0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (62 trang)

Thực tiễn và giải pháp của vấn đề quan hệ tài sản của những người đồng tính

Một phần của tài liệu QUAN HỆ NHÂN THÂN VÀ QUAN HỆ TÀI SẢN CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐỒNG TÍNH CHUNG SỐNG NHƯ VỢ CHỒNG (Trang 54 -54 )

5. Cấu trúc luận văn

3.3. Thực tiễn và giải pháp của vấn đề quan hệ tài sản của những người đồng tính

chung sống như vợ chồng

3.3.1. Thực tiễn

Mối quan hệ chung sống như vợ chồng giữa hai người đồng tính được xác lập trên cơ sở tình yêu thương nên ngay từ khi bắt đầu chung sống họ quan tâm chia sẽ với nhau mọi thứ và dĩ nhiên có cả tài sản. Ngày nay, xã hội càng phát triển, giá trị tài sản của con người ngày càng cao. Người đồng tính không nằm ngoài quy luật đó. Giữa hai người đồng tính có thể có cả những tài sản chung có giá trị lớn như nhà, xe ôtô hay họ có thể cùng nhau góp vốn thành lập công ty hoặc cùng nhau kinh doanh. Nhưng vì lòng tin và sự yêu thương nhau họ không tạo lấp chứng cứ về tài sản riêng của mình cũng như phần quyền của mình trong khối tài sản chung. Đây là một yếu tố làm phát sinh bất cập khi họ chấm dứt mối quan hệ chung sống.

Không như quan hệ vợ chồng, khi giải quyết ly hôn tài sản chung của hai vợ chồng thường được giải quyết chia đôi có xem xét công sức đóng góp, quan hệ chung sống như vợ chồng giữa hai người đồng tính không được pháp luật công nhận nên khi có tranh chấp Tòa án không thể áp dụng những quy định về tài sản chung hợp nhất mà chỉ có thể áp dụng các quy định về tài sản riêng và tài sản chung theo phần để chia tài sản cho họ. Nhưng căn cứ nào để Tòa án xác định đâu là tài sản riêng và phần quyền của mỗi người trong khối tài sản chung khi bản thân họ cũng không thể xác định. Sự khó khăn này làm kéo theo nhiều hệ quả khác như gây nên nhiều tranh cải, tạo dư luận xấu gây mất lòng tin của người dân vào tính công bằng của pháp luật. Vì khó khăn trong xem xét cơ sở phân chia tài sản làm cho thời gian xét xử kéo dài, gây tốn kém cũng như làm phát sinh nhiều tranh chấp của hai bên đương sự. Đồng thời, tính thống nhất trong quá trình xét xử của tranh chấp này ở những địa phương khác nhau cũng không được đảm bảo bởi chưa có một văn bản nào hướng dẫn việc phân chia tài sản giữa hai người đồng tính chung sống như vợ chồng.

Tranh chấp về tài sản giữa hai người đồng tính chung sống như vợ chồng càng trở nên căng thẳng hơn khi hai người chia tay một cách “cạn tàu ráu máng”. Nếu trong quá trình chung sống một trong hai người vì một lý do nào đó chẳng hạn như vì lợi ích riêng

của cá nhân đã đem tài sản chung của hai người giao cho một người thứ ba đứng tên chủ sở hữu. Lúc này, nếu người kia không có chứng cứ chứng minh tài sản này có một phần quyền sở hữu của mình thì Tòa án vẫn không thể dựa vào quy định về thời kỳ hôn nhân để suy đoán tài sản đó là tài sản chung của hai người để giành lại lợi ích chính đáng, đảm bảo quyền lợi cho các bên.

Quan hệ tài sản của hai người đồng tính chung sống như vợ chồng sẽ được giải quyết như thế nào nếu như họ sống chung với gia đình một bên? Điều 96 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010 quy định trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình một bên, khi ly hôn nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì phát triển khối tài sản chung, cũng như vào đời sống chung của gia đình. Tuy nhiên, căn cứ để xem xét công sức đóng góp của vợ hoặc chồng trong khối tài sản chung không được quy định rõ ràng. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp khi ly hôn, người vợ không được chia tài sản chung trong khối tài sản chung với gia đình chồng, mặc dù trước đó họ có một thời gian dài đóng góp công sức xây dựng khối tài sản đó. Như vậy, đối với quan hệ hôn nhân đã được pháp luật điều chỉnh nhưng khi ly hôn trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình một bên về quan hệ tài sản của vợ chồng còn gặp rất khó khăn nên nếu hai người đồng tính chung sống như vợ chồng sống cùng với gia đình một bên khi hai người chia tay để giải quyết vấn đề tài sản là một việc vô cùng nan giải.

Ngoài ra, với những quy định của pháp luật hiện hành, vấn đề thừa kế tài sản theo pháp luật giữa hai người đồng tính chung sống như vợ chồng không thể đặt ra trong trường hợp quan hệ của họ chấm dứt do một trong hai người chết. Bản chất quan hệ vẫn là hôn nhân, khi hai người bắt đầu chung sống với nhau họ đã có ý muốn được chung sống với nhau lâu dài cho nên phát sinh các tài sản chung có giá trị lớn như đất, nhà, xe,… là trường hợp tất nhiên sẽ có. Nhưng đôi khi vì lòng tin hoặc một vài nguyên nhân nào đó mà họ không thể lập di chúc để lại tài sản thừa kế cho người kia. Khi một người đột ngột qua đời thì những tài sản có giá trị này rất dễ làm phát sinh tranh chấp về thừa kế đối với gia đình hai bên. Lúc đó những tài sản này trở thành đối tượng phân chia của những người thừa kế. Những tài sản này dù có đăng ký quyền sở hữu chung hay không nhưng khi bị đem ra phân chia đều làm tạo một tâm trạng hết sức nặng nề cho người còn sống.

Hơn nữa, việc hạn chế vấn đề thừa kế theo pháp luật cũng đã nói rõ sự bất bình đẳng về pháp lý đối với nhóm người đồng tính chung sống như vợ chồng. Vì thực tế họ rất muốn được hưởng tất cả các quyền lợi mà pháp luật đặt ra cho một hôn nhân hợp pháp. Qua đó cho thấy, pháp luật hiện hành đã bỏ ngỏ các vấn đề thực tế xảy ra ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng lẽ ra họ phải được hưởng.

3.3.2. Giải pháp

Tăng cường tuyên truyền, giải thích các quy định của pháp luật về sở hữu tài sản bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm giúp mọi người dân nói chung và những người đồng tính chung sống như vợ chồng nói riêng có ý thức bảo vệ được quyền lợi của mình. Việc tuyên truyền này, không nhằm tạo ra mâu thuẩn trong quan hệ chung sống giữa họ mà chỉ giúp họ có cái nhìn đúng hơn về mối quan hệ giữa họ trước pháp luật để cùng nhau có một kế hoạch chung sống hoàn hảo, giúp duy trì bền vững mối quan hệ này.

Pháp luật nên chấp nhận hình thức tự thỏa thuận về sở hữu tài sản giữa những người đồng tính chung sống như vợ chồng cũng như cần có những văn bản quy định về vấn đề thỏa thuận này.

Việc công nhận hình thức sống chung có đăng ký của những người đồng tính chung sống như vợ chồng đồng nghĩa với việc pháp luật công nhận họ có quan hệ hôn nhân hợp pháp dù có bị hạn chế hơn so với quan hệ hôn nhân giữa nam và nữ. Khi đó cần thiết là bảo đảm được quyền thừa kế đối với tài sản của nhau. Để quyền này được đảm bảo trọn vẹn khi quyền thừa kế theo pháp luật của họ được ghi nhận. Trước hết cần bổ sung về quyền thừa kế theo pháp luật ở Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010. Thêm cụ từ “hoặc hai người đồng tính chung sống như vợ chồng có đăng ký” vào khoản 1, cụm từ “hoặc một bên chung sống có đăng ký” vào khoản 2, khoản 3 Điều 31, cụ thể:

Điều 31. Quyền thừa kế tài sản giữa vợ chồng

“1. Vợ, chồng hoặc hai người đồng tính chung sống như vợ chồng có đăng ký có quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật về thừa kế.

2. Khi vợ hoặc chồng hoặc một bên chung sống có đăng ký chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.

3. Trong trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng hoặc một bên chung sống có đăng ký còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định; nếu hết thời hạn do Tòa án xác định hoặc bên còn sống đã kết hôn với người khác thì những người thừa kế khác có quyền yêu cầu Tòa án cho chia di sản thừa kế”.

Tuy nhiên, khi Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010 hết hiệu lực thì sự sửa đổi như trên sẽ không còn ý nghĩa vì Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 không quy định quan hệ thừa kế. Vì thế, quy định về thừa kế quy định ở Bộ

luật dân sự năm 2005 có sự sửa đổi là cần thiết nhằm khẳng định quyền thừa kế giữa những người đồng tính chung sống như vợ chồng được đảm bảo. Thêm cụm từ “người chung sống có đăng ký” vào hàng thừa kế thứ nhất tại Điều 676 quy định về người thừa kế theo pháp luật của Bộ luật dân sự năm 2005. Cụ thể:

Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: a. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, người chung sống có đăng ký, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b. Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c. Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, câu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắc ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người cùng hàng thừa kế được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Ngoài ra, quyền thừa kế không phụ thuộc vào di chúc cũng cần được ghi nhận cho quan hệ chung sống như vợ chồng của những người đồng tính chung sống có đăng ký theo hướng thêm cụm từ “người chung sống có đăng ký” vào khoản 2 Điều 669 Bộ luật dân sự năm 2005, cụ thể: “2. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng, người chung sống có đăng ký”.

KẾT LUẬN

Các câu chuyện về người đồng tính gần đây xuất hiện khá nhiều trên báo chí, phim ảnh và truyền hình. Tưởng như đồng tính đã không còn là “chuyện xa lạ” như nhiều năm về trước, nhưng thực tế, những người đồng tính thật sự vẫn còn nỗi niềm suy tư khi xã hội Việt Nam hiện nay vẫn không cho họ cái quyền gọi là bình đẳng. Lẽ ra mọi người nên cảm thông và san sẻ với họ nhiều hơn thay vì ném cho họ những cái nhìn kỳ thị, những thái độ khinh miệt vì họ là những con người bất hạnh, họ yêu mà không bao giờ được đáp lại, hy sinh mà không bao giờ được bù đắp, cũng như khao khát mà không bao giờ được thỏa mãn. Đồng tính không phải là một tệ nạn như ma túy, thuốc lắc, … không nên đồng hóa họ như những tệ nạn bởi đồng tính là bẩm sinh, họ không có quyền lựa chọn xu hướng tính dục cho bản thân. Đã đến lúc, xã hội có cái nhìn thoáng hơn cho những thành viên mang xu hướng tính dục khác và cho họ được quyền sống bình thường như bao nhiêu cá thể khác của cộng đồng loài người. Thực chất, khi chúng ta tìm hiểu, đánh giá về quyền của người đồng tính cũng như những vấn đề phát sinh từ quan hệ chung sống như vợ chồng của họ sẽ không hề có ý nghĩa muốn cổ vũ cho một trào lưu mới mà nên được hiểu đây chính là thay tiếng nói cho những người đồng tính.

Với việc phân tích các quy định của pháp luật hiện hành về quyền kết hôn, quyền ly hôn, quyền được nuôi con nuôi, trách nhiệm liên đới trong giao dịch dân sự do một bên thực hiện cũng như việc xác lập, sử dụng, phân chia tài sản thuộc quyền sở hữu chung, tài sản thuộc quyền sở hữu riêng và quyền thừa kế tài sản giữa những người đồng tính chung sống như vợ chồng luận văn đã đưa ra những cái nhìn cơ bản dưới góc độ pháp lý về quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của những người đồng tính chung sống như vợ chồng. Kết hợp, tìm hiểu quan hệ chung sống như vợ chồng của những người đồng tính trên thực tế cho thấy quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của những người đồng tính chung sống như vợ chồng chưa được pháp luật điều chỉnh một cách trọn vẹn và đúng với bản chất hôn nhân của nó. Trên cơ sở đó người viết đưa ra ba vấn đề về thực trạng, đó là: Những hệ quả xấu khi quan hệ chung sống như vợ chồng giữa những người đồng tính không được pháp luật công nhận, vấn đề nuôi con nuôi và vấn đề quan hệ tài sản giữa họ. Đồng thời, cũng đưa ra những hướng đề xuất điều chỉnh những phát sinh từ quan hệ chung sống này với hy vọng rằng những quy định của pháp luật sẽ hoàn thiện hơn trong thời gian tới Thiết nghĩ pháp luật nên thừa nhận mối quan hệ mang bản chất hôn nhân đang phát sinh ngày càng nhiều này và cần có những quy định điều chỉnh cụ thể nhằm tạo một cơ sở thực tiễn vững chắc để công nhận quan hệ hôn nhân đồng giới trong thời gian tới./.



Danh mục văn bản quy phạm pháp luật

Danh mục văn bản đã hết hiệu lực

1. Hiến pháp Việt Nam năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). 2. Bộ luật dân sự năm 1995.

3. Luật hôn nhân và gia đình năm 1959. 4. Luật hôn nhân và gia đình năm 1986.

5. Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

6. Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp.

7. Thông tư số 112/NCPL ngày 19/8/1972 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xử lý về dân sự những hôn nhân vi phạm điều kiện kết hôn.

8. Nghị quyết số 01/1988/NQ-HĐTP ngày 20/01/1988 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 1986.

Danh mục văn bản còn hiệu lực

1. Hiến pháp Việt Nam năm 2013. 2. Bộ luật dân sự năm 2005.

3. Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010). 4. Luật bình đẳng giới năm 2006.

5. Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. 6. Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

7. Luật nuôi con nuôi năm 2010.

8. Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 06/9/2000 của Quốc hội quy định về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình.

9. Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.

10.Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký hôn nhân theo Nghị quyết số 35/2000/QH10.

Một phần của tài liệu QUAN HỆ NHÂN THÂN VÀ QUAN HỆ TÀI SẢN CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐỒNG TÍNH CHUNG SỐNG NHƯ VỢ CHỒNG (Trang 54 -54 )

×