quyền công tố trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự
Khác với BLTTHS 1988 khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của VKS đối với hoạt động điều tra các vụ án hình sự chung tại Điều 141 BLTTHS, sang tới BLTTHS 2003 nhiệm vụ, quyền hạn của VKS đối với hoạt động điều tra vụ án trong THQCT và kiểm sát việc tuân theo pháp luật đã được tách riêng thành hai điều luật riêng rẽ, được quy định tại Điều 112, Điều 113 BLTTHS 2003. Chính sự thay đổi này cho thấy vai trò chủ đạo, quyết định của VKS trong hoạt động điều tra đã được thể hiện cụ thể, rõ nét và đầy đủ hơn.
Theo quy định tại Điều 112 BLTTHS 2003, khi THQCT trong giai đoạn điều tra VKS có quyền:
- Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can theo quy định của Bộ luật này;
- Đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra; khi xét thấy cần thiết, trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật này;
- Yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra thay đổi Điều tra viên theo quy định của Bộ luật này; nếu hành vi của Điều tra viên có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố về hình sự;
- Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác; quyết định phê chuẩn, quyết định không phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra theo quy định của Bộ luật này. Trong trường hợp không phê chuẩn thì trong quyết định không phê chuẩn phải nêu rõ lý do;
- Hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can;
- Quyết định việc truy tố bị can; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.
Cùng với việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi THQCT trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự, BLTTHS cũng quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS, của KSV khi THQCT và kiểm sát việc tuân theo pháp luật ở giai đoạn điều tra, được thể hiện ở các Điều 36, Điều 37 BLTTHS 2003. Theo Điều 37 BLTTHS 2003 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của KSV khi được phân công THQCT và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự:
Kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra; Đề ra yêu cầu điều tra;
Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; Kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam;... Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát. Kiểm sát viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng Viện kiểm sát về những hành vi và quyết định của mình [36].
Vai trò của VKS trong hoạt động THQCT ở giai đoạn điều tra không chỉ được thể hiện ở nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS và KSV mà còn được thể hiện một cách đầy đủ hơn ở các nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng cụ thể trong từng giai đoạn điều tra vụ án hình sự.
* Khởi tố vụ án hình sự
"Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn mở đầu của tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẩm quyền xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để ra quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án"[44].
Việc khởi tố vụ án hình sự làm phát sinh quan hệ pháp luật TTHS giữa các cơ quan tiến hành TTHS với nhau. Một trong những quan hệ đó là hoạt động THQCT và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của VKS đối với việc khởi tố vụ án hình sự. Kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự là một quyền năng pháp lý, một biện pháp nghiệp vụ được pháp luật quy định để VKS tiến hành hoạt động kiểm sát điều tra. Thông qua hoạt động này VKS có trách nhiệm đảm bảo việc khởi tố vụ án hình sự của cơ quan có thẩm quyền có căn cứ, hợp pháp, kịp thời phát hiện tội phạm, người phạm tội để điều tra xử lý theo pháp luật.
Khi xác định có dấu hiệu tội phạm các CQĐT có thẩm quyền phải ra quyết định khởi tố vụ án để tiến hành điều tra. Điều 100 BLTTHS 2003 quy định: Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những cơ sở sau
đây: Tố giác của công dân; Tin báo của cơ quan, tổ chức; Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm; Người phạm tội tự thú [36].
Trên thực tế các cơ sở, nguồn tin nói trên chưa hẳn đã có dấu hiệu phạm tội mà có thể chỉ có khả năng chứa đựng dấu hiệu của tội phạm. Do đó đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền trước khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự phải tiến hành kiểm tra, xác minh, tìm hiểu để xác định cụ thể dấu hiệu của tội phạm, trên cơ sở đó ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Khoản 4 Điều 104 BLTTHS 2003 quy định:
… Quyết định khởi tố kèm theo tài liệu liên quan đến việc khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được gửi tới Viện kiểm sát để kiểm sát việc khởi tố; quyết định khởi tố của Hội đồng xét xử phải được gửi tới Viện kiểm sát để xem xét… [36].
Căn cứ pháp lý để tiến hành hoạt động kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự của VKS được quy định tại Điều 109, Điều 112 BLTTHS 2003. VKS tiến hành kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự, Thứ nhất: nhằm bảo đảm tính có căn cứ trong việc khởi tố vụ án hình sự. Tính có căn cứ trong việc khởi tố vụ án hình sự được thể hiện: có sự kiện xảy ra trên thực tế, sự kiện cấu thành tội phạm cụ thể có được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS). Sau khi kiểm tra, xem xét nếu thấy tính có căn cứ của quyết định khởi tố vụ án chưa rõ, VKS đề ra các yêu cầu để CQĐT xác minh, kiểm tra nhằm làm rõ tính có
căn cứ. Hoạt động này của VKS thực chất là để đảm bảo việc khởi tố vụ án chính xác, tránh oan, sai, lọt tội phạm ngay trong giai đoạn đầu tiên của quá trình tiến hành tố tụng. Thứ hai, hoạt động này của VKS nhằm bảo đảm tính hợp pháp của việc khởi tố vụ án hình sự. Tính hợp pháp của quyết định khởi tố vụ án hình sự được thể hiện ở thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án, nội dung và hình thức quyết định khởi tố vụ án có đúng quy định của pháp luật, tài liệu chứng cứ đã thu thập có được thể hiện trong quyết định khởi tố vụ án để xác định có sự kiện phạm tội xảy ra, khởi tố vụ án về tội gì, theo điều nào, khoản nào của BLHS.