5. Cấu trúc luận văn
2.2.1.3. Phân chia tài sản thuộc quyền sở hữu chung và chấm dứt sở hữu
* Phân chia tài sản thuộc quyền sở hữu chung
Việc phân chia tài sản là một trong những căn cứ chấm dứt quyền sở hữu chung. Về nguyên tắc việc chia tài sản chung chỉ được thực hiện đối với tài sản thuộc sở hữu chung theo phần và tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. Như đã phân tích ở trên, tài sản chung của những người đồng tính chung sống như vợ chồng là tài sản chung theo phần nên tài sản chung này hoàn toàn có thể phân chia.
Trong khi tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân hay hậu quả của việc chia tài sản chung đó được Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2010 điều chỉnh tại Điều 29, 30 thì chính vì không được pháp luật công nhận nên việc phân chia tài sản thuộc quyền sở hữu chung của những người đồng tính chung sống như vợ chồng chỉ có thể được thực hiện theo quy định Bộ luật dân sự năm 2005. Cụ thể, Điều 224 quy định “1. Trong trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu các chủ sở hữu chung đã thoả thuận không phân chia tài sản chung trong một thời hạn thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để chia. 2. Trong trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi người đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu không thể chia phần
quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán”.
Theo quy định trên, người có quyền yêu cầu chia tài sản thuộc quyền sở hữu chung của hai người đồng tính chung sống như vợ chồng bao gồm: Một trong hai người chung sống và người có quyền yêu cầu một trong trong hai người chung sống thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Việc chia tài thuộc sở hữu chung của hai người đồng tính chung sống như vợ chồng thực hiện dựa trên cơ sở thỏa thuận của hai người. Nếu tài sản là hiện vật không thể chia được thì trị giá thành tiền để chia.
Theo khoản 2 quy định về quyền của người yêu cầu một người trong hai người đồng tính chung sống như vợ chồng sở hữu chung tài sản thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì trước hết người có nghĩa vụ thực hiện việc thanh toán cho người có quyền bằng các tài sản thuộc sở hữu riêng của mình. Người có quyền yêu cầu chỉ có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chia tài sản chung của người đó với người cùng chung sống khi người có nghĩa vụ không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ thanh toán cho người có quyền yêu cầu và được tham gia vào việc chia tài sản chung. Tuy nhiên, người yêu cầu được tham gia vào việc chia tài sản chung như thế nào? Chỉ được giám sát việc phân chia tài sản để nhận lại số tiền mà một trong hai người chủ sở hữu phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình hay là người đứng ra chia tài sản chung? Vấn đề này còn liên quan đến ý chí thỏa thuận của hai người chung sống cùng sở hữu chung tài sản. Nếu người yêu cầu đứng ra chia tài sản chung theo ý chí của họ thì sẽ vi phạm quyền nhất trí, thỏa thuận của người chủ sở hữu còn lại. Hai người đồng tính chung sống như vợ chồng là chủ sở hữu chung tài sản đều có quyền quyết định số phận pháp lý và số phận thực tế của tài sản nên họ có quyền phản đối cách phân chia tài sản chung đó. Lúc này, người có quyền có thể yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu tài sản đó cho mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Khi bán phần quyền sở hữu của mình, người có nghĩa vụ cần lưu ý quyền ưu tiên của người sở hữu chung còn lại theo quy định tại Điều 223 Bộ luật dân sự năm 2005. Nếu phần quyền sở hữu chung tài sản đã được người sở hữu chung còn lại mua thì người có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ phải thanh toán nghĩa vụ cho mình.
Như vậy, giống như việc xác lập quyền sở hữu chung về tài sản, phân chia tài sản thuộc quyền sở hữu chung của hai người đồng tính chung sống như vợ chồng được thực hiện theo sự thỏa thuận. Hơn nữa, nếu một trong hai người muốn bán phần quyền sở hữu của mình thì người còn lại được quyền ưu tiên mua trước.
* Chấm dứt sở hữu chung
Như đã phân tích ở trên, sở hữu chung là hình thức sở hữu của nhiều chủ sở hữu cùng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt một hoặc một khối tài sản nhất định. Bởi vậy, nếu ta
đem chia tài sản chung của hai người đồng tính chung sống như vợ chồng cho từng người sẽ chấm dứt sở hữu chung và xác lập quyền sở hữu cá nhân đối với từng phần tài sản được chia. Đây là trường hợp thứ nhất về chấm dứt sở hữu chung đã được cụ thể hóa ở khoản 1 Điều 226 Bộ luật dân sự năm 2005 “tài sản chung đã được chia”.
Tương tự như khi xác lập sở hữu chung, nếu hai người đồng tính chung sống như vợ chồng thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định một trong hai người được hưởng toàn bộ tài sản chung cũng có thể làm chấm dứt quyền sở hữu chung của hai người và xác lập quyền sở hữu cá nhân của chủ sở hữu được hưởng toàn bộ tài sản đó. Đây chính là quy định tại khoản 2 Điều 226 Bộ luật dân sự năm 2005 “một trong các chủ sở hữu chung
được hưởng toàn bộ tài sản chung”.
Tài sản là khách thể của quyền sở hữu nói chung và quyền sở hữu chung nói riêng, bởi vậy nếu tài sản chung không còn thì quyền sở hữu chung cũng chấm dứt31. Tức là, nếu một tài sản thuộc quyền sở hữu chung của hai người đồng tính chung sống như vợ chồng vì một nguyên nhân nào đó không còn tồn tại nữa, lúc đó họ không còn đối tượng để cùng sở hữu, làm cho quyền sở hữu chung của họ đối với tài sản chung đó chấm dứt.
Theo khoản 4 Điều 226 Bộ luật dân sự năm 2005, một số trường hợp quyền sở hữu cũng chấm dứt theo quy định của pháp luật. Chẳng hạn, anh A và anh B là hai người đồng tính chung sống như vợ chồng cùng nhau góp tiền mua một máy tính bảng để cùng nhau sử dụng. Nhưng vì bất cẩn nên hai anh đã bỏ quên máy tính bảng đó tại một ghế đá trong một lần đi dạo ở công viên. Chị D nhặt được, trình báo và giao cho Ủy ban nhân dân phường. Ủy ban nhân dân phường thông báo công khai về sự việc trên để trả lại cho chủ sở hữu nhưng sau hơn một năm không ai đến nhận lại Ủy ban nhân dân phường đã giao lại cho chị D sử dụng. Trong một lần tình cờ hai anh A và B thấy chị D sử dụng máy tính bảng và nhận ra đó là máy tính của hai anh. Nhưng lúc này quyền sở hữu chung của hai anh đã chấm dứt theo quy định của pháp luật, cụ thể Điều 241 Bộ luật dân sự năm 2005 và máy tính bảng đó bây giờ thuộc quyền sở hữu của chị D.