Mục đích tổ chức tự đánh giá quá trình học tập môn Toán cho học sinh

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ: “Hướng dẫn học sinh tự đánh giá và điều chỉnh quá trình học tập môn Toán ở trường trung học cơ sở” (Trang 54)

QUÁ TRÌNH HỌC TẬP MÔN TOÁN

Từ kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn trên đây, chúng tôi đề xuất các khâu của quá trình ĐG và đề xuất một số biện pháp giúp HS THCS bước đầu làm quen và hình thành năng lực TĐG và điều chỉnh trong quá trình học tập môn Toán.

2.1 Mục đích tổ chức tự đánh giá quá trình học tập môn Toán cho học sinh trung học cơ sở sinh trung học cơ sở

Việc tổ chức cho HS THCS tham gia vào tự đánh giá và điều chỉnh quá trình học tập môn Toán nhằm thực hiện các mục đích:

Thứ nhất, giúp cho HS được tham gia vào quá trình đánh giá, đảm bảo HS đóng vai trò trung tâm trong quá trình dạy học cũng như trong quá trình đánh giá. Khi HS tự đánh giá, các em có cơ hội được tự đối chiếu kết quả học tập, sản phẩm học tập của mình với mục tiêu học tập cá nhân, mục tiêu học tập chung và với các tiêu chí đánh giá một cách công khai hoặc với các bạn khác trong lớp. Kết quả TĐG chính là động lực để kích thích hoạt động học tập, giúp các em tự điều chỉnh hoạt động theo hướng hoàn thiện hơn để đáp ứng được mục tiêu học tập cũng như các tiêu chí đã đề ra. Như thế các em có cơ hội để nhìn nhận các mặt mạnh mặt yếu của bản thân, nhìn nhận sự tiến bộ hoặc tụt dốc trong lộ trình học tập của chính mình, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời để đạt hiệu quả học tập cao nhất. Kết quả tự đánh giá của HS nếu thực hiện tốt có thể được sử dụng như là một căn cứ để GV đưa ra kết quả đánh giá cuối cùng, điều đó giúp HS tăng cường sự phát triển của tự ý thức, các em được làm chủ

hoạt động học tập của mình, được tự chủ, được tôn trọng, đồng thời thúc đẩy mong muốn được khẳng định giá trị bản thân với những người xung quanh.

Thứ hai, tổ chức cho các em TĐG tạo ra một môi trường đánh giá công khai, minh bạch, các em được tự đánh giá lẫn nhau và tự đánh giá chính bản thân mình, có quyền đối chiếu các kết quả đánh giá của mình với kết quả đánh giá của giáo viên qua các tiêu chí đánh giá được công khai, góp phần khách quan hóa kết quả được đánh giá, đồng thời giúp HS hình thành và nâng cao năng lực tự đánh giá cho bản thân. Thông qua TĐG, các em còn được rèn luyện năng lực phê phán, năng lực hợp tác làm việc nhóm, đó là những năng lực rất cần thiết không chỉ trong quá trình học tập mà còn cần thiết cho mọi cá nhân để có thể tham gia hiệu quả trong nhiều hoạt động và các bối cảnh khác nhau trong đời sống xã hội, trong cuộc sống cũng như trong hoạt động nghề nghiệp.

Năng lực tự đánh giá không tự nhiên mà có nếu không có sự tập luyện, rèn giũa từ sớm. Theo quan điểm của Nguyễn Công Khanh [14], “đánh giá cũng là quá trình học tập, việc hình thành năng lực đánh giá và tự đánh giá cho HS là một trong những mục tiêu giáo dục”, điều này cũng phù hợp với mục tiêu của công cuộc đổi mới sau 2015.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ: “Hướng dẫn học sinh tự đánh giá và điều chỉnh quá trình học tập môn Toán ở trường trung học cơ sở” (Trang 54)