhiều nơi phải bố trí 4-5 cán bộ một phòng, thiếu các phương tiện kỹ thuật và các phương tiện khác nâng cao chất lượng hoạt động công tố trong quá trình điều tra các vụ án hình sự. Các chế độ đãi ngộ cũng như chính sách tiền lương, thưởng đối với cán bộ, KSV chưa phù hợp với trách nhiệm và tính chất công việc cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho một số KSV thiếu bản lĩnh bị kẻ xấu lợi dụng, mua chuộc làm tha hóa, biến chất dẫn đến tình trạng hoạt động THQCT thiếu khách quan, chính xác và trái pháp luật, có những trường hợp đã bị xử lý về hình sự.
Mười là, tính chất, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, có nhiều bị can tham gia hoặc hành vi phạm tội xảy ra ở nhiều địa phương, gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm; lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập của nước ta nhiều loại tội phạm mới xuất hiện, nhiều vụ án liên quan đến các hoạt động kinh tế, chuyên ngành rất phức tạp hoặc có liên quan đến nước ngoài với thủ đoạn phạm tội và che giấu hành vi phạm tội tinh vi, dẫn đến việc điều tra, thu thập chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Chương 3